Theo Quyết định số 1588/QĐ-TTg ngày 9/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ, Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân sông Đà, tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2009 - 2015 được thực hiện tại 36 xã, phường thuộc 5 huyện (Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, Cao Phong, Kim Bôi) và thành phố Hoà Bình, trong đó: 26 xã, phường nằm trong vùng hồ sông Đà; 10 xã ngoài vùng hồ sông Đà trực tiếp đón nhận và bố trí tái định cư hộ dân vùng hồ sông Đà.
Quyết định vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành đã điều chỉnh phạm vi, mục đích, thời gian thực hiện Đề án trên. Theo Quyết định mới, Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân sông Đà, tỉnh Hòa Bình sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2009 - 2020 thay vì chỉ đến năm 2015.
Phạm vi Đề án cũng được mở rộng hơn, áp dụng cho 40 xã, bao gồm: 36 xã, phường thuộc Đề án cũ và 4 xã bổ sung, gồm: Yên Nghiệp (huyện Lạc Sơn), Bảo Hiệu (huyện Yên Thủy), Đồng Tâm (huyện Lạc Thủy), Mỹ Hòa (huyện Kim Bôi).
Đảm bảo ổn định nơi ở của nhân dân
Mục tiêu chung của Đề án là đảm bảo ổn định nơi ở của nhân dân, nâng cao đời sống và thu nhập cho nhân dân, đảm bảo không còn hộ có nguy cơ tái đói, giảm tỷ lệ hộ nghèo bằng mức bình quân chung của tỉnh; chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm dần tỷ lệ lao động trực tiếp sản xuất nông nghiệp, tăng tỷ lệ lao động được đào tạo nghề ở nông thôn; đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong vùng theo tiêu chí nông thôn mới; nâng tỷ lệ độ che phủ rừng, đảm bảo chức năng phòng hộ cho hồ thủy điện Hòa Bình, bảo vệ môi trường sinh thái; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2020 là hoàn thành công tác di dân ra các điểm khu tái định cư tập trung (khoảng 300 hộ) và ổn định dân cư xen ghép tại các xóm, bản thuộc các xã vùng hồ (khoảng 1.200 hộ); phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, thay đổi cách thức tổ chức sản xuất theo hướng tập trung, đẩy mạnh công nghiệp hóa và áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng giảm giá thành sản phẩm.
Đề án phấn đấu tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ đạt từ 20 - 25% trong cơ cấu kinh tế các xã vùng hồ; tạo điều kiện để người dân tiếp cận được các dịch vụ sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm; giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp xuống còn 60% trong lao động xã hội, tăng tỷ lệ lao động được đào tạo nghề lên 40% trong nông thôn; xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm phát triển bền vững cho nhân dân vùng hồ theo tiêu chí nông thôn mới...
Huy động các nguồn vốn phát triển sinh kế bền vững
Để đạt được các mục tiêu trên, Đề án sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp về di dân, tái định cư; đầu tư phát triển sản xuất; xây dựng cơ sở hạ tầng...
Trong đó, Đề án sẽ tập trung di chuyển các hộ dân trong vùng Đề án có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét đến khu tái định cư tập trung và tạo điều kiện cho các hộ có đất ở, đất sản xuất đảm bảo đời sống lâu dài, bền vững; di giãn các hộ dân từ nơi đông dân cư, nơi có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét đến xen ghép với các điểm thưa dân có đủ đất ở, sản xuất và hệ thống cơ sở hạ tầng vững chắc, ổn định.
Bên cạnh đó, sẽ tập trung huy động các nguồn vốn để phát triển sinh kế bền vững như: Trồng rừng sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông và trên hồ theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa...
Tổng nhu cầu vốn đầu tư của Đề án điều chỉnh là 4.053,256 tỷ đồng.