Định hướng nghề cần sự đồng thuận

GD&TĐ - Tư vấn nghề và giáo dục hướng nghiệp là những công việc quan trọng của hệ thống giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên không chỉ HS mà ngay cả phụ huynh cũng thiếu thông tin về vấn đề này.

Định hướng nghề cần sự đồng thuận

Chính vì vậy việc định hướng nghề cho HS cần phải có sự đồng thuận của cả xã hội. Dưới đây là ý kiến của một số nhà khoa học chúng tôi ghi nhận được.

TS Lê Đông Phương (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam): Thiếu hụt công tác hướng nghiệp trong các nhà trường

Ở các trường phổ thông giáo viên giảng dạy giáo dục hướng nghiệp chủ yếu là giáo viên chủ nhiệm hoặc giáo viên dạy chưa đủ số tiết cần thiết, chứ hầu như không có mấy giáo viên được đào tạo bài bản về hướng nghiệp hay tư vấn nghề nghiệp. 

Vì thế mà chẳng mấy ai tâm huyết, đi sâu vào bộ môn mới mẻ này, nhất là khi giáo viên kiêm nhiệm mất khá nhiều thời gian cho chuyên môn và các công việc hồ sơ, sổ sách. 
Không ít nơi có hiện tượng giáo viên xin tiết giáo dục hướng nghiệp để dạy bộ môn của mình, mạnh ai nấy xin và mạnh ai nấy cho. Thế nên mới có kết quả đáng buồn là có một tỷ lệ rất lớn học sinh THPT không được giáo dục hướng nghiệp.

Nhìn chung đa số học sinh, nhất là học sinh THCS, đều “đói” thông tin về nghề nghiệp, trong khi các tài liệu giáo dục hướng nghiệp hiện nay thì chỉ đề cập đến một số ít nghề phổ biến trong nhiều nghề. Điều này đã ảnh hưởng rất nhiều đến sự lựa chọn phân ban và định hướng học tập hàn lâm sau này của học sinh THPT.

Một thực trạng là bây giờ có tới hơn 2/3 học sinh lớp 10 đăng kí học ban Khoa học tự nhiên để thi khối A, trong khi rất nhiều các em có năng lực và sẽ có tương lai tốt hơn nếu lựa chọn các hướng khác. 

Cùng với đó là hiện tượng số lớn học sinh khi đăng kí dự thi đại học, cao đẳng lựa chọn vào những trường và những ngành có cái danh “kêu” mà không quan tâm đến mình có đủ năng lực không, mình có yêu thích không, và học ngành đó sau này sẽ làm gì, cơ hội việc làm ra sao? 

Điều này được phản ánh bởi con số trên 30% thí sinh đăng kí thi đại học, cao đẳng trong những năm vừa qua chọn các ngành thuộc khối kinh tế, tài chính, ngân hàng và kinh doanh mà không quan tâm đến khả năng lọt cửa của mình.

Lý giải cho điều này có nhiều lí do, trong đó tác động từ gia đình và xu hướng phong trào là khá phổ biến. Nhưng chắc chắn có một lý do quan trọng là do công tác hướng nghiệp của chúng ta còn nhiều bất cập. 

Và hệ quả là quá nhiều lao động trẻ sau khi được đào tạo trong các cơ sở giáo dục sau trung học không tìm được việc làm phù hợp với năng lực của mình trong khi các doanh nghiệp, các đơn vị sử dụng lao động lại mỏi mắt không tìm ra được lao động chuyên môn cần thiết.

GS.TSKH Nguyễn Minh Đường (Hội đồng khoa học Trường ĐHGD – ĐHQGHN): Cần có sự đồng thuận của xã hội, đặc biệt là phụ huynh HS về việc định hướng nghề cho HSPT

Định hướng nghề cần sự đồng thuận ảnh 2 
HS chính là đối tượng đồng thời là chủ thể của chủ trương phân luồng GD. Nếu các em không thực hiện thì GD không thể phân luồng đúng được. 
Bởi vậy giáo dục hướng nghiệp (GDHN) cho HS phổ thông có một ý nghĩa quan trọng trong việc phân luồng. HS phổ thông đặc biệt là HS sau THCS cần hiểu rõ tầm quan trọng của việc chọn được nghề đúng đắn để học, để có cơ hội tìm được việc làm, để cống hiến cho xã hội và nuôi sống bản thân, gia đình. 

Nếu không hiểu rõ điều này thì các em sẽ chạy theo sở thích cá nhân hoặc của bố mẹ để rồi thất nghiệp. Cũng cần nhấn mạnh rằng GDHN không chỉ là nói suông, cũng không phải là dạy nghề phổ thông mà phải tư vấn cho HS chọn nghề phù hợp với nhu cầu xã hội cũng như với năng lực, sở trường và nguyện vọng của bản thân. 

Bởi vậy, để làm tốt việc này, đội ngũ GV làm công tác hướng nghiệp cho HSPT phải được bồi dưỡng về kiến thức và kỹ năng hướng nghiệp.

Mọi chủ trương chính sách nếu không có được sự đồng thuận của xã hội thì khó lòng thực hiện thành công. Đặc biệt trong phân luồng giáo dục thì phụ huynh HS có tác động rất lớn đến việc chọn ngành, nghề của con em mình, vì họ bỏ tiền ra để cho con em mình đi học. 

Nếu không có sự đồng thuận của họ thì HS khó lòng chọn được nghề phù hợp với nhu cầu của xã hội và với năng lực của bản thân để học tiếp. Bởi vậy, cần tuyên truyền rộng rãi chủ trương và tầm quan trọng của việc phân luồng.

Phân luồng và liên thông trong giáo dục có quan hệ mật thiết với nhau và đều là những giải pháp quan trọng để phát triển nhân lực của mỗi quốc gia. 

Tuy nhiên, nếu không thực hiện một cách nhất quán 2 chủ trương này thì có khi chúng lại làm cản trở cho nhau, thậm chí còn làm tổn hại đến nhau. 

Ví dụ một bộ phận không nhỏ HS ở trình độ trung cấp hoặc cao đẳng sau khi tốt nghiệp, không tìm việc làm mà lại học tìm đường vòng để học liên thông lên đại học thì sẽ phá vỡ kế hoạch phát triển nhân lực quốc gia và làm cho đội ngũ nhân lực càng mất cân đối.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