Doanh nghiệp lãi nghìn tỉ, Tổng Giám đốc vẫn “bay” chức ?

GD&TĐ - Mặc dù "chèo lái" con tàu Tổng Công ty Máy động lực và máy Nông nghiệp Việt Nam (VEAM) mang lại lợi nhuận lên tới hàng nghìn tỉ đồng trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, nhưng chỉ vì một lỗi hành chính trong công tác điều hành mà ông Tổng Giám đốc Trần Ngọc Hà đã bị "bay" chức để xuống làm công việc... thu hồi nợ và bán hàng.

Lắp ráp ô tô tại nhà máy VEAM Bỉm Sơn, Thanh Hóa
Lắp ráp ô tô tại nhà máy VEAM Bỉm Sơn, Thanh Hóa

Doanh nghiệp lãi khủng... 

Đến cuối năm 2017, nhờ vào các khoản lợi nhuận chủ yếu từ các công ty liên doanh liên kết (chủ yếu từ Honda, Toyota, Ford)  đã mang lại cho VEAM lên tới 5.170 tỷ đồng, khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lên tới 4.992 tỷ đồng, mức lãi ròng tăng 12% so với 2016 xóa toàn bộ khoản lỗ lũy kế đầu kỳ đã bay mất

Kết thúc chặng đường nửa đầu năm 2018, VEAM ghi nhận 3.308 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng 51% so với cùng kỳ, tương đương việc hoàn thành 67% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm được giao.

Tính đến ngày 30/6/2018, tổng cộng tài sản của VEAM đạt 25.248 tỷ đồng, tăng 1.888 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Nợ phải trả còn 3.708 tỷ đồng, trong đó vay nợ thuê tài chính ngắn hạn là 396 tỷ đồng và vay nợ thuê tài chính dài hạn gần 147 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 21.540 tỷ đồng, phần lớn là vốn góp chủ sở hữu 13.288 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 7.979 tỷ đồng.

Cổ phiếu VEAM đang được giao dịch trên sàn UpCom với mã VEA, hiện dao động quanh mức 29.900 đồng/cổ phiếu.

Tổng giám đốc bay chức vì "lỗi" hành chính trong điều hành?

Kể từ ngày 8/8, ông Trần Ngọc Hà – Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc VEAM sẽ tạm dừng nhiệm vụ điều hành với chức danh Tổng giám đốc của VEAM. Thay vào đó, ông Ngô Văn Tuyển – Thành viên HĐQT đang là Phó Tổng giám đốc được giao đảm nhiệm công việc của Tổng giám đốc VEAM theo quy định của pháp luật, Điều lệ VEAM và là Người đại diện theo pháp luật của VEAM trong thời gian đảm nhận công việc của Tổng giám đốc.

Việc tạm dừng nhiệm vụ điều hành đối với chức danh Tổng giám đốc của ông Trần Ngọc Hà được cho là có liên quan đến thương vụ mua 3.000 bộ linh kiện ô tô trị giá 1600 tỷ đồng mà không thông qua Hội đồng quản trị.

Theo quyết định số 49/QĐ –TTg ngày 1/9/2011 và  Theo Công văn số 436/2017 ngày 28/3/2017 của Thủ tướng chính phủ về việc quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với ôtô, môtô lắp ráp và nhập khẩu mới, Chính phủ có quyết định chức thức về việc các doanh nghiệp phải chuyển sang sản xuất các dòng xe có tiêu chuẩn EURO4. Theo đó từ 1/1/2018 các nhà máy ô tô phải áp dụng quy định này riêng các dòng xe EURO2 đã được sản xuất trước thời hạn trên thì vẫn được bán ra thị trường và sử dụng bình thường. cũng từ ngày này, cơ quan chức năng sẽ không làm thủ tục đăng kiểm cho xe không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 4.

Tháng 9/2017, Tổng giám đốc VEAM - ông Trần Ngọc Hà  đã đồng ý để Nhà máy ô tô VEAM ký hợp đồng mua 3.000 bộ linh kiện về để sản xuất và tiêu thụ.

