(GD&TĐ) - Là một trong những lễ hội “độc nhất vô nhị” sau mấy chục năm lãng quên, năm 2002 hội vật cầu nước Vân Hà được khôi phục. Từ đó đến nay hàng năm lễ hội Vật cầu nước Vân Hà được tổ chức thu hút hàng nghìn du khách góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, trở thành điểm đến của nhiều du khách.
Cũng như một số lễ hội dân gian truyền thống khác, lễ hội Vật cầu nước làng Vân Hà (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) mang đậm những nét tâm linh của cư dân trồng lúa nước định canh, mang nhiều yếu tố về phồn thực, rèn luyện sức khỏe, thỏa mãn tâm linh. Trước đây, hội vật cầu nước được tổ chức từ ngày 22 đến 24/4 (âm lịch) hàng năm nhưng do vùng đất trũng, hay bị lụt lội nên những năm sau này, hội vật cầu nước được tổ chức từ ngày 12 đến 14/4 âm lịch tại Đền Chính Vân Hà.
Điểm độc đáo của lễ hội là trong 3 ngày diễn ra nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn, nhưng điểm chính vẫn là hoạt động trò chơi vật cầu nước. Đây là một môn thể thao khá hấp dẫn. Tham gia môn vật cầu nước gồm 20 trai làng chọn từ 4 giáp trong làng. Việc tuyển chọn quân cầu được đặt ra rất khắt khe, đều phải là trai chưa vợ, khỏe mạnh, không có tang bụi, không có bệnh tật, dị tật, không có can phạm, can án. Tất cả quân cầu đều được huấn luyện 3 buổi chiều trước khi hội mở. Quân cầu cởi trần đóng khố, ngoài khoác áo dài the xếp thành bốn hàng dọc đứng trước sân quay mặt vào đền lễ thánh. Lễ xong, tất cả lại reo hò vang rộn. Lễ thánh xong, quân cầu được lên sân đền Chính để uống rượu trận. Họ ngồi xếp bằng trong 4 hàng, hai bên quay mặt vào nhau, cỗ trận để ở giữa. Cỗ trận là các loại hoa quả như dưa hấu, vải thiều và rượu đựng trong 4 mâm, mỗi mâm 4 bát, 4 đĩa. Tất cả đều dùng que tre vót nhọn để ăn. Vừa ăn, họ vừa cười nói vui vẻ.
Sau khi ăn cỗ trận hội trai cầu được xếp thành 4 hàng ở trong sân cầu. Trống nổi lên, các trai cầu vào trận. Từ 20 quân cầu, vào trận mỗi bên chọn 8 người, còn lại là quân dự bị thay thế cho những trai cầu đuối sức. Lễ thánh, trai cầu làm các động tác hai tay đan vào nhau đặt trước bụng, giơ ngang tầm mắt, hai tay đan vào nhau đặt trước trán, cúi sát đất, quỳ gối, phủ phục 5 lần. Chuyển thành vòng tròn, các trai cầu tay trái giữ bụng, tay phải giơ cao đi vòng quanh sân cầu 5 lần vừa đi vừa hô vang phô trương thanh thế. Từ vòng tròn, quân cầu lại chia thành hai hàng và từ đây mỗi đội chọn 3 trai cầu làm lễ vật thờ trình thánh. Sau lễ vật thờ, giáp đương cai bê quả cầu làm bằng gỗ mít sơn son, nặng chừng 20kg từ đẳng để trước cửa đền Chính ra giữa sân cầu rộng 14 m, dài 18m được đổ bùn, nước vừa phải do 4 cô gái gánh nước từ sông Cầu đổ vào. Hai đầu sân có hai lỗ tròn đường kính 60cm, sâu chừng 1 mét để hai bên giao đấu bằng việc đưa quả cầu lọt vào lỗ cầu của đối phương được coi là thắng cuộc.
