Điều chuyển giáo viên không thể “theo cơ học”

GD&TĐ - Năm học 2017 - 2018, theo yêu cầu của cấp trên, trường tôi thuộc diện phải làm danh sách điều chuyển giáo viên vì giáo viên dôi dư hơn chục người. Giáo viên thuộc các nhóm, tổ chuyên môn có dôi dư tất nhiên đều lo lắng, bất an, chạy đi hỏi han đủ chỗ. Ban Giám hiệu chúng tôi thì đau đầu, căng thẳng trong bàn bạc, tìm tòi các phương án, tiêu chuẩn phù hợp nhất.  

Công tác điều chuyển giáo viên phải được thực hiện hài hòa và được sự đồng thuận của tập thể
Công tác điều chuyển giáo viên phải được thực hiện hài hòa và được sự đồng thuận của tập thể

Họp hành, bàn thảo triền miên cả tháng trời, cuối cùng trường chúng tôi cũng thống nhất được phương án, các tiêu chuẩn để đánh giá, quy ra điểm số, xếp hạng. Chúng tôi được biết, một số trường bạn còn gặp khó khăn hơn nhiều so với trường tôi trong việc xét điều chuyển giáo viên.

Thầy cô giáo mỗi người một ý, còn lãnh đạo nhà trường cũng loay hoay, lúng túng, không thống nhất được trong một thời gian khá dài. Danh sách giáo viên dôi dư được gửi lên từ năm ngoái, nhưng do các trường THPT toàn tỉnh đều trong tình trạng dư thừa cả nên cấp trên cũng chưa thể sắp xếp, điều chuyển được trường hợp nào.

Mấy năm nay, Phòng GD&ĐT TP Quảng Ngãi từng làm việc điều chuyển, sắp xếp, cân đối lại giáo viên bậc tiểu học và THCS trên địa bàn thành phố. Có giáo viên thì vui vẻ đi đến trường mới, có giáo viên thì giãy nảy không chịu đi; nhà trường, tổ chức phải vận động, nói to, nói nhỏ hết lời mới thông suốt.

“Trường mới cách xa nhà so với trường cũ chỉ chưa đầy một cây số, vẫn trong nội thành, giao thông đi lại thuận tiện, thế mà một số cô giáo chạy tới chạy lui nhà tôi nhiều lần, khóc lóc, kể lể khó khăn đủ thứ làm tôi thật sự buồn lòng về tư tưởng nặng nề chuyện đi - ở của họ” - một vị lãnh đạo TP Quảng Ngãi từng chia sẻ như thế tại hội nghị tổng kết ngành GD của thành phố.

Công tác tổ chức cán bộ, công chức, viên chức luôn luôn là vấn về nan giải, phức tạp, vì đụng chạm đến lợi ích sát thực của từng cá nhân con người. Tất cả thầy, cô giáo đều mong muốn có chỗ làm việc, trường lớp ổn định, thuận tiện cho gia đình mình.

Có nhiều giáo viên gắn bó cả đời dạy học với một ngôi trường và không có tư tưởng “ xê dịch” đi đến trường khác. Nhưng trước thực trạng trường, lớp giáo viên thừa - thiếu cục bộ (do sĩ số HS thay đổi; do công tác dự báo, quy hoạch, sử dụng giáo viên thiếu hợp lý…) ở nhiều nơi thì buộc cấp trên, nhà trường phải tính toán, sắp xếp lại cho hợp lý.

Để việc làm điều chuyển giáo viên được thuận lợi, hợp tình, hợp lý, các giáo viên đi đến trường khác thoải mái, nhẹ nhàng, thông suốt về tư tưởng, các Sở, Phòng GD&ĐT và lãnh đạo nhà trường cần làm tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền; các văn bản quy định tiêu chuẩn cần cụ thể, rõ ràng, công khai; họp bàn, soi xét mọi trường hợp một cách kỹ lưỡng, công tâm, nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của mọi người.

Mới đây, Bộ GD&ĐT đã có công văn đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp thực hiện rà soát, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên THCS và THPT được điều chuyển dạy mầm non và tiểu học trong thời gian tới. Bộ GD&ĐT cho biết, thời gian qua vẫn còn một số địa phương làm chưa tốt công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, gắn đào tạo, bồi dưỡng với tuyển dụng và bố trí, sử dụng.

Việc này dẫn đến tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, thừa giáo viên THCS, THPT nhưng thiếu giáo viên mầm non, tiểu học. Một số địa phương đã điều chuyển giáo viên THCS, THPT dạy tiểu học và mầm non khi chưa được đào tạo, bồi dưỡng đạt tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học theo quy định làm ảnh hưởng đến chất lượng GD.

Nhằm khắc phục bất cập này, Bộ GD&ĐT đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp đẩy mạnh công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp, gắn với quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên các cấp học phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