Doanh nghiệp GTVT bỏ rơi người khuyết tật?

Để thay đổi việc quản lý kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cho phù hợp với hiện tại, Bộ GTVT đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho một bản dự thảo Nghị định của Chính phủ về vấn đề này.

Doanh nghiệp GTVT bỏ rơi người khuyết tật?

Người khuyết tật phải lên xe theo ngày theo giờ

Theo Điều 14 khoản 2 (chương III dự thảo Nghị định- Điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô): “Từ ngày 1/1/2017, xe ô tô kinh doanh vận tải phải có chỗ ngồi riêng cho người khuyết tật sử dụng xe lăn”. Đây là một điều kiện mang tính nhân văn, xã hội sâu sắc. Nhưng nhiều ý kiến lại muốn né tránh điều kiện này.

Đại diện Sở GTVT Thái Nguyên đưa ra lý do : Việc sửa, cải tạo lại ghế ngồi thành vị trí dành cho người khuyết tật có sử dụng xe lăn sẽ làm ảnh hưởng đến kết cấu của xe. Hơn thế nữa chi phí cho việc cải tạo cũng gây tốn kém cũng như mất thời gian không ít của các chủ phương tiện.

Đại diện Hiệp hội Vận tải Ô tô VN – ông Nguyễn Văn Thanh nhận định: “Việc thực hiện điều kiện kinh doanh mới này không phải đơn giản. Không thể nào tất cả phương tiện đều có chỗ ngồi cho người khuyết tật đi xe lăn.

Bên cạnh đó cũng cần có lộ trình thực hiện nhất định và nên chăng, trong đăng ký vận tải phải nói rõ có chỗ cho người khuyết tật”.

Ông Thanh đưa ra biện pháp thay thế, đó là: “Có thể chỉ cải tạo vị trí cho người khuyết tật sử dụng xe lăn ở một số lượng xe nhất định. Đồng thời, công bố công khai để người khuyết tật biết và đi vào đúng ngày đó, giờ đó!”

Cũng có một số ý kiến cho rằng, về lâu dài nên quản lý từ cơ sở lắp đặt và nhập khẩu ô tô khách để đảm bảo trên ô tô có vị trí cho người khuyết tật sử dụng xe lăn, chứ không nên áp đặt tất cả các xe phải cải tạo lại vị trí cho người sử dụng xe lăn. Với những xe hiện đang hoạt động, cần có giải pháp linh động hơn, có thể vẫn để cho lái xe, phụ xe đưa khách lên và chọn chỗ cho khách như vẫn thường làm thay vì sắp xếp vị trí riêng.

Ông Nguyễn Hoàng Linh – PGĐ Sở GTVT Hà Nội cho rằng: “Chỗ cho người tàn tật ngồi trên xe rất đơn giản, nhưng thiết bị cho người tàn tật lên được xe lại liên quan đến các vấn đề: Một là, chỗ cho người tàn tật bám vào và lên được xe, hai là xe lăn sẽ để chỗ nào? Nếu thực hiện thì nên có lộ trình cụ thể đối với các DN như thế nào: tính đến năm 2015 sẽ có bao nhiêu vị trí, năm 2016, 2017 sẽ hoàn thành 100%?”

Phản bác lại các ý kiến nêu trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ - Chủ trì hội nghị bức xúc: “Việc thực hiện rất đơn giản, lộ trình thực hiện cũng không cần phải kéo dài. Bởi xe lăn của người khuyết tật có thể gấp gọn và cũng chỉ cần cải tạo lại một vài vị trí trên phương tiện vận tải. Khi có hành khách là người khuyết tật sử dụng xe lăn thì sẽ ngồi ở những vị trí đó, còn lúc không có, người bình thường hoàn toàn có thể ngồi vào, sẽ không ảnh hưởng gì đến lượng khách trên xe”.

Thứ trưởng nhấn mạnh: “Với trí tuệ và trình độ sử dụng kỹ thuật công nghệ của người VN thì việc cải tạo này hoàn toàn không khó”.

Những đề xuất... trái Luật

Góp ý vào điều 14, khoản 4 “Điều kiện kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định”, ông Nguyễn Quốc Tuấn – PGĐ Sở GTVT Thanh Hóa cho rằng: “Hiện nay điều kiện kinh doanh chung khó xác định, khó quản lý, cần nghiên cứu để quy định mang tính định lượng hơn. Quy mô của DN cũng cần phải tương ứng với phạm vi hoạt động.

Ví dụ, có thể đưa ra quy định: DN trên 30 xe thì được đi liên tục trên 1.000km, DN có 20-30 xe thì được kinh doanh liên tục trong phạm vi 300-1.000km, DN có 10-20 xe có thể kinh doanh trong cự ly dưới 300km và DN dưới 10 xe hoạt động trong nội tỉnh và liền kề”.

Hưởng ứng nội dung này, ông Nguyễn Hoàng Linh – PGĐ Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết: “Nhất trí với ý kiến DN có bao nhiêu xe thì được hoạt động đến đâu. Nói cách khác là quy mô của DN sẽ quyết định phạm vi hoạt động của DN đó. Quan điểm của tôi là DN có dưới 5 xe chỉ hoạt động nội tỉnh”.

Tuy nhiên, việc bắt buộc phải có nhiều xe mới được chạy đường xa, ít xe chỉ được chạy tuyến ngắn không hề được nêu trong bản dự thảo Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Đối với việc bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, ông Nguyễn Lê Minh – PGĐ Sở GTVT Sơn La cho rằng: “Rất khó để có thể thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tất cả các phương tiện nêu trong dự thảo” “xin đề xuất một lộ trình: đến 1/7/2015 lắp đặt xong cho xe taxi, 01.07.2016 lắp xong cho các xe đầu kéo và đến 1/7/2017 lắp đặt cho các xe còn lại”.

Cùng ý kiến phải có lộ trình cụ thể cho việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đại diện sở GTVT Thái Nguyên cho rằng nên ưu tiên lắp đặt trước cho các xe đầu kéo, bởi đây là phương tiện vận tải nặng, nếu xảy ra tai nạn thì sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng, tiếp đó sẽ lắp đặt cho các ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 10 tấn trở lên và cuối cùng là lắp đặt cho taxi...

Những vấn đề nêu trên Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết: Sẽ ghi nhận ý kiến đóng góp của các địa phương, ông cũng yêu cầu các cơ quan quản lý quan tâm vấn đề khám sức khỏe của lái xe nhằm đảm bảo an toàn, điều này được quy định rõ tại khoản 4, điều 11 trong dự thảo Nghị định.

Theo Lao động

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.