Doanh nghiệp nông nghiệp loay hoay tiếp cận vốn vay

GD&TĐ - Cho vay lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn đang được Chính phủ xác định ưu tiên đầu tư vốn và đẩy mạnh thực hiện trong thời gian gần đây bằng việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách.

Doanh nghiệp nông nghiệp loay hoay tiếp cận vốn vay

Đặc biệt, với việc hình thành những chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, việc vay vốn sẽ càng nhận được nhiều thuận lợi hơn. Nhưng làm thế nào để các doanh nghiệp (DN) tiếp cận vốn dễ dàng hơn thì cần có nhiều sự thay đổi từ chính sách...

Gặp khó khi vay vốn

Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính hết tháng 5/2017, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn đạt 1.148.070 tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2016 (cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế 7,06%), chiếm tỷ trọng khoảng 19% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế.

Bình quân trong 7 năm (2010 - 2016) tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn là 19,35%/năm. Đặc biệt, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, các NHTM đã đưa ra nhiều gói tín dụng hấp dẫn, với lãi suất thấp cho các DN lĩnh vực nông nghiệp, nhất là DN hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, DN sản xuất theo chuỗi giá trị.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, nếu vay vốn theo chuỗi giá trị, dòng tiền được khép kín, khiến ngân hàng có thể cho DN vay theo hình thức tín chấp.

Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã nêu rõ, các DN, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã ký hợp đồng cung cấp, tiêu thụ đối với tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 70% giá trị của dự án, phương án vay theo mô hình liên kết; các DN, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đầu mối được xem xét cho vay tín chấp tối đa bằng 80% giá trị của dự án.

Đây được coi là cơ chế rất mở, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN thực hiện theo chuỗi giá trị sản xuất. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều DN vẫn “than thở” dù đã sản xuất theo chuỗi nhưng vẫn không được vay tín chấp. Theo đại diện một DN sản xuất, xuất nhập khẩu mật ong tại Phú Thọ cho hay, DN có mô hình hoạt động với 120 hộ nông dân nuôi ong, thu hoạch 6.000 tấn mật ong/năm.

Để phát triển theo mô hình này, DN phải đầu tư 50% giá trị sản xuất cho người dân từ công cụ, con giống, thu gom… nên rất cần vốn. Trong khi 95% sản phẩm mật ong của DN đã XK sang Mỹ, EU, nhưng phần lớn nguồn vốn vẫn là tự lực, DN chưa thể tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng, đặc biệt là chương trình cho vay tín chấp gặp rất nhiều khó khăn.

Vẫn phải chờ… cơ chế

Nói về việc cho vay đối với các DN sản xuất theo chuỗi, đại diện một số ngân hàng cho rằng, họ vẫn luôn đẩy mạnh cơ chế tín dụng cho các DN lĩnh vực nông nghiệp, DN sản xuất theo chuỗi. Nhưng đối với DN sản xuất theo chuỗi, ngân hàng sẽ lựa chọn DN trung tâm để tiếp cận, xây dựng định hướng vay vốn, sản xuất cho sản phẩm cụ thể.

Nhưng yêu cầu các ngân hàng đặt ra là DN phải đảm bảo chuỗi sản xuất chặt chẽ, đảm bảo thị trường đầu vào, đầu ra cho sản phẩm; hơn nữa, DN phải tuân thủ quy định của ngân hàng, giữ chữ tín, minh bạch rõ ràng trong quản trị.

Tuy nhiên, việc thực hiện theo chuỗi giá trị sản xuất của các DN nông nghiệp đến nay vẫn rất lỏng lẻo, thiếu và yếu về mọi mặt. Mặc dù chính sách của Chính phủ đã có nhiều nhưng các DN nhận xét, các chính sách đi vào thực thi còn rất khiêm tốn, chưa hiệu quả, các DN có quy mô lớn mới được vay theo chuỗi giá trị.

Nói về vấn đề này các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân để việc vay vốn theo chuỗi giá trị hạn chế do việc phân chia lợi ích, chia sẻ rủi ro không bình đẳng giữa DN, các thành viên cùng các định chế tài chính tham gia trong chuỗi; chưa có hành lang pháp lý đối với cơ chế dự phòng xử lý khi rủi ro xảy ra, đặc biệt là chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp; sự liên kết của các định chế tài chính, nhà đầu tư tư nhân với các NHTM trong việc cung ứng những dịch vụ tài chính cho các thành viên trong chuỗi giá trị còn rất lỏng lẻo…

Chính vì thế, để tăng cường việc vay vốn theo chuỗi giá trị, bên cạnh đề xuất ngành nông nghiệp phải đẩy mạnh hoạt động tái cơ cấu, khuyến khích DN tham gia nhiều hơn vào sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng cường liên kết giữa người dân - DN và ngân hàng.

Theo các chuyên gia, nhằm tạo điều kiện để các DN được tiếp cận dễ dàng hơn với nguốn vốn thì cần phải tạo một cơ chế, chính sách thông thoáng, bình đẳng, công khai về lợi ích; tạo “luật chơi” để các bên chịu trách nhiệm đến cùng với những cam kết của mình và cùng hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình xử lý rủi ro. Bên cạnh đó, những người làm chính sách cũng cần phải đổi mới tư duy, giúp DN đẩy mạnh phát triển, mở rộng thị trường, nếu không, DN có thể tự chết trên chính mảnh đất kinh doanh của mình…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hầm biogas nơi 3 người tại Đồng Nai gặp nạn.

Phòng tránh ngạt khí trong hầm biogas

GD&TĐ - Việc sử dụng hầm biogas tiềm ẩn không ít rủi ro nếu không tuân thủ đúng quy tắc an toàn khi vận hành. Thủ phạm gây ngộ độc khí gas là oxit carbon (CO).
Mẫu viên nang điều trị mất ngủ có thành phần từ dược liệu: Xấu hổ, vông nem, hậu phác nam và cam thảo nam.

Viên nang dược liệu chữa mất ngủ

GD&TĐ - Các nhà khoa học Đại học Y Dược TPHCM đã nghiên cứu bào chế viên nang hỗ trợ điều trị mất ngủ có thành phần từ dược liệu.
Minh họa/INT.

Phê bình nghệ thuật đang ở đâu?

GD&TĐ - Một thực tế khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt nghệ thuật là các nhà phê bình lặng lẽ “đi trốn”, phó mặc “sân chơi” truyền thông, mạng xã hội.