Đìu hiu các trung tâm dạy nghề quận huyện

Đìu hiu các trung tâm dạy nghề quận huyện

(GD&TĐ) - Với hệ thống cơ sở dạy nghề phủ kín các quận huyện, TP.HCM là địa phương có lợi thế rất lớn trong việc đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho mình. Tuy nhiên, trái ngược với sự cấp tập trong công tác tuyển sinh, đào tạo của các trường CĐ nghề, trường TC nghề, các trung tâm dạy nghề tuyến quận, huyện của TP.HCM lại đang rơi vào tình cảnh hẩm hiu khi không có nhiều người theo học.

Lay lắt sống và những bất cập

Đây là thực trạng chung đáng lo ngại hiện nay của các Trung tâm dạy nghề (TTDN) tuyến quận huyện. Bởi theo các giám đốc TTDN tuyến quận huyện, việc quanh năm suốt tháng chỉ lo vắt óc suy nghĩ tìm cách để đảm bảo ổn định đời sống cho CB-CNV-GV của trung tâm cũng khiến họ mệt nhoài. Công tác tuyển sinh mỗi ngày thêm khó khi người học quay lưng, việc các TTDN phải xoay mọi cách để tồn tại khiến nhiều người phải đặt câu hỏi: Nguyên nhân vì sao và hướng ra nào cho các TTDN tuyến quận huyện? Nguyên nhân đầu tiên có thể dễ dàng chỉ ra chính là sự hạn chế của các TTDN tuyến quận huyện trong việc thích ứng, cập nhật để đào tạo các ngành nghề theo nhu cầu xã hội hiện nay. Nguyên nhân thứ hai chính là cơ sở vật chất và trang thiết bị cho người học còn quá hạn chế. Và cuối cùng chính là mô hình TTDN ít nhiều đã không còn phù hợp và bó buộc trong việc đào tạo các ngành nghề cơ bản khiến cho người học nghề ngày càng xa lánh các trung tâm.

Lớp điện công nghiệp ở TTDN huyện Hóc Môn chỉ có 4 học viên
Lớp điện công nghiệp ở TTDN huyện Hóc Môn chỉ có 4 học viên

Thực hiện một cuộc khảo sát các TTDN thuộc quận huyện ven ngoại thành như: Nhà Bè, Hóc Môn. Q.9, Q.2 Thủ Đức trong 3 ngày, điều chúng tôi ghi nhận được là sự lạc hậu, cũ kỹ của các cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo, cũng như sự đìu hiu của các trung tâm. TTDN huyện Nhà Bè là một toà nhà khá bề thế, với đầy đủ các phòng học và phương tiện hỗ trợ cho việc học nhưng số lượng học viên các lớp nghề chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Dù mới xây dựng được một tòa nhà hoành tráng với số vốn 15 tỉ đồng từ ngân sách TP, nhưng số học viên đăng ký học nghề ở TTDN huyện Hóc Môn cũng đìu hiu không kém. TTDN Q.9, Q.2 cũng không khá hơn. Trước mặt tiền được treo 2 tấm bảng lớn giới thiệu về các ngành nghề cùng 2 phòng ghi danh luôn có người túc trực nhưng cũng không có mấy người đến đăng ký học.

Trao đổi với chúng tôi về thực trạng trên, ông Đặng Bốn - Trưởng phòng Quan hệ doanh nghiệp - đào tạo, TTDN Q.2, cho biết: Do được quy hoạch sẽ trở thành một khu đô thị mới trong tương lai, nên nhiều năm qua Q.2 đã có sự thay đổi rất mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, cũng như điều kiện phát triển kinh tế. Khi đất canh tác nông nghiệp không còn, Q.2 đã đầu tư xây dựng một TTDN với vốn đầu tư gần 30 tỉ đồng, mở nhiều ngành nghề đào tạo như: May công nghiệp, tiện-phay-bào, sửa chữa ô tô, điện công nghiệp - dân dụng, may… với máy móc, trang thiết bị tiên tiến và kết hợp với các trường trung cấp, cao đẳng và đại học mở nhiều ngành với nhiều trình độ khác nhau. Tuy nhiên, đến nay TT vẫn không thu hút được học viên vào học”.

Theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước, thanh niên theo học nghề nếu thuộc diện 135 (thu hồi đất) thì được thành phố hỗ trợ 3 triệu đồng/người/năm; bộ đội xuất ngũ được hỗ trợ học một nghề không giới hạn kinh phí đào tạo tới khi xong. Đối với thanh niên nông thôn được hỗ trợ 2 triệu đồng. Thanh niên học nghề xong sẽ được tạo điều kiện vay vốn kinh doanh hay giới thiệu việc làm miễn phí... Tuy chính sách rộng như vậy, nhưng thanh niên vẫn không muốn học. Vấn đề đặt ra ở đây không phải tại sao thanh niên, người lao động lại ngoảnh mặt với các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, mà vấn đề cần phải xem xét chính là việc các TTDN đã đáp ứng được đòi hỏi học ra bảo đảm có việc làm của học viên hay chưa, khi phần lớn các nghề (may, trang điểm, điện dân dụng, vi tính) được dạy ở TTDN, theo thừa nhận của một ông giám đốc, vẫn chỉ mang tính bổ trợ và cung cấp kiến thức cơ bản, chứ chưa thể học xong để ra đi làm.

