(GD&TĐ) - Nhiều phụ huynh coi trường quốc tế như sự lựa chọn lý tưởng để phát triển tương lai cho con em mình. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải cứ trường gắn mác “ngoại” có thể giúp trẻ phát triển toàn diện.
Ước mong “Công dân toàn cầu”
Chị Hường (Tây Sơn – Hà Nội) ngao ngán kể: Ban đầu chị muốn cho con học trường quốc tế vì không muốn con gặp áp lực học tập lớn, thành tích này nọ. Không những thế, trong tư duy của gia đình chị nếu con được học ở một trường quốc tế sẽ được phát triển toàn diện và có tư tưởng tích cực...
Tuy nhiên, sau 3 năm thì “giấc mộng” ấy đã chấm dứt bởi những gì đập vào mắt chị. Về cơ sở vật chất thì không có gì phải bàn bởi trường quốc tế luôn hơn trường công lập (vì cha mẹ bỏ ra hàng núi tiền học phí), chất lượng giáo dục với các thầy cô người Việt cũng tương đối yên tâm. Riêng giáo viên người nước ngoài thì để lại nhiều suy nghĩ cho chị Hường. Sau nhiều buổi chứng kiến thầy giáo đến trường mà đeo khuyên tai, tóc tai vuốt keo dựng ngược, trên người có hình xăm trổ, có thầy cô lại lôi thôi lếch thếch với những bộ quần áo vải nhăn nheo như đèn xếp, chân đi dép xỏ ngón, nhìn thấy phụ huynh người Việt mà như thể chẳng nhìn thấy ai, chẳng biết ai..., chị Hường đã quyết định đưa con trở về trường công.
Nỗi lo lắng của chị Lan (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng đáng để suy nghĩ về thói quen và cách ứng xử của những “công dân toàn cầu” trong tương lai. Hoàng, cậu con trai đang học lớp 7 của chị được theo học trường quốc tế từ lớp một nên bé có khả năng tiếng Anh khá tốt. Hoàng có thể sử dụng tiếng Anh thường xuyên trong trường học và ngay cả ở nhà nhưng ngữ pháp tiếng Việt lại kém, phát âm tiếng Việt nhiều chỗ không chuẩn. Bé có thể tự tin thuyết trình một vấn đề bằng tiếng Anh song lại khá lạnh lùng nói chuyện với người nhà bằng tiếng Việt, đồng thời khá độc lập và ít tương tác với người xung quanh.
Học sinh Trường quốc tế Wellspring (Hà Nội) trong giờ tập làm văn Ảnh: T.Thanh |
Một vấn đề khác, khiến nhiều phụ huynh lo lắng đó là “mất gốc” về văn hóa, lịch sử Việt bởi chương trình giảng dạy của một số trường quốc tế không chú trọng nhiều đến những kiến thức này. Có những học sinh đã tốt nghiệp lớp 12 nhưng không thể hiểu được những từ Hán Việt đơn giản, không biết được những ngày, mốc lịch sử quan trọng nhất của đất nước. Cũng chính bởi vậy, nhiều học sinh không có điều kiện ra nước ngoài du học nhưng cũng không dễ dàng giải được những đề thi đại học được đánh giá đơn giản với học sinh trường công lập.
Đắt có xắt ra miếng?
Nhiều cha mẹ lại có tâm lý mong muốn cho con em được tiếp xúc với môi trường giáo dục hiện đại ngay từ khi nhỏ sẽ giúp trẻ được trang bị kỹ năng tiếng Anh cùng những phương pháp giảng dạy hiện đại thế giới. Thế nhưng chất lượng học có tương xứng với học phí lại không ai đảm bảo.
Nhiều giáo viên nhận xét, các bậc phụ huynh hướng đến việc du học cho con khá tin vào việc theo học trường quốc tế thì sẽ dễ dàng chuyển tiếp hơn học trường Việt. Nhưng thực tế lại cho thấy học sinh giỏi thực chất ở trường Việt khi “hội nhập” học tập lại nhanh hơn học sinh trường quốc tế. Mặt nổi trội hơn của học sinh trường quốc tế ngoài tiếng Anh dường như chỉ là sự tiếp thu lối sống “ngoại”.
Qua tìm hiểu thực tế cũng cho thấy, các trường đích danh 100% quốc tế, dạy chương trình nước ngoài, thầy ngoại chuẩn và được các nước xác nhận bằng cấp không nhiều. Số trường mượn danh, lắp ghép “mác” trường quốc tế lại không ít. Không loại trừ có trường liên kết với nước ngoài nhưng cũng “mạnh dạn” nhận là trường “quốc tế”.
Cái “hơn” rõ nhất có thể kiểm chứng được ngay từ các trường quốc tế đó là học phí rất cao, tính ra tiền Việt thì trung bình một tháng khoảng 7- 10 triệu đồng. Nhiều trường quốc tế có mức thu phí tới 80- 200 triệu đồng/9 tháng học. Song điều đáng nói là không phải trường quốc tế nào cũng có chất lượng xứng với mức học phí quá đắt đỏ đó.
