Doanh nghiệp địa ốc trong “cuộc đua phá sản”

Doanh nghiệp địa ốc trong “cuộc đua phá sản”

Trải qua năm khó khăn vì… “thủ tục”

Theo báo cáo mới nhất của Cục Đăng ký quản lý kinh doanh Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trong năm 2019 ngành kinh doanh bất động sản ghi nhận 598 doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động. Bất động sản cũng là ngành có tỷ lệ công ty giải thể cao (686 doanh nghiệp), tăng 39,4% so với cùng kỳ năm 2018. Như vậy, thị trường đã ghi nhận có gần 700 doanh nghiệp phải giải thể vì khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, không đủ kinh phí hoạt động.

2019 là năm thị trường có nhiều ảnh hưởng từ chính sách, quy định mới. Tuy nhiên, đây là những chính sách nhằm hướng đến thiết lập thị trường phát triển ổn định, bền vững, tránh những “cú sốc” và những tác động tiêu cực đến nhà đầu tư, kinh tế - xã hội. Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay được ghi nhận từ các doanh nghiệp, là nguồn hàng từ các dự án không thiếu, thậm chí thừa, nhưng không đủ điều kiện mở bán do vướng mắc từ các cơ quan quản lý… 

Nguyên nhân chính là do những bất cập, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật như Luật Đất đai có nội dung chồng chéo, xung đột với Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu…

Theo ông Nguyễn Trần Nam – Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, việc các cơ quan chức năng chậm phê duyệt cấp phép xây dựng dự án hay tạm dừng dự án đang triển khai để rà soát, kiểm tra… là nguyên nhân dẫn đến giảm nguồn cung, kéo theo lượng giao dịch bất động sản cũng giảm.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch HĐQT GP Invest cho biết, rừng thủ tục hiện nay đang làm nản lòng nhà đầu tư, làm mất cơ hội đầu tư. Theo ông Hiệp, một dự án đầu tư phát triển đô thị sau khi có chủ trương đầu tư phải trải qua bốn cửa lớn là Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng.

“Chỉ cần một khâu trong các cửa trên vướng mắc sẽ kéo theo toàn bộ tiến độ thời gian của dự án bị chậm lại. Việc đó làm mất cơ hội đầu tư và nản lòng các nhà đầu tư phát triển” – ông Hiệp nói.

Ở một góc nhìn khác, ông Phạm Thanh Sơn - Trưởng Văn phòng Luật sư Nam Hà Nội cho rằng: “Hiện nay, giữa quy định của pháp luật đến thực thi trong thực tế còn một khoảng cách khá xa.

Bên cạnh sự chồng chéo giữa các quy định hiện nay, vẫn còn một khoảng trống lớn liên quan đến quy định về các giới hạn vi phạm pháp luật liên quan đến nhiều hoạt động trong kinh doanh bất động sản”, Theo ông Sơn, các doanh nghiệp thường tìm cách lách qua các khe cửa hẹp, trong khi vẫn phải đảm bảo không rơi vào trường hợp vi phạm pháp luật. 

Cơ hội năm 2020

Dù đối mặt nhiều thách thức nhưng ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam vẫn cho rằng thị trường BĐS trong năm 2020 vẫn có nhiều cơ hội. Theo ông Nam, nhu cầu về nhà ở của Việt Nam còn rất lớn. Cùng với việc trở thành quốc gia đông dân thứ 15 thế giới và thứ 3 Đông Nam Á, Việt Nam là đất nước có sự gia tăng nhu cầu về nhà ở tại các khu đô thị hàng đầu trong khu vực. 

Cùng với đó, ông Nam cũng phân tích trong thập niên vừa qua, Việt Nam đã chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng chỉ từ 2012 – 2019, cả nước đã có thêm 838km đường cao tốc mới đi vào sử dụng. “Đây đều là những dự án trọng điểm, có tính kết nối liên vùng, tạo ra động lực to lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội” - ông Nam nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