Đồ ăn uống, tiêu dùng trong bệnh viện: Giá "chát" vẫn phải mua

Theo phản ánh của một số người nhà bệnh nhân tại một số bệnh viện tuyến trên có hiện tượng “chặt chém” ở những hàng hóa, dịch vụ sinh hoạt phục vụ hằng ngày.

Người dân thường phải mua hàng giá cao tại các căng tin của bệnh viện. Ảnh: DN.
Người dân thường phải mua hàng giá cao tại các căng tin của bệnh viện. Ảnh: DN.

Mỗi nơi một giá

Hiện tại các bệnh viện đều có căng tin, cửa hàng tạp hóa để phục vụ cho nhu cầu của bệnh nhân và người nhà. Song qua tìm hiểu phóng viên được biết, hầu hết các cơ sở này đều bán giá cao hơn so với giá thị trường với biện minh rằng giá thuê địa điểm kinh doanh trong bệnh viện cao nên phải bán giá cao.

Phóng viên đã vào căng tin của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội mua đồ dùng sinh hoạt cá nhân cho sản phụ, và khá bất ngờ trước giá cả những mặt hàng được bày bán tại đây.

Theo đó, một bát phở bò vifon ăn liền, giá bên ngoài cổng bệnh viện chỉ khoảng 10.000 - 12.000 đồng/bát nhưng tại đây được bán với giá 22.000 - 25.000 đồng/bát, tùy vị.

Giá của một chai nước suối như Lavie hay Danisa, giá tại đây cũng dao động trong khoảng 6.000- 7.000 đồng chai 500ml, trong khi đó giá bên ngoài thị trường chỉ khoảng 5.000 đồng.

Giá của một cuộn giấy vệ sinh có lõi Sarasa ở đây được bán với giá 10.000 đồng/cuộn, trong khi đó tại các cửa hàng tạp hóa khác, một bịch giấy này chỉ có giá 67.000 đồng (12 cuộn/bịch, trung bình chỉ có hơn 5.000 đồng/cuộn).

Đó còn chưa kể một số sản phẩm khác như sữa cho bà bầu, em bé; bỉm dành cho người sau sinh giá cũng cao hơn thị trường khoảng 20-30.000 đồng/ sản phẩm.

Cụ thể giá bịch bỉm Caryn cho người sau sinh, giá bán của căng tin bệnh viện từ 100 đến 105.000 đồng, trong khi đó sản phẩm này ngoài thị trường có giá khoảng 80.000 đồng đến 85.000 đồng.

Hộp bánh mặn AFC loại 4 gói bên ngoài bán 14.000 đồng, trong căng tin bán tới 25.000 đồng, sữa Fami bán 45.000 đồng so với 28.000 đồng bên ngoài.

Theo lời chị Hoàng Thị Hà (Lạc Trung, Hà Nội) khi chăm người nhà ốm điều trị tại BV K (cơ sở 2, Tân Triều), nhiều lần chị phải tặc lưỡi để mua một số sản phẩm ở căng tin bệnh viện dù biết rằng nó có giá cao hơn ở ngoài.

Song vì khu vực đó ít hàng quán cộng với việc phải túc trực bên người bệnh đề phòng có khi cần tới hay nhân viên y tế gọi để vận chuyển đưa bệnh nhân đi chụp chiếu hay xét nghiệm nên chị không thể đi xa khu vực bệnh viện.

Hay như tại căng tin phụ vụ đồ uống tại Bệnh viện Bạch Mai, giá nước uống ở đây cao tương đương với những quán cà phê "sang chảnh" bên ngoài khi một cốc cà phê đen đá giá 25.000 đồng/cốc, một cốc nước chanh leo loãng nhạt, có giá 30.000 đồng, song do nhu cầu của bệnh nhân và người nhà quá lớn nên nơi đây vẫn thường xuyên trong tình trạng đông đúc.

Một vấn nạn nữa được nhiều người dân phản ánh và cũng là điều khiến nhiều người bức xúc nhất tại các bệnh viện là việc tự ý nâng giá vé gửi xe.

Tại nhà xe của Bệnh viện K, Bệnh viện Đại học Y, Bệnh viện Da liễu Trung ương nhân viên soát vé vẫn ngang nhiên thu phí trông xe máy 5.000đ/lượt, cao hơn quy định 2.000đ/lượt. Nếu lấy xe sau 18h30 thì mặc nhiên coi như gửi xe qua đêm, thu 10.000 đồng/xe.

Làm một phép cộng đơn giản sẽ thấy một ngày để chăm một bệnh nhân ốm, người nhà sẽ phải vào bệnh viện từ 1 đến 3 lần, riêng chi phí gửi xe đã mất từ 10.000 đến 20.000 đồng.

