Điêu khắc ngoài trời: Có loay hoay chạy theo thị hiếu?

GD&TĐ - Nhiều năm qua khi nói tới các công trình điêu khắc ngoài trời tại Việt Nam thì hầu hết các nhà chuyên môn đều chung nhận xét: đơn điệu, trùng lặp và thiếu sự mới mẻ bứt phá. Hướng đi nào cho điêu khắc ngoài trời trong thời kỳ hội nhập dường như vẫn là băn khoăn, ẩn số chưa có lời giải đáp.  

Điêu khắc ngoài trời:  Có loay hoay chạy theo thị hiếu?

Không thiếu nhưng lại yếu

Cũ và trùng lặp, đơn điệu, tẻ nhạt... là những gì cảm nhận được ở hầu hết công trình điêu khắc ngoài trời ở ta hiện nay. Đa số các nhà phê bình cũng cho rằng, việc quy hoạch kiến trúc ở các đô thị Việt Nam đã bỏ quên sự hiện diện cần thiết của các công trình, tác phẩm điêu khắc ngoài trời. Sự không ăn nhập và khập khiễng giữa các công trình điêu khắc ngoài trời và cảnh quan đô thị vẫn là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm nói mãi”. Nhà phê bình Lê Quốc Quân đã từng chỉ thẳng ra ví dụ “Trên quốc lộ 1A ta bắt gặp nhiều công trình đứng bơ vơ giữa trời đất, không có công viên, cây xanh, không lối vào mà chỉ thấy một rừng cỏ...”.

Lý thuyết chung của giới mỹ thuật vẫn biết tới đó là: Thành công của tượng đài 50% là ở quy hoạch không gian bao quanh, 25% khối hình tượng đài và 25% là chất liệu hình khối điêu khắc. Song trên thực tế, nhiều tượng đài đang bị các công trình xây dựng mọc lên san sát chực nuốt chửng, hoặc bị trưng dụng làm nơi họp chợ. Nhiều công trình quá nhỏ bé, kích thước không phù hợp, lọt thỏm giữa không gian mênh mông sông núi”. Tượng đài Việt Nam cũng bộc lộ nhiều khiếm khuyết, yếu kém, đặc biệt là chất lượng xây dựng hạ tầng và khâu thể hiện chất liệu của các làng nghề như đúc đồng.

Việc tổ chức các trại sáng tác, điêu khắc cũng đã bộc lộ nhiều mặt bất cập, việc mời tác giả dự trại còn mang tính phong trào dẫn đến có không ít tác giả yếu kém về tay nghề, chất lượng nghệ thuật chưa cao. Nhiều NĐK so sánh, cũng là ngôn ngữ tạo hình không cần đến phiên dịch như hội hoạ nhưng điêu khắc lại nặng nề, ì ạch và loay hoay với những công trình tượng đài, cho đến sau đổi mới, ngành điêu khắc vẫn tiếp tục dồn nén đến mức... ức chế.

Bên cạnh các tác phẩm kinh điển như Chùa Một cột, Tháp Chàm, nhiều người trong giới mỹ thuật không lý giải nổi sự tồn tại hiên ngang một cách bất hợp lý của rất nhiều tượng đài ở khắp các thành phố từ Nam ra Bắc. Các họa sĩ còn chỉ ra “bệnh” kinh niên của hệ thống tượng đài đó là quá ít đề tài, ít phong cách, trùng lặp về mô tuýp, dẫu nhiều mà vẫn có cảm giác như đều cùng từ một lò điêu khắc mà ra. Phải chăng sự nghèo nàn về phong cách, đề tài đó thể hiện lối tư duy sáng tác tượng đài ở các NĐK của ta quá cũ, lỗi thời, tả thực...Và phải chăng từ thực trạng điêu khắc ngoài trời ở ta hiện nay cũng một phần xuất phát từ sự can thiệp quá sâu, đôi khi mang tính duy lý của một số nhà đầu tư. Họ đặt ra những khuôn mẫu, công thức cho chủ đề mang tính văn học, cộng với sự thiếu trách nhiệm của hội đồng nghệ thuật đã biến tác giả điêu khắc trong nhiều trường hợp từ chủ thể sáng tạo trở thành công nhân thể hiện các yêu cầm mang tính áp đặt của chủ đầu tư. Khi vai trò cá nhân của tác giả thiếu bản lĩnh, chỉ kiếm ăn, làm tay sai cho chủ đầu tư, không ghi được dấu ấn cá nhân thì đương nhiên khó tránh khỏi điều tất yếu là mô hình tuợng đài kiểu: “công- nông- binh không đeo kính, còn trí thức thì phải đeo kính” lặp lại trên cả nước.

