Đổi mới căn bản phương pháp đánh giá môn khoa học tự nhiên

GD&TĐ - Thực hiện đổi mới dạy học Toán và các môn khoa học tự nhiên, Sở GD&ĐT Hưng Yên, bên cạnh thực hiện đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học cũng đồng thời chú trọng thực hiện kiểm tra đánh giá (KTĐG) theo định hướng phát triển năng lực học sinh; chú trọng đổi mới căn bản phương pháp và hình thức đánh giá học sinh trong quá trình dạy học.

Đổi mới căn bản phương pháp đánh giá môn khoa học tự nhiên

Phân tích kết quả kiểm tra, thi để điều chỉnh hoạt động giảng dạy

Trao đổi về kinh nghiệm chỉ đạo đổi mới kiểm tra đánh giá môn Toán và các môn khoa học tự nhiên, ông Nguyễn Văn Phê – Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên – cho biết:

Ngay từ đầu năm học, Sở GD&ĐT đã tổ chức hội nghị chuyên đề rà soát, đánh giá và rút kinh nghiệm việc sử dụng ma trận đề kiểm tra, quán triệt qui trình ra đề kiểm tra bắt buộc trong đó phải có ma trận đề theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Đồng thời, tiếp tục tổ chức bồi dưỡng giáo viên kĩ năng ra đề kiểm tra bằng hình thức tự luận, trắc nghiệm bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông với các cấp độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng; từ đó bảo đảm dạy học sát đối tượng học sinh, khuyến khích tư duy độc lập, sáng tạo.

Các trường tổ chức hội nghị, hội thảo về đổi mới KTĐG theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Thực hiện đúng quy định của Quy chế đánh giá, xếp loại HS; đảm bảo khách quan, chính xác, công bằng, kiểm tra cả về kiến thức, kỹ năng và yêu cầu về thái độ đối với HS.

Quán triệt đặc trưng của các nhóm môn học để nâng cao chất lượng dạy học các môn học và hoạt động giáo dục; khắc phục tình trạng thiên về KTĐG ghi nhớ kiến thức, tăng cường ra đề “mở” nhằm kiểm tra mức độ thông hiểu và vận dụng sáng tạo kiến thức để giải quyết vấn đề và tạo cơ hội cho HS biểu đạt chính kiến của bản thân khi làm bài.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Văn Phê, tại Hưng Yên, các đơn vị luôn chỉ đạo và tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc các khâu ra đề, coi, chấm bài kiểm tra và khảo sát chất lượng cuối năm; chú trọng việc tổ chức thi nghiêm túc, đúng quy chế, đảm bảo khách quan, trung thực, công bằng, đánh giá đúng năng lực thực chất của học sinh.

Coi trọng việc phân tích kết quả kiểm tra, thi để qua đó giáo viên điều chỉnh hoạt động giảng dạy, giúp học sinh biết tự đánh giá để định hướng vươn lên trong học tập; các cấp quản lí điều chỉnh bổ sung công tác quản lý.

Kết hợp nhiều hình thức đánh giá đa dạng

Trong Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học những năm gần đây, Sở GD&ĐT Hưng Yên đã chỉ đạo các đơn vị giáo dục chú trọng đổi mới căn bản phương pháp và hình thức đánh giá học sinh.

Coi trọng đánh giá trong quá trình dạy học, đánh giá trên lớp, đánh giá bằng hồ sơ, đánh giá bằng nhận xét, bổ sung hình thức đánh giá thông qua sản phẩm dự án, bài thuyết trình, kết hợp kết quả đánh giá trong quá trình giáo dục và đánh giá tổng kết cuối kỳ, cuối năm học; giữa đánh giá của giáo viên và tự đánh giá của học sinh; giữa đánh giá của nhà trường và đánh giá của gia đình, cộng đồng.

Các hình thức kiểm tra, đánh giá phải hướng tới phát triển năng lực của học sinh, chú trọng đánh giá để giúp đỡ học sinh về phương pháp học tập, động viên sự cố gắng, hứng thú học tập của các em trong quá trình dạy học.

Việc kiểm tra, đánh giá không chỉ là việc xem học sinh học được cái gì mà quan trọng hơn là biết học sinh học như thế nào, có biết vận dụng không.

“Năm học 2014 - 2015, Ban nghiệp vụ bộ môn Sở GD&ĐT đã tổ chức thực hiện các tiết dạy minh họa của 8 bộ môn: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học.

Chúng tôi cũng tổ chức thành công Hội thảo của 8 bộ môn nêu trên, rút kinh nghiệm với thành phần là Ban giám hiệu các trường, tổ trưởng/nhóm trưởng chuyên môn; quay video các giờ dạy làm tư liệu sinh hoạt chuyên môn cho các trường.

Hội thảo thực sự là hoạt động sinh hoạt chuyên môn sâu, góp phần làm chuyển biến lớn về nhận thức cũng như hoạt động giảng dạy của các giáo viên trong nhà trường về đổi mới phương pháp dạy học” - Ông Nguyễn Văn Phê chia sẻ.

“Các trường THPT, các Phòng GD&ĐT của Hưng Yên đang tích cực xây dựng “nguồn học liệu mở” (thư viện) câu hỏi, bài tập, giáo án, tài liệu tham khảo, tư liệu dạy học trên website của Phòng GD&ĐT và các trường THPT, THCS để giáo viên tham khảo và sử dụng. Hầu hết các nhà trường đã xây dựng được ngân hàng đề kiểm tra chung. Nhiều đơn vị đã xây dựng được thư viện học liệu mở trên trang web riêng” - Ông Nguyễn Văn Phê cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