Kính thưa các đồng chí,
Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Nhiều địa phương, Bộ, ngành đã tổ chức học tập quán triệt Nghị quyết này.
Các đồng chí dự họp hôm nay đã có dịp tiếp cận và quán triệt Nghị quyết ở đơn vị mình, do vậy tôi không trình bày lại toàn bộ nội dung Nghị quyết mà chỉ đi vào những điểm theo chúng tôi là hết sức quan trọng, liên quan trực tiếp đến lĩnh vực giáo dục đại học của chúng ta, để cùng nhau thêm quán triệt và thống nhất trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết trong năm 2014 và những năm tiếp theo.
Kính thưa các đồng chí,
Ngay sau khi Đại hội Đảng lần thứ XI kết thúc, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động cùng với Ban Tuyên giáo Trung ương và nhiều cơ quan khác của Đảng và Nhà nước tiến hành xây dựng và hoàn thiện nhiều lần bản Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Hội nghị Trung ương 6 đã họp, dành thời gian đáng kể để thảo luận về Đề án này. Ý kiến lúc đó còn nhiều điểm chưa thống nhất về đánh giá thực trạng và đặc biệt là về các giải pháp đổi mới giáo dục, nên Trung ương đã cân nhắc, quyết định chưa ra Nghị quyết mà chỉ ra Kết luận về một số vấn đề cấp bách của giáo dục và đào tạo, và chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Đề án để thảo luận lại và ra Nghị quyết vào thời điểm thích hợp.
Trên cơ sở kết quả thảo luận và hiến kế cho giáo dục của toàn xã hội, bản đề án đã được hoàn thiện trình hội nghị Trung ương 8 để thảo luận và Trung ương đã thống nhất ban hành Nghị quyết.
Tôi xin trao đổi với các đồng chí một số nội dung sau:
Phần 1: Về thực trạng giáo dục và đào tạo Việt Nam
1.1. Về các thành tựu đạt được
Trong đề án và Nghị quyết lần này, với thái độ thực sự cầu thị, thẳng thắn nhìn vào sự thật, Trung ương khẳng định 8 thành tựu và 10 hạn chế yếu kém của giáo dục và đào tạo Việt Nam hiện nay, trong đó có những yếu kém đã được đề cập qua nhiều năm mà vẫn chưa giải quyết được, thậm chí còn trầm trọng hơn, gây bức xúc trong toàn xã hội.
Về cách diễn đạt: Trong Nghị quyết, các thành tựu của giáo dục và nguyên nhân được trình bày gộp với nhau trong một mục, các hạn chế yếu kém và các nguyên nhân của hạn chế yếu kém thì được trình bày riêng để phân tích sâu, trình bày rõ với tinh thần trách nhiệm cao nhất và có sự đánh giá đúng thực trạng, tạo tiền đề đúng đắn cho việc xác định phương hướng nhiệm vụ và giải pháp.
Tôi xin nói rõ hơn về 2 trong 8 thành tựu đã nêu trong Nghị quyết:
Thứ nhất: Hệ thống trường lớp và quy mô giáo dục phát triển nhanh, đã xây dựng được nền giáo dục toàn dân, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của nhân dân để nâng cao được trình độ đào tạo, trình độ và kỹ năng nghề nghiệp của người lao động.
Thứ hai: Chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng lên một bước, góp phần đáp ứng yêu cầu nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Học sinh, sinh viên Việt Nam đạt kết quả cao trong các kỳ thi quốc tế và khu vực. Nhân lực nước ta đã làm chủ được một số công nghệ hiện đại.
Các thành tựu khác và nguyên nhân của các thành tựu cũng đã được nêu rõ trong Nghị quyết, tôi xin phép không đề cập đến nữa, vì thời gian có hạn.
1.2. Về những hạn chế yếu kém
Trong đề án đã nêu rõ 10 hạn chế và yếu kém, sau đây tôi xin phân tích một vài hạn chế trong số đó:
Thứ hai: Hệ thống giáo dục còn cứng nhắc, thiếu tính liên thông giữa các trình độ đào tạo và các phương thức giáo dục. Hệ thống giáo dục của chúng ta hiện nay được ví như một nhà cao tầng (từ mầm non đến thạc sĩ, tiến sĩ), đáng lẽ phải có lối đi liên thông trong tất cả các tầng, nhưng hiện tại chúng ta muốn đi từ tầng 2, tầng 3 lên tầng 4, tầng 5 phải đi xuống tầng 1.
