Điệu múa sạp gắn kết tình quân dân

GD&TĐ - Mỗi lần lên Tây Bắc, dù là Yên Bái, Sơn La hay Điện Biên…, chúng tôi vẫn thường được giao lưu cùng bà con dân bản, được nghe những làn điệu dân ca Thái ngọt ngào, say đắm… nhưng vui nhất, đặc sắc nhất là khi chúng tôi được chứng kiến các thiếu nữ Thái xinh xắn tay trong tay cùng vui điệu sạp cùng các chiến sĩ bộ đội…  

Điệu múa sạp  gắn kết tình quân dân

Bản Quân Chanh hết lòng vì bộ đội

Từ thị xã Nghĩa Lộ vào bản Quân Chanh khoảng hơn chục cây số, nhưng xe ô tô chỉ đi được khoảng già nửa đường thì phải dừng lại bởi không thể đi qua cây cầu treo vắt vẻo qua dòng suối xanh mát với cơ man nào là sỏi cuội… Đi bộ qua cầu treo khoảng ba kilomet nữa là đến bản Quân Chanh – một bản người Thái bình dị như bao bản làng khác ở Tây Bắc... Hùng Anh - cán bộ sở Văn Hóa tỉnh Yên Bái đã giúp chúng tôi tìm gặp được những bậc cao niên người Thái, họ là những nhân chứng của một thời mà bản Quân Chanh rộn rã câu hát tiếng cười, thắm thiết tình quân dân trong cuộc kháng chiến chống Pháp…

Ông Lò Văn Yên dân tộc Thái, người cao niên nhất bản năm nay đã 86 tuổi, bồi hồi nhớ về cái không khí rộn ràng ở bản ông. Với giọng nói trầm đều ông cho biết: Ngày đó, các gia đình người Thái ở bản Quân Chanh còn nghèo lắm, dưới những mái nhà sàn cũ nát là cuộc sống nghèo túng, tăm tối, cái bụng luôn không đủ no… Nghèo cái ăn cái mặc, nhưng dân bản không bao giờ nghèo tấm lòng và tinh thấn cách mạng. Sau khi giải phóng Nghĩa Lộ (18/10/1952), bộ đội chủ lực của quân khu Tây Bắc đã tập trung về bản Quân Chanh nghỉ ngơi, ổn định lực lượng chuẩn bị tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Thời đó, người dân bản Quân Chanh đã hết lòng ủng hộ, bao bọc, giúp đỡ bộ đội về nơi ăn chốn ở… Điển hình như gia đình ông Lò Văn Nối – nguyên Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn - đã trở thành Đại bản doanh của Quân khu Tây Bắc. Tôi nghe, ông Nối kể lại, thời gian bộ đội về bản Quân Chanh thì ông đang chiến đấu ở chiến trường Lào. Ở nhà, bố ông đã nhường ngôi nhà sàn mà cả gia đình đang ở cho bộ đội làm đại bản doanh. Đây cũng chính là ngôi nhà sàn mà Bảo tàng Yên Bái đã tiến hành khảo sát, công nhận di tích lịch sử văn hóa…

Ông Yên nhớ lại, ngày đó, khi về đóng quân ở đây, bộ đội đã làm thay đổi không khí của bản Quân Chanh. Dẫu còn rất khó khăn về vật chất nhưng một không khí vui tươi náo nức tràn ngập bản làng, ai ai cũng hân hoan, phấn khởi… Tình quân dân cá nước ngày càng khăng khít, thắm thiết, các cuộc liên hoan, giao lưu văn nghệ giữa bộ đội và dân bản diễn ra ngày càng thường xuyên hơn với mục đích làm phong phú hơn đời sống tinh thần…

Điệu múa sạp gắn kết tình quân dân

Ngày đó dân bản và bộ đội hay giao lưu văn nghệ và điệu múa sạp của người Thái luôn là chủ để chính của mỗi cuộc giao lưu. Từ điệu múa sạp cổ truyền của người Thái, qua những buổi giao lưu, sinh hoạt văn nghệ đó mà bộ đội và dân bản Quân Chanh đã sáng tạo ra một điệu múa sạp mới hết sức độc đáo – điệu múa mà ngày nay đã lan tỏa khắp cả cộng đồng người Thái vùng Tây Bắc…Có thể nói rằng, điệu múa sạp đã gắn kết tình quân dân thêm bền chặt.