Nhiều NĐK còn tỏ ra bức xúc khi tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, Huế có khá nhiều vườn tượng nhưng hiệu quả thẩm mỹ và tác dụng mà các công trình này mang lại vẫn là điều khiến người trong cuộc quan tâm. Phản đối mô hình vườn tượng, họ cho rằng mỗi bức tượng cần có một không gian riêng để phô bày vẻ đẹp tổng thể của nó, đằng này tại các vườn tượng, cứ cách 5-6m, người ta lại bày một cái, cứ như là các gian hàng thủ công mỹ nghệ cỡ lớn.

Tìm một hướng đi

Theo thống kê, sau gần 50 năm xây dựng, cả nước có hơn 361 công trình tượng đài. Hai địa phương có nhiều công trình nhất là Hà Nội, TP.HCM, cả nước có 5 tỉnh không có công trình tượng đài nào và 3 tỉnh chỉ có 1 công trình. Nhìn vào con số này cho thấy, số lượng chưa hẳn đã là quá nhiều song trong số hàng trăm công trình tượng đài trên cả nước vấn đề gây bức xúc dư luận và đau đầu giới chuyên môn vẫn là “kiểu dáng”.

Hiến kế cho ngành điêu khắc ngoài trời, các nhà điêu khắc và chuyên môn đều chung nhận định: để bước sang được một giai đoạn phát triển mới, điêu khắc Việt Nam nên phát triển với quy mô nhỏ nhưng tinh tế và chất lượng nghệ thuật cao. Các dự án điêu khắc ngoài trời cũng cần được hướng tới những vấn đề của văn hoá cộng đồng, điêu khắc kết hợp với kiến trúc đô thị, kiến trúc dân sinh, trung tâm văn hoá cộng đồng cũng như cần thiết khai thác các cụm điêu khắc nhỏ về đề tài danh nhân văn hóa, lịch sử. Không chỉ thế, muốn có những công trình tượng đài đạt chất lượng cao về nội dung và thẩm mỹ thì cần có sự phối hợp đồng bộ từ TW tới địa phương; phối hợp từ khâu đào tạo, xây dựng, quy hoạch, kiến trúc đến các hội, xưởng, các chuyên ngành và từng tác giả. Tránh tình trạng bất đồng ý kiến dễ dẫn tới “loạn” hướng khi đặt các công trình.

Một ví dụ điển hình, trong hội thảo bàn về phương án tu bổ tôn tạo di tích gò Đống Đa sau 20 năm xây dựng đã có không ít ý kiến trái chiều xung quanh việc tu bổ, sửa chữa, quay hướng tượng đài Quang Trung hay không từ các nhà khoa học. Có ý kiến từ một nhà sử học cho rằng tượng vua Quang Trung là một trong số ít tượng đài đẹp của Hà Nội nhưng chất liệu không tốt, cũng như quy hoạch ở đây còn có phần lỡ dở và quan trọng hiện nay là vị trí đặt tượng, có thể xoay tượng ra một vị trí khác... và đề xuất chỉnh trang lại tượng bằng chất liệu bền vững hơn. Đồng thời nghiên cứu lại vị trí đặt tượng theo hướng nhìn thẳng ra đường Đặng Tiến Đông, tạo điểm nhấn giữa đền thờ Quang Trung sẽ được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống... Thế nhưng không ít ý kiến lại chỉ tán thành phương án giữ nguyên hiện trạng tượng đài. Lý do bởi tượng đang yên ổn, thanh bình, hà cớ gì mà phải thay đổi...

Rõ ràng, việc coi trọng kiến trúc, coi nhẹ mỹ thuật... cũng dẫn tới tình trạng dựng tượng không phù hợp với không gian, thiếu phông, cảnh hay trơ trọi giữa ngã ba, ngã tư... đường phố vô vàn khẩu hiệu, đèn hoa giăng kín mà các tượng trang trí công viên, sản phẩm của trại sáng tác điêu khắc thì không có chỗ đặt, bị dồn vào góc nào đó. Chính vì vậy, các nhà chuyên môn đã chỉ ra cần dừng ngay việc xây mới ồ ạt, các tượng đài kiểu cũ, giống nhau tràn lan quy mô quá lớn lãng phí, không hiệu quả, gây tham nhũng. Thay vì xây mới, cần tổng kết và đánh giá lại những gì ta đã có. Bên cạnh đó, cần tìm tòi các hình thức tưởng niệm mới phù hợp với truyền thống và việc thuê các nhà thiết kế nước ngoài cũng là một giải pháp đáng được lưu tâm.

Trong thời gian tới điêu khắc ngoài trời Việt Nam có lật sang một trang mới hay không đang là bài toán không dễ giải của ngành mỹ thuật Việt Nam.Và ở đó đòi hỏi phải có sự phối hợp tích cực của nhiều cấp ngành nói chung và ý thức nghề nghiệp của người nghệ sĩ nói riêng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