Bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân bị teo tinh hoàn
Teo tinh hoàn vì quai bị
Anh Trần Vũ Nguyên trú tại Hưng Yên đến khám nam khoa tại BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội vì cách đây 3 tháng anh bị quai bị, sau đó tinh hoàn sưng đau. Khi anh cảm nhận thấy bìu của mình nhỏ dần đi, vợ chồng anh mới đi khám. Ngay lập tức bác sĩ yêu cầu anh Nguyên trữ đông tinh trùng phòng teo tinh hoàn do biến chứng của quai bị.
Anh Nguyễn Thế Tư, trú tại Thái Bình, bị quai bị năm 32 tuổi. Lúc đó anh đã có hai con nên coi thường biến chứng chạy hậu của quai bị. Khi con anh không may mắn bị bệnh ung thư máu qua đời, vợ chồng anh khao khát muốn sinh thêm con nhưng vì biến chứng quai bị nên tin vui mãi chẳng đến.
Khi đến khám GS, TS Nguyễn Đình Tảo- Phó Giám đốc Trung tâm công nghệ phôi Học viện Quân Y, GS đã tiến hành chọc tinh hoàn nhưng do tinh hoàn bị teo nên không có tinh trùng. Bác sĩ phải cố chọc lấy từng mô nhỏ, đỏ mắt gắp ra được 4, 5 con tinh trùng.
Thấy có dấu hiệu của “con giống”, anh Tư và bác sĩ đều cảm thấy hạnh phúc, không những được 1 con mà vợ chồng anh có hẳn... 4 con tinh trùng để làm giống. Vợ chồng anh Tư quyết định trộn hết 4 phôi.
Có trường hợp không may bị ung thư tinh hoàn lạc chỗ, các bác sĩ cũng tư vấn có thể lấy mô tinh hoàn còn lại gửi vài ngân hàng tinh trùng, sau này có thể lấy tinh trùng từ mô tinh hoàn đó làm thụ tinh trong ống nghiệm.
GS Nguyễn Đình Tảo cho biết, hiện nay người ta có thể lưu trữ mô tinh hoàn của người đã chết và đã có nhiều trường hợp, vợ hoặc ông bà nội có thể toàn quyền quyết định nếu muốn sinh tiếp con cho người đã mất, như trường hợp của một nữ giảng viên trường Đại học Bách khoa.
Còn trường hợp tinh hoàn bị teo do quai bị từ khi còn nhỏ, đến lúc lập gia đình nhưng không thể có con tự nhiên, bác sĩ có thể lấy được tinh trùng từ phần tinh hoàn còn sót lại để thụ tinh ống nghiệm, giúp nhiều người có cơ hội được làm cha.
Báo động tỷ lệ vô sinh
GS Trần Thị Phương Mai - Giáo sư cố vấn chuyên môn về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản cho Bộ Y tế cho biết, tỷ lệ vô sinh đang ngày càng gia tăng ở cả nam và nữ. Nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn không rõ nguyên nhân.
Theo thống kê hiện nay tại Việt Nam, tỷ lệ vô sinh nam chiếm 40%, vô sinh nữ chiếm khoảng 40%, khoảng 10% do cả vợ chồng, còn lại 10% là chưa rõ nguyên nhân.
Giáo sư Mai cho biết nguyên nhân của vô sinh nam gồm: Các bất thường về tinh trùng chiếm 70% như không tinh trùng, tinh trùng ít, yếu, dị dạng… Rối loạn về cương, không xuất tinh chiếm 20%, chưa rõ nguyên nhân 10%.
Còn đối với nữ, nguyên nhân của vô sinh gồm có tắc 2 vòi tử cung chiếm 35%, rối loạn phóng noãn chiếm khoảng 35%, lạc nội mạc tử cung 20% và không rõ nguyên nhân 10%.
Nguyên nhân thứ phát, theo bác sĩ Nguyễn Khắc Lợi – Giám đốc BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, liên quan đến các bệnh viêm nhiễm qua đường sinh sản, các bệnh do phá thai ở vị thành niên và thanh niên. Trong cuộc sống hiện đại, phụ nữ lập gia đình muộn, việc trì hoãn có con lâu dần cũng dẫn đến gia tăng tỉ lệ hiếm muộn.
Bên cạnh đó, dung nạp thực phẩm nhiễm hóa chất, hút thuốc, uống rượu bia nhiều, ít vận động cũng ảnh hưởng đến chất lượng tinh dịch của nam giới, từ đó dẫn đến vô sinh…
Hiện nay các kỹ thuật áp dụng trong điều trị vô sinh như thụ tinh trong ống nghiệm đã giúp cho tỷ lệ thành công khá cao, đặc biệt tỷ lệ ở phụ nữ dưới 35 tuổi, cao hơn rất nhiều. Nhờ có các kỹ thuật lọc, gắp tinh trùng mà quý ông có cơ hội được làm cha sinh học cao hơn.