Thứ tư: Chưa chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng làm việc. Phương pháp giáo dục, kiểm tra, thi và đánh giá lạc hậu, nhiều bất cập. Chúng ta chưa chú ý đến việc giúp học sinh hình thành các kỹ năng mềm; dạy quá nặng về lý thuyết.
Thứ năm: Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn nhiều bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu; một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Phần 2: Định hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo
2.1. Về quan điểm chỉ đạo:
Quan điểm chỉ đạo lần này có sự kế thừa (kế thừa quan điểm, nguyên lý giáo dục truyền thống của Việt Nam còn nguyên giá trị trong thời kỳ đổi mới giáo dục và đào tạo hôm nay, kế thừa quan điểm đường lối của Đảng ta về GD-ĐT), cụ thể hóa và phát triển thêm các quan điểm đó để phù hợp và đáp ứng được tình hình, điều kiện cũng như yêu cầu của giai đoạn mới.
Tôi xin làm rõ hơn một số quan điểm cụ thể:
a) Luận điểm “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, của Nhà nước và của toàn dân; Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển” đã được khẳng định trong các văn kiện trước đây của Đảng, nay được bổ sung, cụ thể hoá thêm: Đầu tư cho giáo dục được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Trước đây, trong quá trình xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, chúng ta bàn nhiều về nguồn vốn, thiết bị, đất đai, nhà cửa nhưng thường chưa bàn đầy đủ, đúng tầm về nguồn nhân lực. Cách đây 2 - 3 năm, Chính phủ đã phát hiện ra vấn đề này và đã chỉ đạo các Bộ ngành, các địa phương xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực của ngành, của địa phương mình.
Lần này Nghị quyết khẳng định vấn đề phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực là một bộ phận (rất quan trọng) của chương trình, kế hoạch phát triển KTXH, và phải được ưu tiên và quan tâm thực sự.
b) Chuyển mô hình phát triển giáo dục và đào tạo từ chủ yếu dựa vào số lượng và quy mô, vốn là một thành quả của giai đoạn vừa qua, sang chú trọng chất lượng và hiệu quả. Hiện nay, cả đất nước đang chuyển mô hình phát triển, và giáo dục và đào tạo cũng vậy.
c) Nghị quyết cũng khẳng định phải chuyển mạnh quá trình giáo dục từ “nặng” về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục “trọng” về hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất của người học.
2.2. Về nội hàm khái niệm đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo:
a) Đổi mới toàn diện tức là thay đổi toàn bộ (cả chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy, phương pháp học và thi cử; cả ở phổ thông và cả ở đại học; cả thầy và cả trò...); là thay đổi tổng thể, có hệ thống (có trước có sau, có trên có dưới, có trong có ngoài, có chính có phụ ...) tất cả các yếu tố, các quan hệ của ngành giáo dục và giữa ngành Giáo dục với các ngành khác.
b) Còn đổi mới căn bản là thế nào?
Tôi xin giải thích rõ việc này: Cho đến nay, chúng ta đã tiến hành 3 lần cải cách giáo dục. Lần cải cách nào nào cũng có những mục tiêu và giải pháp cụ thể, và đều đạt được những kết quả rất đáng trân trọng.
Tuy nhiên cả 3 lần cải cách đều chưa thay đổi được quan điểm chỉ đạo của việc thiết kế mục tiêu, nội dung, chương trình giáo dục và đặc biệt là chưa thay đổi được phương pháp dạy, phương pháp học và phương pháp kiểm tra, thi cử và đánh giá.
Lần này, chúng ta sẽ phải thay đổi căn bản.
Phần 3. Nội dung đổi mới giáo dục đại học theo Nghị quyết Trung ương 8
3.1. Những công việc đã triển khai
Trên tinh thần phân cấp, chúng tôi đã giao cho Hiệu trưởng tự quyết định mọi khâu trong quá trình đào tạo từ TCCN, CĐ, ĐH đến thạc sĩ, tiến sĩ. Bộ chỉ quản lý việc mở ngành, với lý do duy nhất là để kiểm soát, cân đối tổng “cung” lao động cho phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.
Các tiêu chuẩn bổ nhiệm Giáo sư, Phó Giáo sư cũng đã được nâng lên, đồng thời bổ sung nhiều ưu đãi về chế độ lương và thời gian công tác, tạo điều kiện nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt cho các nhà trường.
