(GD&TĐ) - Hỏi: Chồng tôi là giáo viên tiểu học ở Hà Nội. Trên đường đi nhận quyết định nhiệm vụ làm giáo viên biệt phái thì bị tai nạn giao thông, gây chấn thương sọ não, sau đó 20 ngày thì bị chết. Do khi bị tai nạn, gia đình không báo để Công an đến lập hồ sơ hiện trường vụ tai nạn, nên gia đình hiện không có hồ sơ, nhưng có người làm chứng. Vậy xin được hỏi chuyên mục Hộp thư bạn đọc, trường hợp của chồng tôi có được hưởng trợ cấp tai nạn lao động không? – Hồ Xuân Phương – Hà Nội (hoxuanphuong@gmail.com)
* Trả lời:
Theo Khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm Xã hội quy định về điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động như sau:
a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc;
b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động;
c) Trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;
Ngoài ra, pháp luật về BHXH hiện hành quy định người lao động đang làm việc bị chết do tai nạn lao động hoặc bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn lao động thì thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 tháng lương tối thiểu chung và hưởng chế độ tử tuất theo quy định. Hồ sơ hưởng chế độ tử tuất đối với đối tượng này, gồm:
- Sổ BHXH
- Giấy chứng tử hoặc giấy báo tử
- Tờ khai của thân nhân người chết
- Biên bản điều tra tai nạn lao động (trường hợp tai nạn giao thông được xác định là tai nạn lao động thì kèm theo bản sao Biên bản tai nạn giao thông hoặc Biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường vụ tai nạn).
Căn cứ vào các quy định trên và theo thư bạn viết, trường hợp của chồng bạn do chưa có đủ hồ sơ để làm cơ sở xem xét giải quyết chế độ BHXH chết do tai nạn lao động đối với người lao động nên về nguyên tắc chưa đủ điều kiện để xét hưởng chế độ. Để đảm bảo quyền lợi chính đáng và thủ tục hưởng các chế độ BHXH đối với chồng bạn, bạn cần liên hệ và làm việc trực tiếp với đơn vị sử dụng lao động nơi chồng bạn đã làm việc trước khi bị tai nạn.
GD&TĐ Online