Đìu hiu trung tâm thương mại

GD&TĐ - Không thể phủ nhận các trung tâm thương mại (TTTM) đã phần nào làm thay đổi bộ mặt, thói quen mua sắm của người dân, song thực tế cũng cho thấy, không như kỳ vọng của các nhà đầu tư, khá nhiều TTTM vẫn trong tình trạng đìu hiu, ế ẩm, thậm chí có nơi cả ngày khách vào chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Đìu hiu trung tâm thương mại

Ảm đạm

Hiện nay, ở Hà Nội có khá nhiều TTTM đã và đang đi vào hoạt động. Bên cạnh một số TTTM có tỷ lệ lấp đầy cao và lượng khách ra vào tương đối lớn như chuỗi TTTM Vincom, Lotte Center, Aeon Mall, thời gian qua có khá nhiều khu TTTM rơi vào cảnh đìu hiu, ế ẩm thậm chí phải ngừng hoạt động hoặc chuyển đổi mô hình (như trường hợp Parkson tại Keangnam, Grand Plaza, Pico Mall...). Nhiều trung tâm vẫn duy trì hoạt động song lượng khách vào mua sắm chỉ đếm trên đầu ngón tay và khá nhiều người vào chỉ để... dạo mát trong những ngày nóng nực.

Dạo quanh một số TTTM cuối tuần qua, không khí mua sắm tại đây khá ảm đạm. Tại TTTM Tràng Tiền Plaza, tại các gian hàng của trung tâm này hàng hóa chủ yếu là mỹ phẩm, quần áo giày dép thời trang, đồng hồ... của các thương hiệu lớn. Tuy nhiên, dù vào dịp cuối tuần, nhưng khu TTTM này khá vắng vẻ, yên bình. Tầng hầm để xe của trung tâm này chỉ lác đác xe của một số khách vào đây chủ yếu để đi dạo, số khách mua sắm rất ít, có thể đếm được trên đầu ngón tay.

Nhiều gian hàng treo biển khuyến mãi 30 - 50%, song vẫn không hút được khách vào mua sắm. Theo nhân viên của một gian hàng mỹ phẩm của một hãng khá nổi tiếng, bình thường có khá ít khách hàng vào đây mua sắm, nhưng ngày cuối tuần thậm chí còn ít hơn ngày thường. Theo nhân viên này, vắng có lẽ là vì trung tâm không có khu ăn uống, giải trí như các TTTM khác nên không hấp dẫn khách hàng. Tuy nhiên, bên cạnh lý do này, có lẽ lý do quan trọng nhất là TTTM này chủ yếu bán hàng hóa của các thương hiệu cao cấp, giá cả đắt đỏ so với thu nhập của đại đa số người dân.

Cùng chung cảnh ngộ với TTTM Tràng Tiền Plaza, TTTM Hàng Da, ngày thường cũng như ngày cuối tuần, hiếm có khi nào thấy tấp nập kẻ ra người vào tham quan mua sắm tại đây. Mặc dù xung quanh trung tâm này, số lượng xe máy, xe đạp gửi rất đông, song theo quan sát của chúng tôi, số người lên TTTM Hàng Da mua sắm rất thưa thớt. Chủ yếu người tiêu dùng tìm xuống tầng hầm để mua hàng tại chợ truyền thống. Chị Bùi Thu Thảo ở Bà Triệu, Hà Nội cho biết, trước đây chị rất hay đến chợ Hàng Da để mua đồ nhưng từ khi khánh thành TTTM Hàng Da đến nay, chưa lần nào chị đặt chân lên trung tâm này, chủ yếu xuống tầng hầm để mua sắm. Lý do rất đơn giản, là bởi hàng hóa ở tầng hầm giá cả bình dân và dễ mua hơn rất nhiều.

Do thói quen của người tiêu dùng?

Tuy không rơi vào tình trạng đìu hiu, ế ẩm như những TTTM kể trên, song tại các trung tâm lớn như: Lotte Center (phố Đào Tấn), Vincom (phố Nguyễn Chí Thanh) hay Royal City, Aeon Mall (Long Biên)… dù lượng khách vào ra có vẻ tấp nập hơn nhưng nếu so với thời điểm mới khai trương, số lượng đã giảm đi đáng kể.

Theo quan sát của chúng tôi, tại TTTM Vincom, tuy là cuối tuần nhưng khách vào tham quan mua sắm cũng chỉ lác đác. Nhiều gian hàng đặc biệt là của các thương hiệu lớn khá vắng lặng. Lý do bởi nhiều người vào đây chỉ để đi dạo chơi, ngắm hàng hóa. Toàn bộ tầng 1 là khu vực bán mỹ phẩm ít người qua lại... Tại khu Royal City hay Lotte Center không khí mua sắm cũng trong tình cảnh tương tự.

Trên thực tế, không phải bây giờ, cảnh “dở sống dở chết” mới diễn ra ở các TTTM lớn mà nó đã tồn tại ngay từ khi các trung tâm này mới “khai sinh”. Nguyên nhân của thực trạng này được bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam đưa ra là do tâm lý tiêu dùng của người Việt Nam vẫn thích mua sắm theo phong cách “cũ” - tức là mua sắm ở chợ truyền thống.

Do đó, các TTTM cần điều chỉnh, thay đổi phương hướng kinh doanh, co hẹp diện tích và quan trọng nhất là phải cung ứng những mặt hàng phù hợp với mức thu nhập của phần lớn người dân. Bà Loan nêu một thực tế: Trong quy hoạch của Bộ Công Thương đến năm 2020, tỷ lệ bán lẻ hiện đại chiếm khoảng 40%, song điều này khó có thể đạt được khi tỷ lệ này đến nay mới chỉ đạt 27 - 28%.

Tuy nhiên, theo bà Loan, cảnh “chợ chiều” ở các TTTM tại Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ, bởi trên thế giới hiện nay, do suy thoái kinh tế, người tiêu dùng thế giới cũng thắt chặt chi tiêu nên thực trạng này trên thế giới cũng diễn ra tương tự ở Việt Nam. Nhiều TTTM lớn tại nhiều nước gần như đã phải đóng cửa vì khách đến tham quan, mua sắm quá ít.

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện nay việc các TTTM ế ẩm là do sức mua của xã hội còn yếu. Sức mua kém dẫn tới đã có một số trung tâm phải đóng cửa, rút bớt doanh số hoặc chuyển đổi mô hình. Bên cạnh đó, hàng hóa tại các TTTM chủ yếu là hàng cao cấp với giá cả đắt đỏ, không phù hợp với túi tiền của đại đa số người dân. Có chăng chỉ là đến tham quan các trung tâm mới khai trương mà thôi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.