Tất cả như oà lên khi nghe tin ca bệnh đầu tiên trong cộng đồng ở Đà Nẵng sau 99 ngày, mà đến tối qua 27/7 vẫn chưa xác định được nguồn lây. Số người nhiễm đến hôm qua là vài chục người, và dự định sẽ còn tăng nhanh khi những người đi du lịch, công tác Đà Nẵng về lan tỏa khắp cả nước.
Bất ngờ thì không hẳn. Mấy tháng qua chúng ta vẫn được Chính phủ cảnh báo đừng chủ quan, có thể sẽ phải đối mặt làn sóng dịch thứ hai. Nhưng việc duy trì được số ngày dài như vậy không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, cùng với niềm hy vọng phục hồi sau mấy tháng liền suy yếu cả sức khỏe tinh thần lẫn sức khỏe nền kinh tế, đã khiến mọi người rất bức xúc.
Bức xúc lớn nhất có lẽ là nhằm vào những ai đã lơi lỏng tiếp tay cho người nhập lậu từ biên giới phía bắc hay phía nam, cả người Trung Quốc lẫn người Việt. Nghi vấn nguồn lây được cho là từ bên ngoài vào. Đã có những kẻ, vì hám lợi trước mắt mà bất chấp lợi ích của đồng bào mình, đất nước mình. Một đường dây đưa người nhập lậu đã bị khởi tố và đó là sự trừng phạt thích đáng.
Nhưng khó khăn đang ở trước mắt. Đà Nẵng bắt đầu giãn cách xã hội, lại thiếu việc làm, mất việc làm, những nỗi lo mưu sinh hiển hiện.
"Tất cả đã mong sau chuyến đi Đà Nẵng về, công ty sẽ lao vào làm việc với 200% sức lực để bù cho 6 tháng đầu năm khó khăn, và rồi phải cùng suy nghĩ lại để đổi mới cho 6 tháng cuối, vừa chống chọi với khó khăn vừa phòng bệnh dịch" – một người bạn của tôi có công ty kinh doanh với chừng 30 lao động, chia sẻ.
Một người bạn khác đang chuẩn bị làm sự kiện xã hội kêu gọi kích cầu du lịch ở Đà Nẵng, mọi chuyện đã xong hết để sự kiện diễn ra vào một ngày đầu tháng Tám, chỉ còn có một tuần nữa thì xuất hiện bệnh nhân 416 ở Đà Nẵng.
Nhìn những câu chuyện lẻ tẻ như vậy chỉ là một ví dụ hậu quả của đại dịch trong 6 tháng đầu năm. Quan sát kỹ hơn, ngay xung quanh mình, sẽ thấy dịch tác động tệ hại hơn nhiều. Cho đến khi chưa có bệnh nhân số 416, đi ngoài phố vẫn thấy rất nhiều cửa hàng đóng cửa, sang nhượng, nhất là những phố bán hàng cho khách du lịch nước ngoài. Các trường tư mệt mỏi. Đọc báo, những công ty sản xuất lớn cần nhiều nhân công đã sa thải đến con số nghìn người.
Con số chính thức của Tổng cục Thống kê cho biết, tại Việt Nam, lực lượng lao động 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý 2/2020 là 51,8 triệu người, giảm 2,4 triệu so với quý 1, giảm 2,6 triệu so với cùng kỳ năm trước, đây là mức giảm sâu kỷ lục trong 10 năm qua. 30,8 triệu người bị ảnh hưởng tiêu cực về việc làm, trong đó 1,2 triệu mất việc, còn lại là giãn việc, dừng việc, cắt giảm lương thưởng…
Không ai muốn sẽ có làn sóng dịch thứ hai. Nhưng tất cả những gì chúng ta phải làm là đối mặt với nó. Như cô bạn tôi nói, phải suy nghĩ để đổi mới, sống chung với dịch. "Bình thường mới" được nhắc đến, tưởng đã trở thành "bình thường cũ" với 99 ngày tương đối yên ổn, hóa ra lại đúng là bình thường mới, chỉ là nhiều người trong số chúng ta hoặc quá hy vọng hoặc quá chủ quan.
Rất may bộ máy chống dịch đang trong trạng thái sẵn sàng được kích hoạt trở lại rất nhanh. Chiến lược "cách ly khoanh vùng dập dịch" được tiếp tục. Chỉ mong rằng chúng ta đã có những bài học của giai đoạn trước để bình tĩnh, kiên cường, chống chặn dịch tốt nhất trong những ngày tháng sắp tới.