Bởi thơ tự thọ của Bác đã thể hiện một cách sâu sắc về cốt cách, tâm hồn, tấm lòng của Người. Cùng với thơ chữ Hán, thơ trữ tình, thơ tuyên truyền cách mạng, thơ chúc Tết, thơ viết tặng chiến sĩ đồng bào… thơ tự thọ là bộ phận quan trọng làm nên giá trị phong phú, độc đáo, sâu sắc của di sản thơ ca Hồ Chí Minh.
1.
So với các mảng thơ khác, thơ tự thọ được Bác viết trước hết cho mình, về mình. Bởi đó, đây là mảng thơ thể hiện được một cách sinh động, chân thực nhiều phương diện trong nhân cách, tâm hồn, cảm xúc của Bác. Trước hết, qua thơ tự thọ của Bác, ta thấy được nhân cách lớn lao của “một người Việt Nam đẹp nhất”.
Thông thường, trong thơ tự thọ, tác giả thường hướng đến chính bản thân trong cái nhìn tổng kết, chiêm nghiệm về những bước đường cuộc đời thăng trầm đã qua. Tuy nhiên, trong thơ tự thọ của Bác, Người rất ít nói về mình. Trong bài thơ mừng thọ đầu tiên làm năm 1949 tại núi rừng Việt Bắc, Bác viết:
Vì nước chưa nên nghĩ tới nhà
Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già
Chờ cho kháng chiến thành công đã
Bạn sẽ ăn mừng sinh nhật ta
Bài thơ này Bác đặt tựa “Không đề”, viết để từ chối khéo việc một đồng chí trong Chính phủ đề nghị tổ chức mừng sinh nhật Bác khi Người tròn 59 tuổi tại Chiến khu Việt Bắc. Trong bài thơ này, ta thấy Bác phân biệt rất rạch ròi giữa nghĩa chung – tình riêng, việc nước – việc nhà và dứt khoát đặt việc nước lên trên việc cá nhân. Ở cương vị lãnh tụ, Bác xem sinh nhật của mình là một việc rất nhỏ so với sự nghiệp kháng chiến cứu quốc lớn lao của dân tộc. Vì thế, Bác “khất hẹn”, ra “điều kiện” để “ăn mừng sinh nhật ta” vô cùng hợp tình, hợp lý mà cũng thật cảm động: “Chờ cho kháng chiến thành công đã/ Bạn sẽ ăn mừng sinh nhật ta”.
Sinh nhật thường gắn với niềm vui thêm tuổi mới. Thế nhưng, trong thơ tự thọ của Bác, Người không nói đến niềm vui cá nhân, dù đó là niềm vui chính đáng. Ở bài Không đề, viết năm 1964 khi Bác tròn 74 xuân, Người bộc bạch chân thành:
Bảy mươi tư tuổi vẫn không già
Cố gắng làm tròn nhiệm vụ ta
Bao giờ Nam Bắc một nhà
Dân giàu nước mạnh thì ta vui lòng
Như vậy, niềm vui sinh nhật của Bác không phải là được thêm tuổi mới, được nhận nhiều quà hay lời chúc mừng mà chính là được nhìn thấy nước nhà thống nhất, hai miền Nam Bắc sum họp một nhà, Việt Nam dân giàu nước mạnh. Với Bác, niềm vui sinh nhật duy nhất là “Nam Bắc một nhà”.
Cả cuộc đời hi sinh vì dân vì nước, Bác Hồ kính yêu chỉ có một “ham muốn tột bậc” là “làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Cả trong những vần thơ viết cho riêng mình trong ngày sinh nhật, Bác vẫn đau đáu “nỗi nước nhà” ấy. Tấm lòng của Người thật vĩ đại từ những điều giản dị, đơn sơ như vậy.
Năm 1968, sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của ta giành được những thắng lợi quan trọng, làm thay đổi cục diện chiến trường. Bác lúc này đã 78 xuân, sức khỏe suy giảm đi nhiều. Điều “ta vui lòng” mà Bác hằng trông ngóng trong bài thơ tự thọ năm 1964 đang dần được hiện thực hóa. Người làm bài thơ tự mừng thọ cuối cùng với những dòng thật xúc động:
Bảy mươi tám tuổi chưa già lắm
Vẫn vững hai vai việc nước nhà
Kháng chiến dân ta đang thắng lớn
Tiến lên ta cùng con em ta
Bài thơ là niềm lạc quan, tin tưởng và sự khẳng định chắc chắn về chiến thắng tất yếu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước hào hùng của dân tộc; là lời thúc giục non sông Người muốn nhắn gửi đến nhân dân cả nước và cho chính mình trước khí thế hào hùng của dân tộc. Bài thơ còn toát lên niềm vui mừng lớn về thắng lợi của cách mạng cũng như những hi vọng, tin yêu mà Bác gửi lại cho các thế hệ trẻ “con em ta” của nước nhà.
