Doanh nghiệp sản xuất dọa tăng giá bán theo giá điện

Nhiều doanh nghiệp sản xuất đang tìm cách bù chi phí khi giá điện sắp tăng 8,36%.

Doanh nghiệp sản xuất dọa tăng giá bán theo giá điện

Theo phương án điều chỉnh của Bộ Công Thương, giá điện dự kiến tăng 8,36% từ cuối tháng 3. Cơ cấu biểu giá theo từng đối tượng khách hàng sẽ được nhà điều hành xây dựng trên cơ sở số "chốt" cuối cùng giá bán lẻ điện bình quân và căn cứ theo Quyết định 28/2014 của Thủ tướng.

Theo quyết định này biểu giá bán lẻ điện cho khách hàng dùng điện sinh hoạt vẫn chia theo 6 bậc thang. Mức thấp nhất 92% giá bán lẻ bình quân và cao nhất tới 159%. Giá bán lẻ điện cho kinh doanh được áp ở mức khá cao, giờ cao điểm tối đa 248% và thấp điểm 75% giá bình quân, tuỳ theo cấp điện áp. Khách hàng sản xuất giờ thấp điểm được tính 52% và cao nhất 167% so với giá điện bình quân vào thời gian giờ cao điểm. 

Có khung giá bán ưu đãi hơn các đối tượng kinh doanh, sinh hoạt song việc tăng giá điện hơn 8% vào cuối tháng này sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp sản xuất. Nhiều đơn vị ngay khi biết về kế hoạch này cho hay sẽ phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất vào giờ thấp điểm nhằm bớt chi phí và "tiết kiệm điện ở mọi công đoạn nào có thể". 

"Các doanh nghiệp sản xuất như chúng tôi chắc chắn sẽ chịu thiệt hại, phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất", ông Nguyễn Sỹ Hoè - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Phú Tài nói với VnExpress khi đề cập tới kế hoạch tăng giá điện của Bộ Công Thương vào cuối tháng này.

Công nhân Điện lực Hà Nội sữa chữa trên đường dây. Ảnh: Ngọc Thành

Công nhân Điện lực Hà Nội sữa chữa trên đường dây. Ảnh: Ngọc Thành

Ông Hoè cho biết, doanh nghiệp đã đầu tư thiết bị hiện đại khi xây dựng nhà máy mới, đưa ra chỉ tiêu tiết kiệm năng lượng trong sản xuất. Công đoạn nào tiết kiệm điện được, công ty đều đã thực hiện. Vị này cho rằng, cơ quan quản lý cần tính toán và công bố rõ ràng lộ trình tăng để các doanh nghiệp sản xuất như Phú Tài có kế hoạch điều chỉnh kịp thời. 

Lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất chế biến đồ gỗ tại Bình Thuận cũng nhìn nhận, giá điện tăng sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp vì lĩnh vực chế biến gỗ sử dụng lượng điện lớn. Có 2 nhà máy tại Bình Thuận, mỗi tháng doanh nghiệp phải trả trên 1 tỷ đồng tiền điện. Nếu giá điện tăng, đơn vị này ước tính mỗi tháng phải trả thêm khoảng 200 triệu.

"Dù kế hoạch tăng ca sản xuất vào giờ thấp điểm để giảm chi phí đã được ban kế hoạch tính tới, giá bán sản phẩm chắc chắn sẽ tăng ít nhất 5%", vị này chia sẻ và nói thêm doanh nghiệp sẽ phải bù lỗ cho các đơn hàng đã chốt giá với khách do hợp đồng đã ký. Với các hợp đồng nửa cuối năm, doanh nghiệp đang lên kế hoạch đàm phán lại về giá.

Điều chỉnh giá bán cho phù hợp, theo ông Hoè, là điều chắc chắn doanh nghiệp phải tính toán khi chi phí đầu vào, trong đó có giá điện tăng. Nhưng tăng bao nhiêu, ông nói, còn phụ thuộc vào nhu cầu thị trường.

Trong 10 năm qua, giá điện đã điều chỉnh 9 lần, mức cao nhất 15,28% và thấp nhất 5%. Theo Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương, hiện có nhiều yếu tố tác động vào giá điện, dẫn đến việc phải điều chỉnh.

Ông Vượng nêu, cơ cấu nguồn mấy năm gần đây tăng trưởng phụ tải khoảng 10% một năm trong khi tốc độ triển khai các dự án phát điện chậm trễ. Ba năm qua chưa khởi công được nhà máy điện nào, nên để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, sản xuất ngành điện phải huy động các nguồn giá cao như khí, than, diesel. Các loại nhiên liệu bán cho điện này cũng đã tăng từ đầu năm 2019, làm tăng chi phí sản xuất của ngành điện. Nếu tính đầy đủ các chi phí đầu vào thì lần điều chỉnh này phải ở mức gần 10%, nhưng cân đối yếu tố vĩ mô cơ quan này chọn mức tăng 8,36%.

Trong khi đó ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) khẳng định, phương án giá điện "đã được xây dựng theo nhiều kịch bản khác nhau, các phương án được cân nhắc với mục tiêu là đưa vào dần các chi phí còn treo, đảm bảo phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, có xem xét đến tình hình kinh tế vĩ mô".

Trước lo lắng việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng tới lạm phát, tăng trưởng và các hộ tiêu thụ điện lớn như sản xuất thép, xi măng, tôn..., Bộ Công Thương cho biết các phương án điều chỉnh đã được cơ quan này tính toán để đảm bảo tác động là ít nhất. Ước tính, việc tăng giá điện thêm 8,36% vào cuối tháng 3 sẽ làm tăng CPI 0,26 - 0,31%, làm giảm GDP 0,22 - 0,25% và khiến chỉ số sản xuất (PPI) tăng 0,15-0,19%.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