Định biên trường học: Chiếc áo đã quá chật

Định biên trường học: Chiếc áo đã quá chật

(GD&TĐ) - Từ áp lực nhu cầu gửi con của phụ huynh đồng thời với yêu cầu tăng số lớp học hai buổi/ngày, công việc của đội ngũ GV- CNV trong trường học ngày càng nhiều. Để giảm tải, nhiều trường học tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… đã phải xoay sở mọi cách để có “ngân sách” tuyển dụng thêm nhân sự cho nhiều vị trí cần thiết, trong đó có việc “thỏa thuận” với phụ huynh (thực chất là kêu gọi phụ huynh đóng góp) và bị nhắc nhở. Từ đây cho thấy “chiếc áo” định biên trong trường học đã dần lộ rõ nhiều bất cập, không còn phù hợp với tình hình thực tế.

Với các lớp bán trú, nhà trường phải hợp đồng thêm giám thị, bảo vệ...
Với các lớp bán trú, nhà trường phải hợp đồng thêm giám thị, bảo vệ...

HIỆU TRƯỞNG THAN TRỜI

Trong buổi làm việc mới đây giữa đoàn khảo sát thuộc Ban Văn hóa- Xã hội HĐND TP.HCM với UBND các quận, huyện về cơ chế thu và sử dụng học phí, nhiều hiệu trưởng đã “than trời” với những khó khăn mà trường mình đang đối mặt.

Hiện nay, theo định biên mà Bộ Nội vụ quy định với các trường học thì ngoài mức định biên GV từ 1,2 (học một buổi) - 1,5 (học 2 buổi) GV/lớp cho bậc TH, THCS là 1,9 GV/ lớp, THPT là 2,25 GV/ lớp… Ngoài ra, các trường còn có thêm biên chế thư viện, thiết bị trường học, văn phòng (văn thư, thủ quỹ, kế toán, thí nghiệm, y tế trường học…). Tuyệt nhiên không có định mức biên chế cho đội ngũ nhân viên như: bảo mẫu,  giám thị… Chính điều đó khiến không ít trường vì nhu cầu muốn tuyển dụng thêm các vị trí trên, đành phải lựa cách mà làm.

Cô Phạm Thị Huệ, hiệu trưởng trường THCS Bạch Đằng, Q.3 cho biết: Trường học giờ đây không chỉ đảm trách nhiệm vụ dạy chữ mà còn kiêm nhiệm thêm việc chăm sóc, nuôi trẻ. Do đó, với định mức thu học phí 30.000 đồng/tháng, 50.000 đồng cho học buổi hai hiện nay chỉ mới đáp ứng được những yêu cầu tối thiểu hàng ngày cho học sinh, không thể “đảm đương” các buổi ngoại khóa. Với trường có tổ chức bán trú (dạy 2 buổi/ngày) thì việc phải tuyển thêm các vị trí bảo mẫu, vệ sinh, bảo vệ, giám thị từ 1-2 người là chuyện bắt buộc. Tuy nhiên, do không có định biên nên các trường đều phải thỏa thuận với phụ huynh để trả lương cho các vị trí nhân sự trên. Biết như vậy là sai nguyên tắc nhưng không làm thế thì lấy đâu ra kinh phí để  tuyển nhân viên.

Ngoài việc khó khăn trong tuyển dụng các nhân viên hợp đồng thì việc phải đảm bảo các chế độ (BHYT, BHXH) và đồng lương không quá thấp cho đối tượng này cũng là một thách thức không nhỏ cho các trường. Không ít trường phải giữ chân nhân viên bằng mức đãi ngộ gần giống như một biên chế chính thức để họ không nghỉ việc. Cô Nguyễn Thị Kim Hương, hiệu trưởng trường TH Lạc Long Quân, Q.11 chia sẻ: “Thử nghĩ xem, trường tôi với hơn 1.500 học sinh, trong đó 40% học bán trú mà trường chỉ có một biên chế nhân viên vệ sinh, 2 biên chế thư viện và y tế trường học, thì làm sao đảm bảo điều kiện quản lý, chăm sóc? Đành phải linh hoạt từ chính nguồn thu phúc lợi. Tức là giảm chi phí mọi thứ có thể, thậm chí tiết giảm một ít phúc lợi của tập thể nhằm có được một nguồn dư đủ tuyển các vị trí trên. Tuy bị ít đi một chút phúc lợi, nhưng bù lại GV sẽ bớt cực hơn, công tác đảm bảo vệ sinh, an toàn cho học sinh được tốt hơn”.

Ngoài sự “lạc hậu” của mức học phí, định biên trường học không còn phù hợp, việc quy định nộp lại 40% nguồn thu học phí vào ngân sách cho việc chi trả tăng lương cho giáo viên khiến 60% nguồn thu còn lại không đảm bảo việc duy trì các hoạt động tối thiểu trong nhà trường. Thầy Võ Anh Dũng, hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Q.5 cho biết: Nói về nhân sự ngoài biên chế (định biên), trường tôi hiện có tới 32 người với quỹ lương hàng năm tròm trèm trên 1 tỉ. Để có tiền chi trả cho đội ngũ này, trường đã phải linh hoạt vận dụng nhiều hình thức như kêu gọi tài trợ từ các đơn vị, thành lập các trung tâm bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ,  tiết giảm các nguồn chi phúc lợi từ quỹ sự nghiệp…

Nhiều trường, từ nguồn đóng góp của phụ huynh, hợp đồng bác sĩ cho phòng Nha học đường
Nhiều trường, từ nguồn đóng góp của phụ huynh, hợp đồng bác sĩ cho phòng Nha học đườn

“CƠI NỚI” ĐỊNH BIÊN HAY TẠO HÀNH LANG PHÁP LÝ “THU CHI”?