3.2. Phương hướng tiếp tục đổi mới giáo dục đại học
Trong thời gian tới, chúng ta sẽ phải tiếp tục đổi mới giáo dục đại học theo các nội dung sau:
Thứ nhất: Chúng ta sẽ phải thay đổi từ hệ thống giáo dục đóng sang hệ thống giáo dục mở. Đó chính là sự đổi mới căn bản trong giáo dục đại học đã được Trung ương và cả xã hội đồng tình ủng hộ.
Thứ hai: Chúng ta sẽ phải chuyển từ đào tạo theo khả năng của các nhà trường sang đào tạo theo nhu cầu của xã hội, của thị trường lao động, phù hợp với khả năng và thế mạnh của nhà trường.
Thứ ba: Quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học đã và sẽ được tăng cường, và đi đôi với việc này là trách nhiệm trước xã hội của các cơ sở giáo dục đại học sẽ phải nâng cao.
Thứ tư: Nội dung giáo dục đại học, hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phải sẽ phải được đổi mới theo hướng cung cấp cho sinh viên các kiến thức và kỹ năng cần thiết cùng với việc rèn luyện về kỷ luật và thái độ lao động, hiểu biết xã hội, để sinh viên có thể đáp ứng yêu cầu nhân lực trong điều kiện kinh tế - xã hội và khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ, và cùng với quá trình này là quy mô việc làm thay đổi nhanh chóng, mức độ cạnh tranh trên thị trường lao động ngày càng tăng cao.
Thứ năm: Đổi mới hoạt động kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục đại học theo hướng chú trọng đánh giá năng lực phân tích, sáng tạo, giải quyết vấn đề và thái độ nghề nghiệp, năng lực nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ, năng lực thực hành tương xứng với trình độ đào tạo, năng lực thích nghi với môi trường làm việc của người học.
Với tinh thần đó, đề nghị các đồng chí chủ động suy nghĩ, tính toán để thực hiện đổi mới trong đơn vị mình, song hành cùng toàn bộ hệ thống giáo dục và đào tạo. Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, với quyền tự chủ được trao và tiềm lực sẵn có, các trường đại học, cao đẳng sẽ thực hiện trước và thực hiện tốt đổi mới.
Phần 4. Về vấn đề tự chủ trong thi tuyển sinh
Tại cuộc họp này, nhiều đồng chí lãnh đạo các nhà trường trình bày khó khăn trong việc tự chủ tuyển sinh, có đồng chí còn có nguyện vọng duy trì tiếp “ba chung”. Chúng tôi ghi nhận ý kiến, băn khoăn và khó khăn của các đồng chí. Và xin chia sẻ như sau:
Thứ hai: Một số nhà trường than phiền không tuyển được sinh viên vào học do quy chế tuyển sinh không phù hợp. Có thể ở một số trường cụ thể, một vài chi tiết cụ thể của phương án tuyển sinh vừa qua đã làm các trường gặp khó khăn trong tuyển sinh. Nhưng đó chỉ là một trong các lý do. Chất lượng đầu ra và khả năng tìm được việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp mới là điều quan trọng và quyết định vấn đề tuyển sinh của các trường. Nghị quyết ĐH 11 và NQ TW 8 (khoá XI) lần này không chỉ chúng ta quán triệt, mà toàn dân đã, sẽ quán triệt và triển khai thực hiện. Các bậc phụ huynh học sinh sẽ tự cân nhắc và cùng với con em mình lựa chọn ngành, trường cho các cháu vào học. Bằng đồng tiền của mình, họ sẽ lựa chọn trường và bỏ phiếu đánh giá chất lượng các cơ sở đào tạo của chúng ta. Tôi đề nghị các đồng chí có suy nghĩ rộng thêm ở điểm này.
Thứ ba: Việc tự chủ thi tuyển sinh là việc dứt khoát phải làm. Luật giáo dục đại học đã ghi rõ; Nghị quyết T.Ư 8 tiếp tục khẳng định việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường trong tuyển sinh. Chúng ta phải nghiêm túc và gương mẫu thực hiện Luật.
Căn cứ các ý kiến phát biểu của các đồng chí, tôi xin thảo luận thêm 2 câu hỏi: Vì sao Đảng và Quốc hội lại quyết định như vậy? Việc này mang lại ích lợi gì?