Bên cạnh đó, trường quốc tế cũng có những hạn chế nhất định. Nhiều trường mầm non vì chủ yếu đi thuê mặt bằng nên giá học phí đội lên gấp bội. Diện tích sân chơi nhỏ, thiếu không gian xanh cho học đường, không có những trang thiết bị đồ chơi ngoài trời để trẻ vận động... nên có những trường mầm non này mặc dù học phí thu cao nhưng chất lượng lại chưa tương xứng.
Vấn đề đội ngũ giảng viên và chương trình giảng dạy nhiều trường cũng bộc lộ chưa tương xứng với tầm vóc “quốc tế”. Không loại trừ có trường lấy kinh nghiệm, mô hình hoạt động của các trường nước ngoài thông qua mạng hoặc thầy giáo ngoại. Có trường hợp giáo viên ngoại chưa được cấp phép nhưng vẫn dạy chui, giáo viên là “Tây ba lô”, khách du lịch kiếm thêm... Với giáo viên Việt, có những giáo viên mới ra trường, còn ít kinh nghiệm chăm sóc và dạy trẻ, tính bất ổn của giáo viên cao. Mặt khác, một số trường thiếu giáo viên chuyên cho các môn học văn hóa, lịch sử... khiến học sinh không được tiếp thu lĩnh hội kiến thức, thiếu hào hứng với những môn học xã hội.
Cân nhắc trước khi lựa chọn
Về cơ bản, điểm cộng cho các trường quốc tế có thể nhìn thấy rõ nhất là trang thiết bị học tập hiện đại như máy chiếu, máy tính nối mạng cho giáo viên, những giáo cụ bổ trợ cho bài giảng. Các lớp học cũng được thiết kế với hệ thống chiếu sáng, hệ thống thông gió và điều hòa không khí hiện đại nhằm bảo đảm sức khỏe của học sinh. Bữa ăn học đường cũng đảm bảo đủ chất dinh dưỡng. Mặt khác, sĩ số lớp học dành cho học sinh trong các trường quốc tế cũng ít (tùy theo cấp học, có thể từ 15 – 20 học sinh). Và như vậy sẽ đảm bảo mọi học sinh đều được quan tâm tới nơi tới chốn. Ngoài ra, trẻ cũng được trang bị về ngoại ngữ tốt hơn, thời gian học thoải mái hơn so với trường công lập...
Tuy nhiên, bên cạnh những cái lợi nhìn thấy thì cũng còn nhiều điều phải nghiên cứu trước khi lựa chọn. Đó là vấn đề không vững tiếng mẹ đẻ vì học ngoại ngữ sớm. Một số trường dạy theo giáo trình hoàn toàn của nước ngoài cũng khiến trẻ mù mờ văn hóa, lịch sử Việt Nam. Học và giao tiếp bằng tiếng Anh chủ yếu khiến trẻ hạn chế khi giao tiếp bằng tiếng Việt.
Mặt khác, nhiều phụ huynh cho con theo học trường quốc tế cũng khá đau đầu trong trường hợp bất ngờ gặp khó khăn về tài chỉnh mà buộc phải chuyển con sang trường công lập hoặc dân lập. Sang môi trường mới có phương pháp giáo dục khác, tính kỷ luật cao, thầy cô, bạn bè mới khiến trẻ bỡ ngỡ và phải cố gắng nhiều mới theo kịp.
Những khoản học phí vài chục triệu tới hàng trăm triệu cho 9 tháng thực học trong điều kiện kinh tế khó khăn chung cũng là điều để cha mẹ cân nhắc khi quyết định cho con học trường quốc tế. Các trường quốc tế thường thu học phí trước và không hoàn lại một số khoản tiền nếu chuyển đi. Hơn nữa, nếu chỉ có điều kiện kinh tế ở mức khá thì việc chạy theo mức đóng góp “ngoại” cũng khiến cha mẹ lo lắng, và là cả một gánh nặng. “Kiễng” chân mãi thì sẽ đến lúc mỏi mệt và khi bỏ dở thì đương nhiên sẽ rơi vào tình trạng “trở đi mắc núi trở lại mắc sông”. Và người thiệt thòi hơn cả là con trẻ bởi sự thay đổi lớn về môi trường học tập, sinh hoạt...
Các thầy cô giáo, các nhà tâm lý giáo dục cho rằng, trường quốc tế dù có ưu điểm tới đâu thì cũng tồn tại những mặt hạn chế riêng. Vì vậy, cha mẹ cần cân nhắc kỹ càng từ đặc tính, khả năng của trẻ, mục đích theo học tới khả năng tài chính của gia đình. Tránh tình trạng “sính” ngoại nhất thời mà cho ra đời những sản phẩm “nửa tây nửa ta”.
Cô Nguyễn Thị Thuận - giáo viên trường trung học cơ sở nhận xét: Những học sinh đã từng học trường quốc tế khi chuyển vào trường công lập thì giáo viên phải vất vả hơn trong việc uốn nắn tác phong, lễ phép. Các em khá tự do trong cách ăn mặc, đầu tóc. Cách xưng hô với thầy cô giáo hay người lớn cũng ít thưa gửi, chào hỏi, nói năng cộc lốc, trong giao tiếp khá sòng phẳng tới lạnh lùng và không biết nhún nhường... |
Mai Hoàng