Tính bình quân mỗi ngày ở các bệnh viện lớn nêu trên, số người gửi xe lên đến 1.000 - 2.000 lượt xe, riêng số tiền thu chênh lệch có thể lên tới cả trăm triệu đồng/tháng.

Do an uong, tieu dung trong benh vien: Gia

Căng tin ở Bệnh viện Bạch Mai luôn trong tình trạng đông đúc. Ảnh: DN.

Quyết dẹp "nạn"?

Biên minh cho việc tự ý bán giá cao hơn nhiều so với giá thị trường, một số nhân viên ở một cửa hàng cho rằng, để có được vị trí bán hàng trong bệnh viện họ phải tận dụng nhiều mối quan hệ, đó còn chưa kể giá thuê tại đây cũng cao hơn bên ngoài do phải đấu thầu do vậy việc bán giá cao là đương nhiên.

Tuy nhiên đứng trên cương vị là người bệnh họ sẽ khó chấp nhận được thực tế này bởi đã vào viện là họ phải đối diện với quá nhiều áp lực chi phí về tài chính, chưa kể là nỗi đau bệnh tật.

Lẽ ra môi trường bệnh viện phải là nơi họ gửi gắm niềm tin, cậy nhờ lúc yếu đuối nhất trong cuộc đời song nơi đây lại là chỗ cho các dịch vụ đua nhau “chặt chém”, đó thực sự là điều bất hợp lý. Vấn đề đặt ra liệu có sự "thờ ơ" của lãnh đạo các bệnh viện?

Theo ông Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, bệnh viện không “bảo kê” cho vấn đề đội giá để “chém chặt” bệnh nhân.

Các dịch vụ của bệnh viện thực hiện đấu thầu phải theo quy định của Nhà nước, nếu có vi phạm bệnh viện sẽ tiến hành kiểm tra nhắc nhở.

Tuy nhiên, theo vị Giám đốc này, việc tăng giá bán cao có thể do thời điểm nhập hàng có lúc giá cao, có lúc giá thấp hơn. “Tiêu chuẩn lựa chọn nhà thầu của bệnh viện là giá cả hợp lý, kinh nghiệm và năng lực.

Bệnh viện sẽ giám sát để cân đối giá, kiểm soát trong nhiều tuần việc thực hiện cam kết giá, nếu không sẽ phạt theo hợp đồng”, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội nói.

Tuy nhiên theo lời một chuyên gia kinh tế, khi một đơn vị kinh doanh phải trúng thầu giá cao họ thường tăng giá bán hàng cho bệnh nhân để vừa có tiền trả thầu cho bệnh viện vừa có lãi.

Do vậy, bệnh viện phải lường trước được những việc này để chọn một đơn vị, cá nhân trúng thầu với một mức giá vừa phải. Bên cạnh đó, trong hợp đồng thầu, bệnh viện cũng ghi rõ nếu đơn vị, cá nhân trúng thầu căng tin bán giá cao hơn thị trường bao nhiêu phần trăm thì bệnh viện sẽ được quyền chấm dứt hợp đồng.

Sau đó, bệnh viện nên giao cho công đoàn, thanh tra bệnh viện theo dõi, giám sát thường xuyên mức giá tại căng tin bệnh viện để nếu đơn vị trúng thầu không làm đúng như hợp đồng, bệnh viện sẽ nhắc nhở, vi phạm nhiều lần không cải thiện có thể chấm dứt hợp đồng.

Tại Hội nghị đổi mới phong cách phục vụ của nhân viên y tế và xây dựng cơ sở y tế xanh, sạch, đẹp hướng tới sự hài lòng của bệnh nhân do Bộ Y tế tổ chức ngày 13/8, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện có 7 dịch vụ tại bệnh viện có tình trạng “chặt chém, làm khó” bệnh nhân là dịch vụ bảo vệ; dịch vụ vận chuyển, xe cứu thương; các điểm trông giữ xe; căng tin; giặt là; dịch vụ mai táng và bảo quản tử thi.

Và để “dẹp” vấn nạn “chặt chém” này trong thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục thực hiện những giải pháp quyết liệt để chấn chỉnh các dịch vụ không phải là khám, chữa bệnh.

Chẳng hạn, với những sai phạm liên quan đến bảo vệ, thì bệnh viện phải chấm dứt hợp đồng hoặc kỷ luật bằng cách cắt thi đua khen thưởng, trừ vào lương, thưởng (nếu vi phạm không nặng).

Đối với những trường hợp thu tiền vé xe của người nhà bệnh nhân quá cao, không có đủ chỗ gửi xe thì Giám đốc bệnh viện sẽ phải chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng.

Theo Hải Quan

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