(GD&TĐ)-Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 5 tháng đầu năm, có 32.300 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký ước trên 194.900 tỷ đồng. Như vậy, mặc dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới vẫn tăng nhẹ nhưng vốn đầu tư đăng ký giảm.
Doanh nghiệp thành lập mới buộc phải tính toán kỹ hơn về lĩnh vực kinh doanh, quy mô hoạt động và nguồn vốn đầu tư trong thời buổi kinh tế lạm phát |
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, riêng trong tháng 5 có trên 5.500 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, với tổng số vốn đăng ký đạt trên 40.200 tỷ đồng. Tính chung từ đầu năm đến nay, có 32.300 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký ước trên 194.900 tỷ đồng, bằng 101% về số doanh nghiệp và 95% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái.
Nếu ước tính cả 6 tháng đầu năm, sẽ có khoảng 39.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, với số vốn khoảng 232.000 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, số doanh nghiệp đăng ký mới sẽ tăng 4% nhưng vốn đăng ký giảm 5,4%.
Điều này hoàn toàn khác biệt so với 6 tháng đầu năm 2010. Lúc đó, cả nước có khoảng 42.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với tổng số vốn đăng ký 250.600 tỷ đồng, tăng 0,25% về số doanh nghiệp nhưng số vốn đăng ký tăng tới 27,8%.
Lý giải về sự khác biệt này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, năm 2011 này, tình hình kinh tế khó khăn hơn nhưng nhu cầu thành lập doanh nghiệp vẫn cần thiết song các chủ doanh nghiệp buộc phải tính toán kỹ hơn về lĩnh vực kinh doanh, quy mô hoạt động và nguồn vốn đầu tư sao cho hợp lý, hiệu quả.
Theo dự đoán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước tính tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm nay chỉ tăng 5,6%. Nguyên nhân do các chính sách kinh tế của Chính phủ phải ưu tiên cho kiểm soát lạm phát, ổn định nền kinh tế. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn khi chi phí đầu vào tăng cao, việc vay vốn sản xuất chẳng dễ dàng gì, nhất là đối với các doanh nghiệp mới thành lập.
Thanh Xuân