(GD&TĐ) - Sáng nay (26/9) tại di tích quốc gia Tháp Pô Sha Inư Phan Thiết tưng bừng diễn ra lễ hội Ka-tê năm 2011 của cộng đồng người Chăm Bình Thuận. Đến dự lễ hội cùng bà con người Chăm có ông Mã Điền Cư – phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội cùng các vị lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, thành phố Phan Thiết và huyện Hàm Thuận Bắc.
Di tích quốc gia Tháp Pô Sha Inư Phan Thiết - nơi diễn ra lễ hội |
Trong niềm hân hoan, hàng trăm đồng bào dân tộc Chăm từ khắp nơi trong tỉnh Bình Thuận nô nức về dưới chân Tháp Pô Sha Inư đón chào một mùa lễ hội đầy ý nghĩa. Những bộ trang phục Chăm rực rỡ màu sắc tô điểm thêm nét đẹp dung dị nơi vùng đất tháp. Tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Thành Tâm – phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận – đã chúc mừng lễ Ka-tê bà con dân tộc Chăm; đồng thời cho biết Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến chính sách dân tộc, tạo mọi điều kiện để bà con tổ chức lễ hội văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Lễ hội Ka-tê được long trọng tổ chức định kỳ hằng năm đã nói lên điều đó.
Người dân nô nức về dự hội |
Sau lễ khai mạc, nghi thức rước trang phụ nữ thần Pô Sha I-nư lên tháp được tiến hành trong không khí trang nghiêm, đầy sắc màu dân gian. Dẫn đầu kiệu rước là các nam thanh nữ tú, tay cầm quạt, cầm trống, trong tiếng kèn Sa-ra-nai và trống Ghi-năng, múa các điệu Chăm cổ làm nức lòng người. Các chức sắc tôn giáo và đồng bào Chăm thôn Lâm Thuận - xã Hàm Phú, thôn Lâm Giang - xã Hàm Trí, thôn 3 - thị trấn Ma Lâm (huyện Hàm Thuận Bắc) hàng ngũ chỉnh tề, rước trang phụ nữ thần về tháp. Tiếp đến, các chức sắc đạo Bà-la-môn tiến hành nghi thức mở cửa tháp, tắm bệ thờ Linga – Yoni, lễ mặc trang phục. Sau cùng là Đại lễ tế thần trước tháp Chính. Nghi thức hành lễ được lưu truyền từ hằng trăm năm qua trong cộng đồng người Chăm Bình Thuận, mang ý nghĩa cầu cho đất nước thanh bình, mưa gió thuận hòa, mùa màng bội thu.
Lễ hội Ka-tê năm nay còn có nhiều hoạt động hấp dẫn người dân địa phương và du khách. Đáng kể đến là chương trình biểu diễn nhạc cụ dân tộc Chăm (trống Gi-năng, Ba-ra-nưng, kèn Sa-ra-nai, Lục lạc) tại khuôn viên tháp. Ở đây, mọi người có thể giao lưu trực tiếp với các nghệ nhân và tham gia làm quen sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống. Ngoài ra còn có hội thi ẩm thực nấu các món ăn truyền thống Chăm-pa, hội thi dệt thể cầm và trò chơi dân gia đầy vui nhộn.
Múa Chăm |
Ka-tê là lễ hội lớn nhất của đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn. Những năm gần đây Ka-tê còn được xác định là một trong những lễ hội văn hóa quan trọng của tỉnh Bình Thuận nhằm bảo tồn di sản văn hóa truyền thống, phục vụ phát triển du lịch địa phương.
Nguyễn Vui