Như trên đã phân tích, Nghị quyết T.Ư 8 khẳng định chúng ta sẽ chuyển từ giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức một chiều sang chú trọng hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất người học. Vậy nếu không thay đổi cách thi tuyển sinh đại học thì làm sao thay đổi được cách học, cách dạy ở phổ thông để nâng cao chất lượng?
Nếu không thay đổi việc thi tuyển sinh đại học thì làm sao có đầu vào của trường đại học là những học sinh có đủ năng lực và phẩm chất cần thiết để đào tạo ra con người lao động mới?
Chúng tôi giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các đồng chí, không phải là để quay trở lại thời kỳ trước “ba chung”, để các đồng chí lại tiếp tục tổ chức tuyển sinh theo khối A “toán, lý, hóa” hay C “văn, sử, địa”…, mà là để các đồng chí dựa vào trí tuệ của tập thể sư phạm với kinh nghiệm giảng dạy lâu năm, với hiểu biết có được về năng lực, kỹ năng, phẩm chất cần có của sinh viên sau tốt nghiệp mà xác định phương thức tuyển sinh cho phù hợp với từng ngành/lĩnh vực đào tạo của mình, qua đó góp phần hỗ trợ cho những đổi mới ở giáo dục phổ thông, và giúp trường của các đồng chí tuyển đúng được sinh viên theo yêu cầu của đổi mới nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.
Chúng tôi không giới hạn hình thức thi hay xét tuyển, mà giao các đồng chí hoàn toàn tự quyết định. Các trường nghệ thuật đã tự chủ, chủ động lựa chọn phương án thi tuyển năng khiếu kết hợp với kết quả một số môn học ở bậc phổ thông, và đã làm rất tốt, như các đồng chí vừa nghe báo cáo.
Vì lợi ích của người học, vì lợi ích lâu dài của đất nước, chúng ta phải đổi mới. Và trong quá trình đổi mới đó, chúng ta phải giành phần khó về mình, nhường phần dễ cho các em học sinh. Theo tôi, đó là cách suy nghĩ và hành động đúng của chúng ta trong thời khắc quan trọng này.
Thứ tư, vì sao phương án tuyển sinh mới phải để Bộ phê duyệt?
Vì chúng ta phải chuẩn bị thật chu đáo, chúng ta phải thay đổi phương thức tuyển sinh trong trật tự, có lộ trình và công bố công khai, rộng rãi. Chúng ta chỉ thay đổi phương thức tuyển sinh khi các cháu học sinh đã hiểu rõ, hiểu đúng phương án tuyển sinh mới và sẵn sàng tham gia. Vì sao phải làm như vậy? Vì tuyển sinh là vấn đề lớn, liên quan đến hàng triệu học sinh và hàng triệu gia đình.
Thưa các đồng chí,
Giáo dục đào tạo và đổi mới giáo dục đào tạo là sự nghiệp của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chúng ta, đội ngũ thầy cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục, chính là đội quân chủ lực tiên phong, vừa là người chiến sỹ đứng ở tuyến đầu của mặt trận chính, vừa là người tham mưu cho Đảng và Nhà nước, cả ở TW và địa phương để có sự chỉ đạo các lực lượng xã hội khác triển khai đồng bộ.
Tôi đề nghị các đồng chí chủ động báo cáo và chấp hành nghiêm túc sự chỉ đạo của cấp ủy, từ Ban Chấp hành T.Ư xuống các Tỉnh ủy, Thành ủy và Đảng ủy nhà trường.
Hiện nay, Bộ đã có cuốn tài liệu Hỏi đáp về đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo để các đồng chí tham khảo, nghiên cứu, triển khai việc học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết thật tốt.
Với sự hỗ trợ của công nghệ, chúng ta sẽ thường xuyên trao đổi với nhau bằng nhiều hình thức về công việc mà chúng ta đã trao đổi và thống nhất với nhau hôm nay.
Tôi xin kết thúc bài phát biểu ở đây.
Cảm ơn các đồng chí đã lắng nghe.
Nhân dịp năm mới 2014 và Tết cổ truyền của dân tộc sắp tới, tôi xin kính chúc các đồng chí và gia đình, và qua các đồng chí, xin gửi lời kính chúc các đồng nghiệp của chúng ta:
Sức khỏe, Hạnh phúc, Thành công!
Chúc sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo của chúng ta thành công!