Dơi: động vật kỳ lạ

GD&TĐ - Phải chăng dơi là loài động vật duy nhất có vú biết bay? Dơi hút máu người thực sự hay do nghệ sĩ tưởng tượng mà hư cấu?

Dơi: động vật kỳ lạ

Phân loại sinh học do Carl Linnaeus / Carl von Linné (1707-1778) đặt nền móng, bao gồm hệ thống đơn vị được sắp xếp từ lớn đến nhỏ: Giới, ngành, lớp, bộ, họ, chi, loài. Theo đó, muốn chính xác cần diễn đạt: Dơi là bộ động vật duy nhất có vú biết bay.

Bộ dơi mang tên khoa học Chiroptera - từ này, trong tiếng Hy Lạp, hình thành bằng cách ghép 2 từ cheir nghĩa là bàn tay, và pteron nghĩa là cánh. Đó cũng do cánh dơi được tạo bởi màng da nối liền xương cánh tay cùng các ngón tay của nó.

Bộ dơi được chia làm 2 phân bộ là dơi lớn Megachiroptera và dơi nhỏ Microchiroptera, bao gồm cả nghìn loài khác nhau. Loài dơi nhỏ nhất là dơi mũi nhọn Kitti chỉ cân nặng 2 gam, sải cánh đo được 29 - 33 mm. Loài dơi lớn nhất là dơi quả đầu vàng lớn, với khối lượng 1,2kg, sải cánh dài 1,5 m.

Đối với môi trường sinh thái, dơi cần thiết bởi chúng đóng vai trò thụ phấn hoa, phát tán hạt. Trên quả đất xưa nay, sự phân tán nhiều loài thực vật lệ thuộc hoàn toàn vào dơi.

Thức ăn chính của bộ dơi là gì? Khoảng 70% số loài ăn côn trùng và ăn cá, số còn lại chủ yếu ăn hoa quả, đặc biệt có 3 chi đơn loài ăn thịt. Đó là dơi quỷ thông thường Desmodus rotundus, dơi quỷ cánh trắng Diaemus youngi, dơi quỷ chân lông Diphylla ecaudata, tạo nên phân họ Dơi quỷ Desmodontinae thuộc họ Dơi mũi lá Phyllostomidae.

Được phân bố tự nhiên ở Trung Mỹ và Nam Mỹ, phân họ Dơi quỷ sống bằng cách hút máu động vật: Dơi quỷ cánh trắng và dơi quỷ chân lông hút máu các loài chim, dơi quỷ thông thường hút máu động vật có vú - kể cả con người. Vì dơi quỷ hút máu, đã có nhiều người và thú vật bị lây bệnh dại.

Một số loài dơi do triết gia và nhà sinh học Đức Ernst Haeckel vẽ tả thực năm 1904
 Một số loài dơi do triết gia và nhà sinh học Đức Ernst Haeckel vẽ tả thực năm 1904

Lúc nhận biết vật chủ ngủ say, dơi quỷ tiếp cận, dùng răng cửa trên cắn rách da đối tượng, tạo vết thương sâu 8mm và dài 7mm, đoạn liếm máu. Mỗi cá thể dơi quỷ nặng 40 gam, sau 20 phút có thể hút 20 gam máu.

Nước bọt của dơi quỷ rất cần thiết cho chúng “thưởng thức món ngon” nhờ chứa hợp chất chống đông máu và chống sự co thắt các mạch máu gần vết thương, đảm bảo máu vật chủ liên tục rỉ ra. Ngành y tế đã dùng nước bọt của dơi quỷ nhằm bào chế biệt dược tăng lưu thông máu hỗ trợ bệnh nhân đột quỵ.

Ở nhiều nền văn hóa khác nhau, qua các tác phẩm văn chương, hội họa, đồ họa, điêu khắc, điện ảnh, dơi quỷ đã được bao thế hệ nghệ sĩ hư cấu thành ma cà rồng. Các học giả Việt Nam xưa cũng đề cập ma cà rồng, như Lê Quý Đôn viết trong Kiến văn tiểu lục, Trương Quốc Dụng viết trong Thoái thực ký văn, Phạm Thận Duật viết trong Hưng Hóa kỷ lược.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