Đây là một nghề có thu nhập cao, nhưng không phải ai cũng làm được bởi”cái nghề nó đè cái số” và đôi khi phải chịu nhiều ngang trái từ hai chữ “ô sin”.
Xa con dại, bỏ cha già...
Trong những năm gần đây, dịch vụ giúp việc, chăm sóc người bệnh thuê ở các bệnh viện càng phổ biến và công khai. Nếu như trước kia, nhiều gia đình có người thân nằm viện nhưng vì lý do không thể chăm sóc thì phải chạy đây, chạy đó hay về quê nhờ người lên chăm sóc.
Hoặc trước cổng bệnh viện có người sẵn sàng làm thuê nhưng không dám ra mặt vì sợ bảo vệ bệnh viện hay thấy xấu hổ, e ngại. Còn nay, giúp việc, chăm sóc bệnh nhân thuê đã trở thành một cái nghề đích thực và được “nâng tầm” thành dịch vụ.
Trong vai đi tìm người chăm nuôi thuê ở Bệnh viện Bạch Mai, tôi đã có dịp tiếp cận và hiểu rõ hơn về những con người làm nghề “khác máu” nhưng không “tanh lòng”.
Thấy tôi đang ngơ ngác nhìn xung quanh và có vẻ đang tìm muốn tìm người trong khuôn viên của Bệnh viện Bạch Mai, một người phụ nữ tầm 40 tuổi chạy từ gốc cây đến và nhanh nhảu hỏi: “Em muốn thuê người chăm sóc người nhà hả? Thuê đi, chị làm cho”.
Tôi chưa kịp trả lời thì thêm bốn, năm người chạy đến và ra giá “Thuê em đi, em lấy giá rẻ 250k một ngày, phục vụ người nhà của anh chu đáo luôn”.
Lấy lý do giá cao quá nên không thuê, một nam thanh niên liến thoắng “Anh yên tâm, đây là giá sàn của chúng em ở bệnh viện này, chăm sóc từ A đến Z, anh chỉ cần ở nhà mà lo làm ăn thôi”.
Giờ nghỉ trưa, tôi chủ động tìm và nói chuyện với một số “ô sin” đang ngồi ghế đá khuôn viên bệnh viện.
Chị Lan (37 tuổi, quê Thái Thụy, Thái Bình) chia sẻ: “Tính từ ngày đi làm việc chăm hộ bệnh nhân ở bệnh viện đến nay đã được hơn 6 năm rồi. Trước đấy, tôi làm giúp ở Bệnh viện Việt Đức, Xanh Pôn giờ thì chạy qua Bạch Mai này.
Ban đầu, tưởng việc này sẽ đơn giản, nhàn như việc gia đình nhưng thực sự nó vất nhều lắm, lại bị nhiều người nó ra nói vào đôi lúc thấy bức dứt, khó chịu. Tuy nhiên, lúc ấy lại nghĩ không làm việc này thì biết làm việc gì, chết đói, mấy đứa con nhỏ lại đang ăn học ở quê nên cố gắng làm thôi.
Mỗi ngày chúng tôi được trả công từ 200.000 - 300.000 đồng. Những hôm không có người thuê chúng tôi lại ngồi chờ ở các ghế đá trong bệnh viện, tranh thủ nói chuyện với nhau.
Ở bệnh viện Bạch Mai này có khoảng 30 người làm việc chăm nuôi giống như tôi, làm chung chỗ nên nhiều người quen thân, tình cảm với nhau lắm, nhiều lúc còn giới thiệu mối làm cho nhau.
Phần lớn chúng tôi ăn, ở và ngủ lại ở bệnh viện khi có ca chăm thuê, còn không lại phải thuê phòng với giá 20.000 đồng/tối ở các nhà bên cạnh bệnh viện để sáng mai vào tìm việc”.
Chị Quyên (34 tuổi, quê Triệu Sơn, Thanh Hóa) tâm sự: “Làm việc này cũng chỉ vì bất đắc dĩ thôi. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố thì bị bệnh hiểm nghèo, chồng thì đi làm ăn xa tận Bình Dương, một nách nuôi 3 đứa con thì ở nhà làm ruộng sao sống được, đành vậy mới ra Hà Nội kiếm sống.
Làm nghề ô sin bệnh viện thế này, cố gắng tích góp gửi tiền về cho con ăn học, mua thuốc cho bố. Nhưng nhiều lúc thấy ức chế mà tủi nhục vì lời dị nghị của hàng xóm.
Khi mới đầu biết mình làm việc này, họ bảo bố ruột không chăm, đi chăm người lạ, chồng đi xa khéo lại đi chăm chồng người khác. Sau rồi, họ cũng hiểu, thông cảm, có lần họ còn nhờ mình chăm sóc hộ khi có người thân ra chữa bệnh ngoài này”.
