Điều trị thành công sỏi niệu quản cho bệnh nhân đái tháo đường

GD&TĐ - Bệnh viện Nội tiết Trung ương vừa tiếp nhận nữ bệnh nhân C.T.N., 56 tuổi, trú tại Yên Mỹ, Hưng Yên trong tình trạng đường huyết cao, xuất hiện sỏi niệu quản trái cách đây 1 năm, đã điều trị nội khoa không đỡ, đau nhiều, tiểu buốt, tiểu rắt…

Bệnh nhân được phẫu thuật thành công.
Bệnh nhân được phẫu thuật thành công.

Bà N. cho biết, bà bị đái tháo đường đã 3 tháng nay kèm theo một số bệnh như: hen suyễn, huyết áp… Khi tới viện khám nghe phải mổ để điều trị dứt điểm sỏi niệu quản, bà luôn trong tình trạng lo lắng, bất an.

Do quá sợ đau nên bà không dám tới bệnh viện để mổ mà âm thầm quay về điều trị bằng thuốc tự mua từ đó cho đến nay. .

Người nhà của bệnh nhân cho biết: “Cô tôi bị đái tháo đường, suy tuyến thượng thận và sỏi niệu quản từ lâu nhưng không chịu điều trị. 2 ngày trước khi đi viện, cô tôi xuất hiện triệu trứng mệt mỏi, mặt nóng đỏ, huyết áp 130/80, lo lắng cho sức khỏe người thân, gia đình tôi bất đắc dĩ phải “nói dối” để đưa cô thẳng xuống viện. Chị P. cháu gái bà N. cho biết.

Tại Bệnh viện, qua quá trình thăm khám, bà được chẩn đoán suy tuyến thượng thận, đái tháo đường, sỏi niệu quản. Để điều trị, bà được chỉ định phẫu thuật nội soi tán sỏi niệu quản trái bằng tia laser.

Tuy nhiên, do còn mắc nhiều bệnh lý, đường huyết và huyết áp lại cao nên để đảm bảo thể trạng, bà được theo dõi, điều trị đái tháo đường, huyết áp và suy tuyến thượng thận trước khi bước vào ca phẫu thuật.

Chia sẻ về ca bệnh, ThS.BS Ngô Văn Bằng - khoa Ngoại chung, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết: Chúng tôi tiếp nhận ca bệnh trong tình trạng người bệnh mệt mỏi, lờ đờ, kích thước sỏi lớn 1,5x2cm, ứ nước, chúng tôi đã phải tiến hành mổ cấp cứu ngay lập tức.

Tuy nhiên, bệnh nhân lại luôn sợ hãi không dám mổ vì vậy mà chúng tôi đã phải làm công tác tư tưởng cho người bệnh trước và trong suốt quá trình thực hiện phẫu thuật.

Đối với những bệnh nhân mắc đái tháo đường lại kèm nhiều bệnh lý khác, kíp mổ thường phải hội chẩn 2 bên giữa khối Nội và Ngoại để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất cho người bệnh.

Có thể nói phương pháp tán sỏi niệu quản nội soi bằng lasrer rất tốt cho bệnh nhân bị đái tháo đường kèm suy tuyến thượng thận. Bởi những bệnh nhân bị đái tháo đường phải rất hạn chế mổ xẻ, do những vết thương khó lành hơn người bình thường.

Ngoài ra, phương pháp này giúp giảm thời gian nằm viện, khả năng hồi phục cao, nhanh và ít biến chứng hơn so với mổ bình thường. “Bệnh nhân sau mổ phục hồi thể trạng nhanh, sức khỏe tốt, sỏi đã được loại bỏ”, bác sỹ Bằng cho biết thêm.

Qua trường hợp ca bệnh trên, bác sỹ Bằng cũng khuyến cáo người dân, đặc biệt là người mắc đái tháo đường khi có bệnh cần đến những Bệnh viện chuyên khoa để được thăm khám và can thiệp kịp thời. Tránh chủ quan, tự ý điều trị tại nhà khiến bệnh nặng thêm, gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.