Trương Thị Yến (còn gọi là Trương Thị Hải Yến, 58 tuổi), trú tại phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội cùng em gái là Trương Thị Kim Dung (54 tuổi) và con trai là Mai Huy Thành (31 tuổi) vừa bị TAND TP Hà Nội xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền cả trăm tỷ đồng. Trước đó, tháng 3/ 2016, Yến đã bị TAND TP Hà Nội xử phạt 4 năm tù về tội trốn thuế.
Theo cáo trạng, năm 1996, Yến cùng vợ chồng anh trai và em rể góp vốn thành lập Trường tiểu học dân lập Phương Nam (viết tắt là Trường Phương Nam). Sau đó, ngôi trường này được mở rộng đào tạo liên thông lên đến cấp trung học phổ thông và Yến là người chịu trách nhiệm điều hành, quản lý toàn bộ trường học.
Trong quá trình hoạt động, Trường Phương Nam có thêm một số thành viên góp vốn và năm 2011 được giao sử dụng hơn 16.000m² đất tại phường Định Công, quận Hoàng Mai.
Trước đó, năm 2001, Dung và một số người thành lập Trường Mầm non tư thục Bình Minh (viết tắt là Trường Bình Minh). Từ năm 2008 đến 2009, Yến lần lượt thành lập hai doanh nghiệp là Công ty TNHH Tư vấn đầu tư phát triển giáo dục đào tạo Phương Nam (viết tắt là Công ty Phương Nam) và Công ty TNHH Tư vấn đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo Việt Anh (viết tắt là Công ty Việt Anh). Thực tế cả hai công ty này chỉ tồn tại về mặt hình thức vì không có bất kỳ hoạt động gì.
Ba bị cáo tại phiên xử.
Tháng 7/ 2010, mặc dù Thành không phải là thành viên góp vốn của Trường Phương Nam nhưng vẫn cùng Yến ký vào biên bản họp hội đồng thành viên về việc thành lập Công ty cổ phần Đầu tư phát triển giáo dục đào tạo Thành Sơn (viết tắt là Công ty Thành Sơn). Công ty Thành Sơn gồm ba thành viên là: Trương Thị Yến, Mai Huy Thành và Trương Thị Kim Dung với số vốn góp đăng ký lên đến 268 tỷ đồng.
Ngày 24/7/ 2010, Yến cùng Thành ký kết hợp đồng liên kết với nội dung sáp nhập toàn bộ cơ sở vật chất, bộ máy tổ chức và tài sản của Trường Phương Nam vào Công ty Thành Sơn nhưng lại không làm thủ tục để cơ quan thẩm quyền xác nhận. Trong khi ấy, thực tế các thành viên sáng lập ra doanh nghiệp này lại không hề góp vốn như đăng ký.
Quá trình quản lý, điều hành hệ thống Trường Phương Nam, Yến sử dụng danh nghĩa ngôi trường này để huy động vốn và vay tiền của rất nhiều cá nhân, tổ chức, trong đó có anh Bùi Thanh Sơn, ở quận Đống Đa. Yến đã vay của anh Sơn 20 tỷ 383 triệu đồng tiền gốc với lãi suất 10%-15% một tháng.
Năm 2010, anh Sơn nhiều lần yêu cầu Yến trả tiền nhưng không được. Không còn khả năng thanh toán, nữ chủ Trường Phương Nam nói với anh Sơn muốn bán cổ phần Công ty Thành Sơn và gán số cổ phần tương ứng với khoản nợ cho anh Sơn.
Biết Yến có chủ trương như vậy, anh Sơn nói lại cho gia đình em họ là anh Bùi Hoàng Linh biết. Khi gặp gỡ, gia đình anh Linh được Yến, Thành và Dung khẳng định Công ty Thành Sơn và Trường Phương Nam, Công ty Việt Anh và Trường Bình Minh là một. Nếu muốn mua hai trường học này thì phải mua hai doanh nghiệp tương ứng. Yến cùng người thân cung cấp cho gia đình anh Linh những tài liệu để chứng minh năng lực pháp lý của các doanh nghiệp.
Tin tưởng Yến và các tài liệu liên quan nên anh anh Linh đồng ý mua lại 51% cổ phần của Công ty Thành Sơn và 51% cổ phần của Công ty Việt Anh. Thực hiện việc mua bán công ty và các trường họ, gia đình anh Linh đã chuyển cho Yến và đồng phạm hơn 100 tỷ đồng và hơn 100 tỷ đồng còn lại các bên thống nhất anh Linh sẽ trả cho anh Sơn.
Tuy nhiên, sau khi trả tiền mua công ty và các trường học nhưng gia đình anh Linh vẫn không trở thành chủ nhân mới của các ngôi trường nêu trên.
Sau hai ngày xét xử vụ án này, HĐXX nhận thấy lời khai của bị hại, lời khai của bị cáo, lời khai của những người có quyền, nghĩa vụ liên quan và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án liên quan đến tiền bạc có nhiều mâu thuẫn. Điều này không thể làm rõ được tại phiên xử nên HĐXX đã ra quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung về số tiền thực mà bị hại đã bỏ ra để mua trường học và doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, HĐXX mới có thể xử phạt đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.