Đoàn ĐBQH là cần thiết và phù hợp với thực tiễn

Đoàn ĐBQH là cần thiết và phù hợp với thực tiễn

Ngày 15/3, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã tiến hành Hội nghị tổng kết hoạt động Khóa XII, nhiệm kỳ 2007-2011.

Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tiếp xúc cử tri quận Ba Đình và Cầu Giấy (ảnh Internet)
Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tiếp xúc cử tri quận Ba Đình và Cầu Giấy (ảnh Internet)

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng ghi nhận những kết quả quan trọng mà Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội đã đạt được, góp phần vào thành tựu chung của Quốc hội trong nhiệm kỳ Khóa XII, cả về công tác lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và công tác đối ngoại.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khẳng định, việc tổ chức các Đoàn Đại biểu Quốc hội là cần thiết và phù hợp với thực tiễn, điều kiện cụ thể của Việt Nam. Đây là kênh kết nối giữa Trung ương với địa phương, giữa Quốc hội với cử tri, tạo điều kiện thuận lợi cho các Đại biểu Quốc hội hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng mong rằng, Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội sẽ tiếp tục hoàn thành tốt vai trò, trách nhiệm, quyền hạn cho đến hết nhiệm kỳ Khóa XII, đồng thời chuẩn bị thật tốt cho bầu cử Đại biểu Quốc hội Khóa XIII.

Theo báo cáo tại Hội nghị, căn cứ chương trình xây dựng luật hàng năm, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào 35 dự án Luật dự kiến thông qua tại các Kỳ họp thứ 4, 5, 6, 7, 8 của Quốc hội; tổ chức 213 hội nghị tiếp xúc cử tri trước và sau Kỳ họp Quốc hội, thu hút đông đảo cử tri tham gia đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm với Quốc hội.

Từ ngày 1/8/2008 đến ngày 30/9/2010 các vị Đại biểu Quốc hội đã tiếp 2147 lượt công dân, nghe phản ánh kiến nghị về các lĩnh vực kinh tế-xã hội và đời sống, công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của các cơ quan có thẩm quyền, tuyên truyền hướng dẫn công dân chấp hành đường lối của Đảng, sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

* Ngày 15/3, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm và đoàn đại biểu Quốc hội khóa XII Thành phố Hồ Chí Minh đã có cuộc tiếp xúc với đại diện Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố, 24 quận, huyện và các tổ chức thành viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố, để nghe góp ý kết quả hoạt động của đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII.

Chủ tịch nước đến thăm và chúc Tết Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM. (Ảnh: TTXVN)
Chủ tịch nước đến thăm và chúc Tết Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM. (Ảnh Internet)

Chủ tịch nước khẳng định đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh là đoàn đông về số lượng, mạnh về chất lượng, đã đóng góp tích cực, có ý nghĩa, nhất là đóng góp cho những vấn đề quan trọng, gai góc của đất nước.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch nước, hoạt động của đoàn đại biểu Quốc hội thành phố cũng còn hạn chế. Chủ tịch nước thẳng thắn nhìn nhận bản thân với vai trò đại biểu Quốc hội cũng tiếp xúc cử tri chưa nhiều, băn khoăn lớn nhất là lắng nghe ý kiến cử tri nhiều, phản ánh đầy đủ nhưng việc giải quyết của các cơ quan chức năng như thế nào thì chưa xem xét được nhiều tương ứng.

Chủ tịch nước đề nghị trong nhiệm kỳ tới, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố cần tăng cường tiếp xúc cử tri và nghiên cứu, đổi mới phương thức tiếp xúc cử tri, quan trọng nhất là phối hợp, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị của cử tri sao cho chính xác, kịp thời.

Tại cuộc tiếp xúc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng là chuẩn bị tốt cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIII và hoạt động của Quốc hội khóa XIII, trong đó, chất lượng của từng đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội sẽ góp phần cho hoạt động Quốc hội hiệu quả.

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Phạm Phương Thảo cho biết Đoàn đã tổ chức 78 hội thảo để nghe góp ý của các chuyên gia cho hoạt động lập pháp, tự tổ chức 28 cuộc giám sát và tham gia 36 đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội.

Đoàn cũng đã tổ chức 420 cuộc tiếp xúc cử tri, tiếp 1.337 lượt công dân, giải quyết trên 6.000 đơn thư gửi đến, chuyển các ban ngành 1.886 đơn thư trong đó đã giải quyết được 1.058 đơn thư (56,09%).

Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hà Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII (2007 - 2011). Đồng chí Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch nước đã tham dự.

Trong nhiệm kỳ qua, hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đoàn đã tổ chức được 12 cuộc giám sát chuyên đề và 07 cuộc khảo sát tình hình thực thi pháp luật tại địa phương. Công tác tiếp dân và xem xét đơn thư có nhiều chuyển biến tích cực.

Trong 4 năm qua Đoàn đã tổ chức được 147 hội nghị tiếp xúc cử tri; tiếp 213 ngàn lượt công dân và tiếp nhận 126 đơn thư, kịp thời phân loại xử lý chuyển các cơ quan có thẩm quyền đề nghị xem xét giải quyết.

Đoàn ĐBQH khóa XII của tỉnh đã thực sự là cầu nối giữa Quốc hội và cử tri, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân.

Tại tỉnh Lạng Sơn: Trong nhiệm kỳ 2007-2011, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức TXCT được 14 đợt, ở 111 đơn vị với tổng số 11.551 cử tri tham dự và 660 lượt ý kiến phát biểu trên 11 huyện, thành phố của tỉnh. Có 302 ý kiến, kiến nghị được tổng hợp gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Các ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri được Đoàn tổng hợp, phân loại, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các bộ, ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét giải quyết, trả lời. Trong các buổi TXCT, những kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp trước của Chính phủ và các bộ, ngành, UBND tỉnh được thông báo đến cử tri kịp thời.

Cùng với đó, công tác phối hợp với các cơ quan hữu quan trong hoạt động TXCT được Đoàn chú trọng. Hoạt động TXCT đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh,

Thông qua việc không ngừng nâng cao chất lượng, đổi mới cả về nội dung và hình thức hoạt động TXCT, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Trung Kiên - Nam Sơn (TH)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.