Nhà thơ Tố Hữu, ngọn cờ đầu của thi ca cách mạng Việt Nam, đã viết thật hay, thật đúng và cảm động về Bác:
Bác vui như ánh buổi bình minh
Vui mỗi mầm non trái chín cành
Vui tiếng ca chung hòa bốn bể
Nâng niu tất cả chỉ quên mình
(Bác ơi!)
Bác Hồ của chúng ta là vậy đó. Niềm vui của Người thật lớn lao mà cũng rất đỗi giản đơn. Người vĩ đại trước hết bởi tấm lòng luôn nghĩ cho nhân dân, cho đất nước cả trong những khi đề cập đến niềm vui, hạnh phúc nhỏ bé, chính đáng của bản thân. Thơ mừng thọ của Bác phần nào nói lên điều này.
Bác Hồ với các cháu thiếu nhi dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc (13/2/1969). Ảnh: hochiminh.vn |
2.
Nói về mối quan hệ giữa nhà thơ và tác phẩm của họ, thi hào Nguyễn Du từng viết: Kiến thi như kiến nhân (thấy thơ như thấy người, bài Đề Vi, Lư hậu tập). Thơ Bác có lẽ không đủ để nói hết tầm vóc của một con người vĩ đại của thế giới ở thế kỷ XX. Nhưng qua thơ của Bác, ta có thể hiểu hơn về cốt cách, tâm hồn của Người. Điều này càng đúng với thơ tự thọ của Bác.
Trước tiên, trong thơ mừng thọ của Bác, ta bắt gặp hình ảnh một con người với tâm thế luôn lạc quan, yêu đời cùng phong thái ung dung, cái nhìn thông minh, hóm hỉnh trước mọi biến thiên của cuộc sống bởi đã nhìn thấu triệt những quy luật cuộc đời. Điều này thể hiện phần nào ở thái độ của Bác trước tuổi tác. Nhân vị ngũ tuần thường thán lão (Người ta chưa 50 tuổi đã than già” - Thất cửu, 1953) nhưng với Bác thì: Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già (1949), Sáu mươi tuổi vẫn còn xuân chán và So với ông Bành vẫn thiếu niên (1950), Sáu ba mình nghĩ vẫn là đương trai (Ngã kim thất cửu chính khang cường, 1953), Bảy mươi tư tuổi vẫn không già (1964).
Thậm chí, trong bài thơ mừng thọ cuối cùng khi Bác tròn 78 xuân và biết mình tuổi cao sức yếu, Người vẫn đùa một cách dí dỏm: Bảy mươi tám tuổi chưa già lắm (1968). Rõ ràng, với Bác, tuổi tác không phải là gánh nặng. Bác không hề e ngại trước tuổi già.
Ngược lại, ở mỗi chặng đường của cuộc đời, trước mỗi ngưỡng cửa của tuổi mới, thậm chí đối diện với những năm tháng cuối trước khi “vào cuộc trường sinh nhẹ cánh bay” (Tố Hữu), Bác lại luôn nhìn nhận một cách tích cực. Bởi đó, trong thơ mừng thọ của Bác, hình ảnh ông già trầm ngâm ở tuổi xế chiều hoàn toàn vắng bóng. Thay vào đó là một tâm hồn tươi trẻ, yêu đời, sôi nổi nhưng vẫn luôn ung dung đĩnh đạc, dí dỏm nhưng thông minh, sâu sắc. Đây là một nét đẹp tiêu biểu của thơ Bác nói chung, thơ tự thọ của Người nói riêng.
Thông thường, được viết khi tác giả sắp hoặc đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm”, thơ tự thọ truyền thống thường ít đề cập đến tương lai mà chủ yếu thiên về cái nhìn tĩnh tại chiêm nghiệm quá khứ. Tuy nhiên, cũng như bút pháp chung của thơ Bác, thơ tự thọ của Người luôn vận động và hướng đến tương lai tươi sáng: Chờ cho kháng chiến thành công đã; Kháng chiến toàn dân đang thắng lớn/ Tiến lên ta cùng con em ta!; Bao giờ Nam Bắc một nhà. Có thể nói, thơ tự thọ của Bác đã thể hiện thành công một phần hình ảnh con người cương nghị, đầy lạc quan, tin tưởng vào cách mạng, vào cuộc sống ở Bác Hồ.