Dở khóc, dở cười “bệnh nghề nghiệp”
Mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi nghề mỗi nghiệp, với những “ô sin” bệnh viện thì họ cũng đã trải qua nhiều việc khiến họ phải cười ra nước mắt, nhắm mắt, nhắm mũi trong cái nghề “làm dâu trăm họ”.
Anh Quang (43 tuổi, quê Thanh Sơn, Phú Thọ) cho hay, anh đã làm công việc chăm nuôi này từ năm 2004 tại nhiều bệnh viện ở Hà Nội. Mặc dù là người chăm nuôi nhưng anh chỉ nhận làm thuê cho những bệnh nhân là người già, đàn ông và trẻ nhỏ.
Anh Quang chia sẻ một câu chuyện được xem là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong nghề của anh đó là lúc chăm sóc một bà cụ 80 tuổi bị mắc bệnh tiêu hóa. Bệnh nhân này đã ba ngày không đi vệ sinh được nên anh đã xông, thụt rồi dùng tay giúp bệnh nhân… Phải 2 tiếng đồng hồ mới xong.
Anh Quang cười thầm nói “Không phải đơn giản đâu, những người mới vào nghề thì khó mà làm được. Với lại, mình xem họ như người nhà của mình thì mọi việc cũng dễ dàng hơn”.
Đỡ tiếp câu chuyện của anh Quang, chị Lan cũng thêm vào câu chuyện đáng nhớ của mình khi chăm sóc cho một bệnh nhân bị mắc bệnh thần kinh.
“Chăm người bị mắc bệnh thần kinh rất mệt vì họ không làm chủ được hành động của mình. Nhưng được cái bệnh nhân nào đã vui tính thì hay chọc ghẹo mình làm cho mình vui.
Họ cứ hồn nhiên, trẻ con nên cũng thích. Có lần tôi bị một bệnh nhân nam cứ luôn miệng tán tỉnh, nói lời yêu mật ngọt, gọi anh em ngọt sớt trong khi mình lớn tuổi hơn bao nhiêu. Nghe cũng thấy vui vì có những câu thấy ngộ ngộ thật”.
Nghề "ô sin bệnh viện" không chỉ có phụ nữ mà cả những người đàn ông, thanh niên. |
Mặc dù, họ tìm được niềm vui qua những tiếng cười, kỷ niệm khó quên với bệnh nhân trong lúc chăm sóc, nhưng đôi khi các “ô sin bệnh viện" lại phải nhận lấy “trái ngang” từ người nhà bệnh nhân gây ra.
Chị Hoa (32 tuổi, quê Lương Tài, Bắc Ninh) chia sẻ, khoảng thời gian lúc chị mới làm việc chăm nuôi ở bệnh viện, chị nhận chăm sóc một ông cụ đã ngoài 70 bị bệnh thần kinh có lúc nhớ lúc quên. Khi cho cụ ăn uống thì phải dỗ dành, nịnh nọt.
Có hôm vừa cho cụ ăn xong thì con gái cụ vào thăm. Nhìn thấy con, cụ liền kêu đói, bảo chưa được ăn gì. Chị ấy liền mắng chửi té tát vào mặt tôi: “Giờ này mà còn chưa cho ông ăn cơm, mày định để bố tao chết đói hả con điên kia“. Tôi phải nhờ những người cùng phòng bệnh nói rõ cho chị ấy hiểu.
Anh Khan (31 tuổi, quê Than Uyên, Lai Châu) còn gặp phải tình huống khó xử và oan uổng hơn. Anh cho hay, có lần anh chăm cho một cụ bà của một nhà giàu có, quan chức. Có nhiều người đến thăm và mang hoa quả, phong bì đến biếu.
“Không biết gia đình có để thất lạc mấy cái phong bì khách đến thăm ở đâu không mà cứ mỗi lần tôi đứng gần họ, họ cứ nói bóng nói gió là tôi lấy.
Tôi đã cố giải thích nhiều lần nhưng họ cứ ậm ừ, vẫn có thái độ và hành động giữ khoảng cách và miệt thị tôi. Ức chế quá tôi xin nghỉ luôn và không tính tiền công mấy ngày làm trước đó. Việc mình không làm mà họ cứ nghi oan, thể hiện thái độ khó chịu thì làm ơn cũng mắc oán thôi”.
Cuộc sống vất vả là vậy, mỗi người mỗi việc, sức nào làm việc ấy. Những người chăm nuôi ở bệnh viện đã bỏ ra sức lao động của mình để kiếm những đồng tiền chân chính lo toan cho bản thân và gia đình.
Tuy nhiên, để gắn bó và tồn tại được với cái nghề được gọi “ô sin” bệnh viện này thì họ phải vượt qua được những lời tai tiếng, áp lực người nhà bệnh nhân và cả những “Hộ lý” không chuyên khi càng xuất hiện ngày càng nhiều.