Nói về điệu múa sạp mới do bộ đội và dân bản sáng tạo ra, ông Lò Văn Yên cho biết: Điệu múa sạp mới là điệu múa hết sức độc đáo, nó độc đáo ở ba yếu tố:

Thứ nhất, đó là điệu múa mới, được ra đời từ tình quân dân thắm thiết, bộ đội và dân bản Quân Chanh cùng phát triển và sáng tạo ra trong quá trình giao lưu, sinh hoạt văn nghệ.

Thứ hai, nó là điệu múa mà dụng cụ vũ đạo cũng chính là nhạc cụ, hai cây làm đà và tám cây (bốn cặp) dùng để gõ nhịp đều làm bằng tre, nứa. Khi bốn cặp tre được tám người ngồi hai bên gõ nhịp xuống hai cây đà bên dưới, nó vừa tạo ra nhịp vừa chính là nhạc nền cho người múa (khi không sử dụng nhạc ngoài).

Thứ ba, nhạc nền cho điệu múa lại là nhạc hiện đại (sòn sòn, sòn đô sòn, sòn sòn, sòn đô rê…). Ông Yên nói rằng, đó là giai điệu mà bộ đội áp dụng vào, chứ nó không phải là giai điệu truyền thống của người Thái. Bằng chứng là giai điệu của múa xòe truyền thống của người Thái khác hẳn với múa sạp…

Điệu múa sạp được đồng bào dân tộc và bộ đội yêu thích

Ngay sau khi ra đời, múa sạp mới đã ngay lập tức được đồng bào dân tộc và các đơn vị bộ đội đón nhận một cách nhiệt tình và sau đó nó đã lan tỏa nhanh chóng khắp cả vùng Tây Bắc. Sở dĩ, múa sạp lan tỏa nhanh chóng là bởi trong nó vừa có cả nhịp điệu truyền thống của người Thái vừa có âm nhạc hiện đại mà bộ đội đưa vào.

Múa sạp cũng rất dễ tổ chức, chỉ cần một khoảng đất bằng phẳng hay một sàn nhà sàn rộng rãi là có thể từng đôi, từng đôi, tay trong tay rộn ràng điệu sạp, tre nứa ở Tây Bắc lại càng rất sẵn nên rất thuận lợi cho việc chuẩn bị đạo cụ… Ngoài ra, múa sạp cũng tạo ra cái không khí hết sức vui tươi và nhộn nhịp nên được đông đảo mọi người yêu thích...

Ông Lò Văn Yên cho rằng, múa sạp đã thể hiện được cái tình quân dân rất thắm thiết, ngày xưa chỉ có trai gái trong bản múa hát với nhau thôi. Từ khi có bộ đội về bản và cùng nhau sáng tạo ra điệu múa sạp mới thì hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ khỏe mạnh trong bộ quân phục nắm tay cô gái Thái xinh đẹp cùng rộn ràng điệu sạp đã trở thành một biểu tượng của tình quân dân thắm thiết – nhân tố quyết định làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ...

Từ bản Quân Chanh, theo thời gian, điệu múa sạp ngày càng được nâng cao về mặt kỹ thuật, vũ đạo, nhạc nền, đạo cụ, phục trang... Những người có đóng góp rất lớn trong việc đưa nhạc nền vào múa sạp là hai nhạc sĩ Sao Mai và Đỗ Nhuận.

Sau này, khi miền Bắc đã hoàn toàn giải phóng, các Đoàn ca múa Trung ương và Quân đội bắt đầu có điều kiện đi giao lưu, biểu diễn tại các nước anh em bạn bè trên thế giới và mỗi chuyến đi như thế đều không thể thiếu tiết mục múa sạp. Không khí hào hứng, nhịp điệu thanh thoát, uyển chuyển, đạo cụ độc đáo... của tiết mục múa sạp đã luôn thu hút được đông đảo người xem ở các nước...

Ngày nay, điệu múa sạp đã trở nên rất phổ biến ở Tây Bắc và nhiều vùng khác trong cả nước. Thế nhưng ký ức khó phai về điệu múa này luôn hiện hữu trong tôi mỗi khi nhớ về bản Quân Tranh, nhớ về Tây Bắc... khi được đến thăm các bản làng nơi có các doanh trại bộ đội đóng quân, thể nào tôi cũng được dự đêm giao lưu múa sạp cũng các chiến sĩ và đồng bào nơi đây.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