Lớp học sửa máy may của TTDN Q.9 chỉ có vài người học
Lớp học sửa máy may của TTDN Q.9 chỉ có vài người học

Tồn tại nhờ… biết làm kinh tế

Đây là thực trạng chẳng đặng đừng của các TTDN tuyến quận huyện, khi mà khó khăn chung về công tác tuyển sinh đang là vấn đề nan giải của họ. Với chỉ tiêu tuyển sinh được giao lên tới 4.500 nhưng chẳng năm nào TTDN Q.9 tuyển đủ, dù đã làm mọi cách. Ông Đặng Văn Đại, giám đốc TTDN Q.9, chia sẻ: “Tuyển sinh vào các lớp nghề không chỉ là khó khăn riêng của TT mà là tình trạng chung của hệ thống giáo dục dạy nghề tuyến quận huyện. Nếu không linh động tháo gỡ khó khăn và làm kinh tế nhằm cải thiện, TT sẽ rất khó để tồn tại. Hướng để thoát khỏi khó khăn này, theo tôi không cách nào khác là phải có sự thay đổi một cách triệt để, phải mạnh dạn sàng lọc và loại bỏ những ngành nghề không còn phù hợp, cập nhập những nghề mới theo nhu cầu xã hội. Cho phép các TTDN được xây dựng đề án để lên trường (trực thuộc quận) tùy thuộc vào nhu cầu và tình hình của địa phương, nhằm tháo gỡ những rào cản và những ràng buộc để các trường chủ động hơn trong công tác liên kết đào tạo với doanh nghiệp, tạo ra sự đổi mới và đột phá trong công tác đào tạo, chứ không thể để tình trạng “mạnh ai nấy bơi” như hiện nay”.

Để tồn tại và hoàn thành nhiệm vụ được giao, nhiều TTDN chẳng còn cách nào khác là phải làm kinh tế như TTDN Q.11 và TTDN Bình Thạnh. Ông Đặng Minh Tuấn, Giám đốc TTDN Q.11, thẳng thắn thừa nhận nguồn thu chính để nuôi sống trung tâm là nhờ vào việc tổ chức học, thi bằng lái xe hai bánh và cho thuê mướn mặt bằng. Bởi theo ông, hiện nay trung tâm rất khó tìm học viên để mở lớp, hay có lớp rồi thì tìm giáo viên không được.

Theo ông Trần Tiến Đạt, giám đốc TTDN huyện Nhà Bè thì việc “bụng đói đầu gối phải bò” là chuyện không có gì khó hiểu, khi vốn và nguồn ngân sách đầu tư cho các TTDN hiện nay khá hạn hẹp. Trong khi nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động tại địa phương là rất lớn, việc tạo cho TTDN cơ chế mở theo ông Đạt là điều mà các quận, huyện nên làm nhằm tránh tình trạng lãng phí cơ sở vật chất được đầu tư mới như hiện nay. Ông lý giải, để thu hút người học, vấn đề quan trọng nhất là cần thay đổi tâm lý, cách tác động để xã hội có thái độ “trọng thợ” như “trọng thầy” và đào tạo thợ giỏi.

Nhận xét và đánh giá về thực trạng lay lắt hiện nay của các TTDN tuyến quận huyện, ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng phòng Dạy nghề Sở LĐTB-XH TP.HCM, cho rằng: “Hầu hết các TTDN hiện nay đang đào tạo theo kiểu ai có gì dạy nấy, chưa căn cứ theo nhu cầu và hoàn cảnh của người học. Chúng tôi không phủ nhận việc TP.HCM vẫn còn nhiều TT yếu và thiếu về cơ sở vật chất, cũng như trang thiết bị dạy học. Nhưng ngoài số TTDN có trang thiết bị cũ kỹ không tuyển được học viên, TP.HCM hiện cũng có không ít TTDN quận, huyện được xây dựng khang trang, trang thiết bị dạy học tương đối tốt. Nhưng tuyển người học vẫn là một vấn đề nan giải. Sự bất cập này theo tôi có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính vẫn nằm ở việc chất lượng dạy nghề hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, số lượng và cơ cấu nghề đào tạo vẫn mất cân đối. Điều này khiến không ít người qua đào tạo nghề không tìm được việc làm phù hợp, vừa lãng phí thời gian, vừa tốn tiền bạc. Mặt khác, chính vì cơ sở vật chất thiếu thốn, đội ngũ giáo viên chắp vá; người làm công tác dạy nghề chậm đổi mới, thiếu năng động, chỉ biết trông chờ ngân sách nên các TTDN vắng bóng học viên cũng là điều dễ hiểu.

Vì lẽ đó, hơn ai hết các TTDN cần phải biết linh hoạt trong mọi cơ chế, trong công tác đào tạo, liên kết với doanh nghiệp bên cạnh sự đầu tư cơ bản của Nhà nước thì mới mong khắc phục được tình trạng đìu hiu như hiện nay”.

“Theo quy định của Nhà nước, hiện nay những người học nghề xong có thể học liên thông lên cao đẳng và đại học, có thể trở thành kỹ sư, nhà doanh nghiệp… Đó là “cửa mở” cho học nghề để có những thợ giỏi trình độ cao. Vì vậy, cần làm tốt hơn nữa công tác hướng nghiệp ngay từ khi học sinh nộp hồ sơ dự thi, xét tuyển vào các trường nghề” - Ông Trần Tiết Đạt - GĐ TTDN, huyện Nhà Bè

Anh Tú

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.