Thực tế, tùy tình hình, điều kiện cụ thể của mỗi trường mà nguồn định biên các vị trí giám thị, vệ sinh, bảo mẫu… thấp hay cao. Nhưng có thể khẳng định, với thực tế hiện nay, trường nào cũng có nhu cầu tuyển thêm nhân sự các vị trí trên. Để tăng thêm định biên cho các vị trí trên trong điều kiện ngân sách khó khăn là điều không thể có trong một sớm một chiều. Vì thế nhiều hiệu trưởng thẳng thắn nêu rõ mong muốn: Sở GD&ĐT và Sở Tài chính cần có hướng dẫn, biểu mẫu thu chi theo từng trường chứ không nên đổ đồng như nhau. Đồng thời cho phép các trường được thu chi một số khoản ngoài quy định (tất nhiên được sự đồng ý của phụ huynh) nhằm đảm bảo tốt việc thực hiện chế độ và phúc lợi cho các vị trí tuyển dụng không có trong định biên.

Cô Phạm Thị Huệ chia sẻ: Ngân sách chúng ta hạn hẹp, để đáp ứng yêu cầu của các trường vào thời điểm này tôi e là khó. Vậy để tháo nút thắt thiếu định biên mà các trường đang gặp phải không cách nào khác là tìm sự chia sẻ từ nhiều phía (phụ huynh, doanh nghiệp…). Và để làm được điều đó, Sở GD&ĐT và Sở Tài chính, cao hơn nữa là cấp Bộ, cần ngồi lại với nhau để bàn thảo tạo một hành lang pháp lý cho các trường thực hiện.

Cô Nguyễn Thị Ánh Mai, hiệu trưởng trường THPT Võ Trường Toản, Q.12 cũng cho rằng: Với thực tế của nhà trường hiện nay, các định biên quy định như trước đã không còn phù hợp. Đặc biệt là với những trường đông học sinh, thực hiện mô hình bán trú rõ ràng là phải tuyển thêm cơ số nhân viên các vị trí đã nói. Cái khó ở đây là không thể “minh bạch hóa” nguồn thu để trả lương cho đội ngũ trên. Do đó, đã đến lúc Sở GD&ĐT cùng các ban, ngành liên quan cần nghiên cứu tìm ra một giải pháp tháo gỡ cho các trường. Mặt khác, khi có được cơ chế và hành lang pháp lý để các trường vin vào đó thực hiện, công tác tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ bảo mẫu sẽ dễ dàng hơn, tránh hiện tượng tuyển người tay ngang, thiếu các kỹ năng cần thiết trong chăm sóc trẻ như hiện nay.

Cô Phạm Thúy Hà, hiệu trưởng trường TH Nguyễn Văn Trỗi, Q.4 góp ý:  Thực tế hiện nay cho thấy, trường nào càng đẩy mạnh tỉ lệ bán trú thì nhu cầu tuyển dụng các vị trí bảo mẫu, nhân viên vệ sinh càng cao. Khi chưa được duyệt định biên, chẳng cách nào khác, các trường phải tự xoay kinh phí để tuyển dụng. Nguồn kinh phí ấy ở đâu ra nếu chẳng phải chủ yếu từ phía phụ huynh đóng góp, ủng hộ. Số trường có điều kiện cơ sở vật chất để cải thiện kinh tế, trưng dụng lại đội ngũ GV nghỉ hưu là không nhiều. Vì thế, rất nhiều GV đang giữ vai trò kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, thậm chí có GV phải làm nhiệm vụ… bảo mẫu! Thực tế ấy đòi hỏi ngành GD cần có nghiên cứu, sớm đưa ra các văn bản quy định về việc “nới” thêm biên chế để các trường thực hiện, đồng thời cần linh hoạt hóa các biểu thu theo quy định với từng khu vực, từng trường, nhằm tránh sự mất cân đối thu chi, mặt khác huy động được tiềm lực của xã hội cùng chung tay đóng góp cho sự phát triển của ngành.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, xét về các định biên trong trường học hiện nay mà Bộ Nội vụ quy định, chưa hề có định biên giám thị. Tuy nhiên, từ bức xúc và nhu cầu thực tế, Sở GD&ĐT TP.HCM đã tham mưu với UBND TP.HCM cho phép các trường học trên địa bàn có thể định biên thêm vị trí giám thị. Sự chủ động và linh hoạt trên không chỉ mang đến niềm vui, sự công bằng cho người đảm nhận vị trí trên mà còn giúp các trường tránh phải đối mặt với bài toán thiếu hụt nhân sự.

Nguyễn Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân cao huyết áp nên ăn ít muối. (Ảnh: ITN)

Những cách tự nhiên giúp hạ huyết áp

GD&TĐ - Khi già đi, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến huyết áp. Theo giới chuyên gia, chế độ ăn uống chắc chắn có hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.