Điều kì diệu

Điều kì diệu

(GD&TĐ) - Cái xóm nhỏ miền núi xôn xao khi có một cô giáo trẻ về dạy học. Đó là cô giáo Thủy. Tốt nghiệp sư phạm tiểu học, cô Thủy được phân công về dạy lớp 3A.

Lớp 3A của tôi có Tư vốn nổi tiếng nghịch ngợm, hay quậy phá, ngỗ ngược. Là con út nên được chiều chuộng từ bé, càng lớn  Tư càng ngang ngược khó bảo. Mọi người trong xóm cứ nhìn thấy nó từ xa là đóng cửa. Hễ ai có nói gì là nó nhổ bọt chửi bậy. Bố mẹ và các anh chị của Tư cũng đã quen với việc thỉnh thoảng lại có người đến tố cáo tội của nó hoặc bắt đền tiền vì nó đã gây thiệt hại cho người ta. Không biết rồi thằng Tư còn lập nên những "chiến công" gì nữa nếu không có sự xuất hiện của cô Thuỷ.

Trước khi nhận lớp, cô Thủy đã trao đổi với cô giáo chủ nhiệm năm trước và được biết Tư bị liệt vào diện học sinh cá biệt: "Không ai muốn dây với nó, tốt nhất là em nên cho nó ngồi một mình một bàn và đừng bao giờ kiểm tra sách vở vì cứ nhìn thấy cái đống hỗn độn ấy là mất hết tinh thần, không muốn dạy dỗ gì nữa..." - cô giáo năm trước chân thành giãi bày. Nhưng cô Thuỷ đã không làm như vậy, cô lập tức lên kế hoạch kèm cặp những học sinh yếu kém, trong đó cô đặc biệt quan tâm đến Tư. Cô tìm hiểu khá kĩ về hoàn cảnh gia đình Tư. Nhà tôi và Tư ở cạnh nhau nên có việc gì cô đều nhờ tôi để ý Tư. Cả cái xóm nhỏ của tôi ai cũng nghĩ rằng Tư là đứa hư hỏng, tôi gần gũi Tư là điều không tốt. Và mọi người thầm nghĩ việc cô Thủy làm chắc không mang lại hiệu quả như mong muốn.

Lần đầu tiên bước vào lớp, cô sắp xếp lại chỗ ngồi. Cô không cho Tư ngồi một bàn mà cho tôi - lớp trưởng ngồi cùng bàn với Tư.  Cô dành thời gian kèm cho Tư rèn chữ và làm toán. Cô phát hiện ra một điều là Tư làm Toán rất nhanh, nhưng chỉ phải cái tính hậu đậu nên hay bị sai còn chữ viết thì thật là ẩu. Cô còn mời bố mẹ của Tư đến trường để cùng bàn cách dạy dỗ. Ban đầu bố mẹ Tư không mấy tin tưởng vào sự phối hợp này vì đã quá chán với tình hình của nghịch tử nhà mình nhưng rồi thấy con tiến bộ từng ngày nên ông bà cũng năng liên lạc với cô giáo hơn. 

Như một điều kì diệu, Tư đã biết soạn sách vở mỗi khi đến lớp, đã bớt nghịch ngợm hơn, lại còn được cô giáo cho tham gia vào đội cờ đỏ của lớp và thật lạ lùng là nó đã thực hiện nhiệm vụ của mình một cách nhiệt tình. Từ chỗ không ai chơi với Tư thì nay Tư đã có nhiều bạn, đã biết chơi những trò chơi tập thể vui nhộn. Có lẽ người vui nhất vẫn là bố mẹ Tư và người đã âm thầm làm nên điều kì diệu đó là cô Thuỷ. Cô đã mất bao nhiêu thời gian để làm thay đổi từng ly từng tí một bản chất của cậu bé. Tình yêu thương và phương pháp giáo dục học sinh đúng đắn của cô đã cảm hoá được Tư, cô như người phù phép làm thay đổi tính cách của nó một cách diệu kì. 

Thời gian qua nhanh, lớn lên mỗi đứa đi lập nghiệp ở một phương trời khác nhau, nhưng dù đi đâu về đâu tôi luôn nhớ về cô giáo Thủy. Tôi và Tư giờ thường xuyên liên lạc với nhau, chúng tôi vẫn  thăm cô mỗi khi có dịp về quê. Ngồi với cô, có thể nghe hằng giờ thông tin về những đứa bạn đã nhiều năm không gặp, vẫn nụ cười rất hiền, cười cả bằng ánh mắt, cô ân cần hỏi han về gia đình về cuộc sống, cô an ủi khi chúng tôi gặp những khó khăn trên đường đời, cô vui mừng chia vui khi chúng tôi thành đạt và có một gia đình đầm ấm.

Hè năm ngoái, chúng tôi lại về ngôi trường cũ, vẫn còn đó nét rêu phong dày lên theo năm tháng,  kỷ niệm vẫn còn nguyên vẹn, nhưng cô đã không còn để chúng tôi ghé thăm. Lặng đi trong nỗi đau, chúng tôi hiểu rằng điều kì diệu làm hành trang để chúng tôi khôn lớn, trưởng thành chính là tình yêu thương và lòng nhân ái của cô. Hành trang ấy sẽ theo chúng tôi đi suốt cuộc đời.

Mã số: 670

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.