Sau tiếng chiêng trống nổi lên ba hồi 9 tiếng, hội vật cầu nước chính thức diễn ra. Trống nổi lên, tất cả quân cầu vào trận. Lúc này, quân cầu đang ở tư thế ngồi vòng tròn trong sân cầu, nhận tiếng trống lệnh liền đứng dậy nâng cầu lên trên đầu, vừa reo hò và tranh nhau quả cầu để đặt vào lỗ của bên đối phương. Ba người làm nhiệm vụ luyện cầu cũng đồng thời là những người cầm trịch. Nếu cầu ở giữa sân thì người đánh trống nhẹ nhàng, khoan thai, nhưng khi cầu được đưa đến gần lỗ của đối phương thì trống giục liên hồi để thúc quân. Cầu gần ra ngoài vạch thì đánh trống cắc, lúc ấy, hai bên không tranh nhau cầu nữa. Luật quy định: dưới đánh lên, trên đánh xuống, đánh trong vòng 2 giờ thì giải lao. Khi nghe tiếng cắc, cắc, cắc…, quân cầu lại bê cầu đặt vào vị trí giữa sân để chờ hiệu lệnh của người cầm trịch điều khiển. Cứ như vậy, hoạt động cầu nước Vân Hà diễn ra trong 3 ngày cùng tiếng hò reo vang động cả một góc làng. Không chỉ trai cầu bám đầy bùn đất mà mọi người từ già đến trẻ vây quanh sới cầu ai cũng lấm lem bùn đất vì nước bùn bắn lên do trai cầu tranh cầu bắn tung tóe, nhưng ai nấy đều rất vui vẻ.
Kết thúc cuộc chơi, xóm đăng cai rửa sạch cầu rồi làm lễ tạ thánh, lễ vật dùng để tế tạ gồm: trầu, rượu, hoa quả theo lệ làng đặt ra “sáng tế chiêu, chiều tế tịch”. Quân cầu lại xếp thành 4 hàng dọc trước sân cầu để tạ thánh, rồi tất cả ùa ra sông Cầu tắm rửa, kết thúc một ngày trong hội vật cầu nước.
Tục truyền rằng, môn vật cầu nước xuất phát từ tích: Vào thời kỳ giặc Lương xang xâm lược nước ta, Triệu Quang Phục đã cho mời năm anh em nhà họ Trương (Trương Hống, Trương Hát, trương Lừng, Trương Lẫy và Đạm Nương) ra giúp sức, trên đường đi năm anh em ngài gặp một bầy quỷ dạ xoa chặn đường và bắt anh em ngài phải vật cầu với chúng, nếu thắng mới cho đi và cuối cùng anh em nhà ngài đã thắng lũ quỷ….cả năm anh em đã tập hợp lực lượng theo Triệu Quang Phục đánh giặc và lập nhiều chiến công hiển hách, đuổi giặc Lương ra khỏi bờ cõi. Sau khi cướp ngôi của Triệu Quang Phục, Lý Phật Tử đã cho mời anh em họ Trương ra làm quan, anh em ngài đã cự tuyệt và tuẫn tiết xuống sông để tỏ lòng tận trung không thờ hai chúa…Cảm phục trước công lao và khí tiết của anh em ngài các triều đại phong kiến sau này ban sắc cho các làng dọc sông Cầu tôn thờ làm thành hoàng với mỹ hiệu: Đức Thánh Tam Giang. Hàng năm để tưởng nhớ công lao và ôn lại tích xưa, nhân dân làng Vân Hà tổ chức hội đền và không thể thiếu trò vật cầu nước với ý nghĩa là hội mừng chiến thắng. Bên cạnh đó, vật cầu còn là dịp để người dân cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Đây là một trong những lễ hội với trò chơi dân gian mà không ở đâu có đúng như câu ca dao đã lưu truyền: Khánh hạ làng Vân hội vật cầu/ Khắp vùng Kinh Bắc chẳng có đâu/ Quan quân gắng sức giành cho được/ Sân chơi bùn nước họa một màu.
Minh Tư