Vị Tổng Giám đốc giải trình việc ông tự quyết phê duyệt thương vụ mua bán trên là đúng theo Luật Doanh nghiệp năm 2014 được quy định tại điều 149 về Hội đồng quản trị và  điều 157 quy định về quyền và nghĩa vụ giám đốc, tổng giám đốc và điều này cũng được thể hiện trong điều lệ hoạt động của VEAM năm 2017.

“Luật Doanh nghiệp năm 2014

Điều 149 về Hội đồng quản trị quy định: Hội đồng quản trị có các quyền và nghĩa vụ: Thông quan hợp đồng mua bán, vay, cho vay và hợp đồng khác có giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty nếu Điều lệ công ty không quy định một tỷ lệ hoặc giá trị khác.

Điều 157 quy định giám đốc, tổng giám đốc có các quyền nghĩa vụ gồm: Quyết định các vấn đề liên quan đến công việc kinh doanh hàng ngày của công ty mà không cần phải có quyết định của Hội đồng quản trị“

CEO của VEAM khẳng định rằng lô hàng 3.000 bộ linh kiện có giá trị 1.600 tỷ đồng so với tổng giá trị tài sản của VEAM trên 17.000 tỷ đồng là nằm trong thẩm quyền của Tổng giám đốc".

Các hợp đồng mua bán 3.000 xe này có giá trị là 1.600 tỷ đồng, theo phương thức mua nợ, không phải dùng vốn và chỉ đặt cọc 5%, tương đương 80 tỷ đồng. Việc này không trái so với Điều lệ của VEAM đã được ĐHĐCĐ thông qua năm 2017.”  Ông Hà đã trả lời như trên khi bị các cổ đông chất vấn tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2018, về các lô hàng này.

 “Việc mua 3.000 xe này tạo điều kiện để Nhà máy ô tô VEAM có sản lượng, doanh thu, việc làm cho người lao động; đặc biệt; sau khi trừ tất cả các chi phí, ước tính lãi khoảng 112 tỷ đồng, bình quân lãi khoảng 37 triệu đồng/xe. Đến thời điểm này (29/6/2018) đã bán khoảng 1.000 xe, theo kế hoạch đến cuối năm 2018 sẽ bán hết 100% số xe còn lại.”  Ông Hà chia sẻ thêm về mục đích khi tham gia ký kết hợp đồng mua lô hàng này với Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại TCG.

Tuy nhiên CEO của VEAM cũng thừa nhận việc giao cho Giám đốc Nhà máy ô tô VEAM ký hợp đồng mua mà không có văn bản, ý kiến ủy quyền là có "thiếu sót" về thủ tục hành chính và cần được nghiêm túc rút kinh nghiệm

Để ông Hà có thời gian nghiêm túc rút kinh nghiệm, Hội đồng quản trị VEAM đã ra nghị quyết số 45/NQ-HĐQT ngày 7/8/2018 và quyết định số 52/QĐ-HĐQT ngày 08/8/2018 do ông Bùi Quang Chuyện – Chủ tịch HĐQT ký tạm dừng nhiệm vụ điều hành chức danh Tổng Giám đốc đối với ông Trần Ngọc Hà và chuyển sang công việc mới là thu hồi nợ và bán hàng…

Cùng với việc tạm dừng nhiệm vụ điều hành chức danh Tổng Giám đốc đối với ông Trần Ngọc Hà, VEAM cũng công bố và ra mắt nhân sự mới.

Theo đó giao ông Ngô Văn Tuyển, Phó Tổng giám đốc đảm nhiệm công việc thay ông Hà và bổ nhiệm mới tân Phó tổng Giám đốc Lê Đức Doanh.

Theo thông tin PV được biết, Trước khi được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc, ông Doanh được bổ nhiệm làm Trưởng ban của VEAM nhưng không rõ là ban nào?!

Báo GD&TĐ sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc vụ việc này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