(GD&TĐ) - Rất nhiều phụ nữ Việt, đặc biệt ở nông thôn đã và đang có niềm tin mãnh liệt vào sự đổi đời khi lấy chồng Tây. Những lời giới thiệu về cuộc sống hoa lệ, khả năng kinh tế dư giả từ những ông bà mối đã khiến chị em mờ mắt mà sẵn sàng phí hoài tuổi xuân, đánh cược với cuộc đời.
Ước mơ đổi đời
Hy vọng lấy chồng ngoại để có thể tìm được việc làm, thoát nghèo, thậm chí còn gửi tiền về giúp cha mẹ... đã khiến hàng ngàn cô gái Việt đổ đi lấy chồng theo con đường môi giới hôn nhân. Vào thời điểm mới rộ lên phong trào này, nhiều chị em phụ nữ Việt Nam liều mình như chẳng có khi quyết định lấy chồng nước ngoài qua môi giới mà không cần biết đến hình thức chú rể cao thấp, gầy béo ra sao, tuổi tác bao nhiêu... Chính vì vậy, trường hợp lấy phải chồng già, người dị tật, người bị bệnh... đã xảy ra.
Kết quả của những cuộc hôn nhân không tình yêu này đến nay vẫn là những hệ lụy buồn. Nhiều cô dâu Việt chân ướt chân ráo sang đến xứ người (Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc) đã phải cầu cứu gia đình can thiệp gửi tiền ngược trở lại để mua vé về nước. Nhiều cô dâu về tới quê hương của chồng vỡ mộng hoàn toàn khi chàng không hề giàu có như giới thiệu ban đầu. Không ít cô dâu Việt trong cơn tuyệt vọng vì những đối xử gia trưởng, xúc phạm đã chọn con đường kết liễu cuộc sống, chấm dứt cuộc đời tù túng, khổ cực hơn “ô sin” ở nước người.
Những nhà chức trách Việt Nam đã từng cảnh báo, có tới 85% số vụ kết hôn lấy chồng ngoại đều vì lợi ích kinh tế. Còn các chú rể Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) vì không thể lấy vợ trong nước nên phải tìm vợ ngoại. Hầu hết đàn ông các nước này tìm đến dịch vụ môi giới là vì họ chỉ là những người lao động bình thường, thậm chí có người không có nghề nghiệp ổn định và đa số đều gặp khó khăn trong cuộc sống.
Thông tin từ Đài Loan cũng buộc cho những người phụ nữ Việt phải quan tâm và cân nhắc với lựa chọn kiếm chồng ngoại của mình khi chỉ có 50% trong số những người đàn ông độc thân Đài Loan ở độ tuổi từ 30-39, với vị thế nhân khẩu xã hội thấp, hạn chế về giáo dục, thân thế nghề nghiệp và nơi cư trú là có khả năng kết hôn với một cô gái bản địa, số còn lại tìm bạn đời ở một số nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam...
Lấy chồng ngoại có là cơ hội “vàng” cho cô dâu Việt? |
Đỏ chưa phải đã chín
Với những chị em quyết săn chú rể Tây làm việc ở Việt Nam, cần cảnh giác bởi thực tế, không ít chàng rể Tây với chức danh giám đốc công ty này, quản lý công ty kia, chuyên gia tư vấn này nọ... cũng chỉ là những người có mức thu nhập bình thường ở nước ngoài đến Việt Nam tìm kiếm cơ may tốt hơn ở nước họ. Thậm chí, có những “giám đốc” Tây tại Việt Nam cũng không tìm được việc làm ở chính quốc nên phải tới Việt Nam kiếm cơ hội tốt hơn. Thậm chí, không ít kẻ chỉ muốn săn tìm chút hương xa nơi xứ lạ, khi đã chán thì chào tạm biệt không luyến tiếc.
Chị T. Hương sau khi “kiếm” được anh chàng Pháp bảnh bao ở một quán bar Tạ Hiện, những tưởng mình đã lên đời từ đây. Nhưng những nũng nịu vòi chàng mua trang sức xe cộ đều bị khất lần lữa, đòi sang quê chàng du lịch cũng bị thoái thác “anh bận lắm”. Khi bám theo chàng về tận công ty mà chàng nói rằng đang làm “Giám đốc”, cô được biết, chàng cũng chỉ là một giám đốc “quèn” của một công ty địa ốc với mức lương vài trăm đô/ tháng. Công ty cũng cần đến chàng Tây “giám đốc” như một cách quảng bá, câu kéo thương hiệu giám đốc người nước ngoài.
Hiền - một cô gái Ninh Bình có chồng người Anh cũng đau đớn thốt rằng “Trong chăn mới biết chăn có rận”. Chồng cô không ngần ngại nói với cô, rất yêu vợ, mọi thứ về vợ đều cảm thấy hài lòng. Thế nhưng điều không khiến anh thoải mái đó là anh sẽ phải “lấy” cả gia đình cô, tức là phải có trách nhiệm chu cấp cho gia đình vợ, hay thăm nom, chăm sóc, giúp đỡ những bà con nghèo trong gia tộc của vợ. Chồng Hiền chỉ muốn cô chăm sóc và vun vén cho gia đình nhỏ của hai người và quên đi những nghĩa vụ của một người con gái của Việt Nam phải có trách nhiệm với gia đình mình.
Hôn nhân vợ Việt chồng Tây không phải là cách đổi đời như nhiều người vẫn nghĩ. Tây hay ta thì cũng có kẻ giàu người nghèo. Bên cạnh đó, sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, cách sống là những khoảng cách khó lấp đầy của những cuộc hôn nhân với người ngoại quốc.n
Hoàng Hà