Thơ tự thọ còn cho thấy ở Bác một thái độ sống nghiêm túc với cuộc đời, với mọi người và với chính bản thân. Người xưa cho rằng: Lục thập nhi nhĩ thuận, nghĩa là qua tuổi 60, không còn chuyện chướng tai, mọi việc trên đời không cần phải vướng bận nữa. Tuy nhiên, với Bác, dù tuổi đã cao, nếu được Đảng và nhân dân tin tưởng giao phó việc gì thì đều phải “cố gắng làm tròn nhiệm vụ ta” (1964); dù đã qua cái tuổi thất thập cổ lai hi nhưng “vẫn vững hai vai việc nước nhà” (1968).
Với bản thân, Bác nhận thức rõ: “Ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe/ Trần gian như thế kém gì tiên” (1950). Người tự rút ra “bí kíp” cho riêng mình: Tự cung thanh đạm tinh thần sảng/ Tố sự thung dung nhật nguyệt trường (Sống quen thanh đạm nhẹ người/ Việc làm tháng rộng, ngày dài ung dung, Xuân Thủy dịch thơ, 1953). Tuổi già cùng với sự suy kiệt của cơ thể là một vấn đề lớn, ám ảnh trong văn học ở nhiều thời kỳ.
Trong văn học nước ta, không ít tác giả chưa đến tuổi già đã mang mặc cảm tuổi xế bóng. Thế nhưng, trong thơ tự thọ của Bác, tuổi già chưa bao giờ trở thành nỗi sợ mà ngược lại, là một trải nghiệm thú vị trong cuộc đời cách mạng của Người. Chính thái độ tích cực, lạc quan ở tuổi “cổ lai hi”, biết chọn lối sống đạm bạc, thanh thản, đề cao rèn luyện sức khỏe, giữ tinh thần minh mẫn cùng tâm thế ung dung, tự tại của Bác đã khiến cho thơ mừng thọ của Người không chỉ độc đáo, thú vị mà còn mang nhiều giá trị giáo dục sâu sắc.
Bác Hồ trao huy hiệu cho cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 600, Công an nhân dân vũ trang tại Đại hội mừng công ngày 21/12/1965. |
3.
Bác Hồ là tác gia lớn có những đóng góp quan trọng cho nền văn học dân tộc ở nhiều lĩnh vực, trên nhiều phương diện. Thơ tự thọ là một đóng góp quan trọng của Người. Như ta biết, trong dòng chảy chung của văn hóa, văn học phương Đông, từ rất sớm ở nước ta đã có nhiều tác giả viết thơ tự thọ, hình thành nên dòng thơ tự thọ đặc sắc trong lịch sử văn học Việt Nam. Không ít nhà nhơ đã góp vào dòng thơ tự thọ nước ta những tác phẩm hay, chẳng hạn Nguyễn Công Trứ với bài Thất thập tự thọ làm khi tròn 70 tuổi, Nguyễn Khuyến với Mậu thân tự thọ làm khi nhà thơ 74 tuổi, Ưng Bình Thúc Dạ Thị với Bính tí niên lục thập tự thọ làm khi ông tròn 60…
Bác Hồ với những bài thơ tự thọ giá trị đã góp phần vào sự phát triển của dòng thơ tự thọ, đưa thơ tự thọ vốn mang diện mạo trung đại đến gần hơn với văn học hiện đại. Hơn nữa, từ thực tiễn sáng tạo của mình, Bác đã mở rộng biên độ chức năng của thơ tự thọ, cho thấy khả năng phản ánh linh hoạt của dòng thơ này.
Với Bác, thơ tự thọ từ chỗ chủ yếu hướng đến cá nhân tác giả đã mở rộng sang đối tượng cộng đồng rộng lớn, từ chỗ chủ yếu mang cảm hứng đời từ đã mở rộng sang cảm hứng sử thi, cảm hứng thế sự, từ chỗ chủ yếu để chiêm nghiệm, tự trào đã trở thành vũ khí đấu tranh, cổ vũ cách mạng. Bác không phải là tác giả khai dòng của thơ tự thọ nhưng Người là một trong những tác giả lớn nhất, có nhiều đóng góp nhất cho sự phát triển của dòng thơ tự thọ trong văn học Việt Nam.
Thơ mừng thọ của Bác đều ngắn, ngôn từ trong sáng, giản dị (trừ một bài thơ chữ Hán), được viết trong tình thế “tức cảnh thành thi” nhưng đầy bất ngờ, mang nhiều giá trị, là những tác phẩm xuất sắc trong dòng thơ tự thọ của văn học Việt Nam. Đó là những vần thơ thể hiện một cách sinh động, sâu sắc nhiều phương diện trong nhân cách vĩ đại, tâm hồn cao đẹp của một con người “Mong manh áo vải hồn muôn trượng/ Hơn tượng đồng phơi những lối mòn” (Tố Hữu). Mừng sinh nhật Bác, đọc lại thơ mừng thọ của Người, ta càng thêm kính yêu, tự hào về Bác và học được từ Bác nhiều điều…