Doanh nghiệp nội yếu thế trên thị trường đồ uống

GD&TĐ - Đánh giá của các chuyên gia về thực phẩm đồ uống, triển vọng tăng trưởng ngành đồ uống Việt Nam đang rất khả quan, dự kiến sẽ cán mốc 8,2% năm 2016, tạo ra một tương lai sáng cho ngành công nghiệp này. 

Doanh nghiệp nội yếu thế trên thị trường đồ uống

Tuy nhiên, con số đáng buồn của Hiệp hội Thực phẩm đồ uống Việt Nam đưa ra mới đây cho thấy, hiện hơn 50% thị phần đồ uống Việt Nam đã rơi vào tay các doanh nghiệp (DN) nước ngoài.

Ngày càng thu hẹp thị phần

Với sự định giá 2 tỷ USD cho 40% cổ phần của Công ty rượu – bia – nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) ThaiBev – công ty của tỷ phú giàu thứ ba Thái Lan đang có tham vọng ngày càng giành thị phần lớn trên thị trường đồ uống tại Việt Nam. Được biết hiện, ThaiBev còn đang nhắm tới Vinamilk - một “đại gia” trên thị trường sữa Việt Nam hiện nay.

Hiện Công ty F&N Dairy Investments Pte Ltd của một đại gia Thái Lan hiện sở hữu khoảng 11,04% vốn điều lệ của Vinamilk, trở thành cổ đông lớn thứ hai của Vinamilk. Trước đó, lần lượt những thương hiệu sản xuất đồ uống có tên tuổi và bề dày trên thị trường nội địa như: Ngọc Hồi, Chương Dương, Non Nước đã lần lượt bị Công ty Coca Cola mua lại… Ngoài ra, các thương vụ nổi tiếng trên thị trường này còn có những tên tuổi khác như Uni President mua lại Tribeco, hay Kirin Holding mua lại Công ty Thực phẩm quốc tế Interfood...

Thực tế này đang khiến cho sự chênh lệch trong khả năng cạnh tranh khốc liệt giữa các DN nội và DN ngoại ngày càng mạnh mẽ mà phần áp đảo đang thuộc về các công ty có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo các chuyên gia trong ngành, hiện các DN kinh doanh nước giải khát nội đang phải hoạt động trong môi trường quá khắc nghiệt từ cơ chế chính sách quản lý của Nhà nước đến việc phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu nguyên liệu sản xuất. Sự biến động trên thị trường tài chính, thiên tai… Mặt khác, với nguồn vốn hạn hẹp, các DN nội không có khả năng phát triển thương hiệu và đưa sản phẩm của mình tiếp cận với thị trường. Thậm chí, ở nhiều DN, lợi nhuận của công ty không đủ khả năng tiếp thị sản phẩm miễn phí trên thị trường – trong khi đó, với khối ngoại đây được xem là một giải pháp chủ lực khi chuẩn bị tung sản phẩm mới ra thị trường.

Cần tạo thương hiệu riêng

Các chuyên gia thực phẩm đồ uống cho rằng, để nắm giữ thị phần ngay tại thị trường nội địa, các DN cần phải chú trọng hơn đến khâu tạo thương hiệu cho sản phẩm của mình. Việc tạo thương hiệu không nhất thiết phải đầu tư vốn lớn quá sức mình để chạy theo các hoạt động truyền thông, tiếp thị mà có thể bắt đầu ngay bằng việc quan tâm đến cải tiến mẫu mã sản xuất. DN nhỏ không thể cạnh tranh với những “ông khổng lồ” nhưng không phải là không thể tồn tại. Nếu biết phát huy lợi thế, chắt lọc tính độc đáo trong sản phẩm của mình và đặc biệt là thực hiện tốt các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, thì vẫn có những chỗ đứng nhất định trên thị trường.

Theo các chuyên gia nhận định, hiện mức tăng trưởng trong ngắn hạn của mặt hàng bia, rượu đang tăng mức trên 2 con số rồi sẽ chậm lại từ sau năm 2016 và chuyển sang sản phẩm đồ uống cao cấp hơn. Điều này, xuất phát từ dự báo mức thu nhập người dân cao hơn trong thời gian tới và họ có nhu cầu quan tâm đến những sản phẩm có lợi cho sức khoẻ hơn. Do đó, đối với sản phẩm đồ uống cao cấp trong ngắn hạn, hết năm 2016 chỉ tăng mức 7,5%, nhưng về lâu dài sẽ tăng lên khoảng 10,5%.

Nhận định trên của giới chuyên gia trong nước phần nào làm vững tâm thêm cho sự lạc quan trong thông điệp đưa ra mới đây của đại diện Coca – Cola. Theo vị này, đầu tư vào thị trường Việt Nam vẫn rất nhiều tiềm năng. Coca - Cola nhận thấy, rất nhiều cơ hội, nhiều năng lượng và khả năng phát triển tại đây. Hiện mức tiêu thụ nước giải khát không cồn của người Việt Nam mới bằng khoảng 20% mức trung bình của thế giới.

Có thể khẳng định, tiềm năng tăng trưởng của ngành đồ uống Việt Nam là có thật, nhưng “miếng bánh” càng hấp dẫn bao nhiêu thì cạnh tranh giành thị phần hứa hẹn sẽ càng khốc liệt bấy nhiêu. Bởi vậy, để nắm giữ thị phần ngay trên sân nhà, các DN nội cần chú trọng hơn đến khâu tạo thương hiệu cho sản phẩm của mình.

Thị trường đồ uống Việt Nam thời gian qua đã đón rất nhiều “đại gia” nước ngoài. Sự bùng nổ dân số của một quốc gia dân số trẻ, thu nhập tăng cao được cho là đòn bẩy cho sự phát triển của thị trường đồ uống, nước giải khát Việt Nam. Thị trường càng hấp dẫn, ngày càng nhiều ông lớn nước ngoài nhòm ngó và nhảy vào đầu tư tạo một sức ép mạnh mẽ lên các DN nội. Do đó, nếu các DN nội không muốn thua ngay trên sân nhà thì cần phải tự làm mới, tạo uy tín và củng cố chất lượng cho thương hiệu mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.