Điều cần nói về kỹ năng đứng lớp của người thầy

GD&TĐ - Hôm nay 5/4, khi trên mặt báo tràn lan các thông tin về việc cô Nguyễn Thị Minh Hương, giáo viên chủ nhiệm lớp 3A5, Trường Tiểu học An Đồng, xã An Đồng, Hải Phòng đã phạt một nữ sinh trong lớp nói chuyện riêng bằng cách bắt uống nước giẻ lau bảng, sự việc khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng.

Điều cần nói về kỹ năng đứng lớp của người thầy

Nhớ lại, có nhiều vụ việc giáo viên phạt học sinh bằng những hình phạt thiếu lòng nhân ái, để lại những vết thương lớn của ngành sư phạm, là tấm gương xấu ảnh hưởng tới học sinh.

Mới đây thôi vụ việc gây xôn xao trong dư luận xảy ra ở Trường Tiểu học (TH) Bình Chánh (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) khi cô giáo phạt học sinh quỳ cả một tiết học chưa bớt nguội. Từ việc phạt này, đã dẫn đến chuyện hành xử của vị phụ huynh theo kiểu "ăn miếng trả miếng" là đến trường bắt cô giáo quỳ xin lỗi thì mới tha.

Sự việc đúng sai đã quá rõ ràng, không ai đồng tình với cách hành xử của vị phụ huynh. Nhưng sau vụ việc, dư luận cũng lên tiếng mạnh mẽ cách xử lý đối với học sinh của cô giáo.

Dư luận hẳn vẫn chưa quên sự việc xảy ra vào cuối năm 2013 khi một giáo viên dạy môn mỹ thuật, sau 2 tuần vào Trường tiểu học Liên Minh Công Nông, huyện Củ Chi, TP.HCM làm giáo viên chủ nhiệm lớp 2 vì học sinh không nghe lời đã phạt 11 em lần lượt truyền nhau ngậm giẻ lau bảng.

Theo lời kể của cô giáo, mỗi lần cô quay lên bảng viết bài thì các em học sinh ngồi dưới nói chuyện và làm ồn, rất mất trật tự, cô đã nhắc nhở mà không được nên đã bức xúc phạt các em.

Một hành vi phản giáo dục gây chấn động dư luận khác vào năm 2014, chỉ vì bực tức học sinh không học bài và nói chuyện riêng trong lớp nên 3 giáo viên Trường Tiểu học Hoàng Diệu (Bình Phước) đã phạt 19 học sinh của mình phải ăn ớt.  

Sự việc đáng tiếc đối với ngành giáo dục khi thầy giáo phạt trò bằng roi mây trong lớp cải thiện kiến thức của học sinh từ lớp 7 lên lớp 8 năm 2012 tại Trung tâm bồi dưỡng kiến thức cấp II ở thành phố Thái Nguyên của thầy Phạm Minh Tuấn.

Vì quan điểm rằng” thương cho roi cho vọt” nên thầy giáo Tuấn đã chọn cách phạt là lấy roi mây đánh mạnh trực tiếp vào người các em học sinh khi học sinh không thuộc bài hoặc làm bài dưới điểm 5. Đặc biệt, thầy Tuấn cho rằng, hành động này được nhiều phụ huynh biết và đồng ý.

Cũng giống như trường hợp của thầy Tuấn, cô Tr ở Tiền Giang chọn sử dụng hình phạt “đổi roi lấy điểm” đối với học sinh lớp 9 vào năm 2016 và cô Tr còn khẳng định mình lấy thước kẻ đánh học sinh là không sai, vì phụ huynh cho phép đánh học sinh.

Và cũng năm 2016, một cô giáo thừa nhận vì tính nóng nảy và không kìm chế được nên đã đánh nhiều học sinh, nặng nhất là khiến học sinh Thủy học lớp 1 trường tiểu học xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát (Lào Cai) bị tổn thương ở mắt, gò má, khuôn mặt có nhiều vết bầm tím...

Để liệt kê thì còn rất nhiều vụ bạo hành học sinh khiến xã hội bức xúc. Tuy nhiên, điều đáng nói qua các vụ việc, trong bản kiểm điểm của các thầy cô giáo đều thừa nhận hành động của mình là sai, nhưng lý do đều bởi do bức xúc học sinh không nghe lời, vì răn dạy học sinh mà “thương cho voi cho vọt”,….

Khi nổi nóng phạt học trò, liệu các thầy, cô có ý thức được rằng những hành động đó đã làm méo mó đạo đức nghề nghiệp của người làm nghề giáo. Và đây cũng là nguyên nhân gây ra không ít chuyện phụ huynh đánh giáo viên, trò đánh lại thầy,…  

Hơn nữa, việc thầy cô giáo biết các quy định của pháp luật không cho phép đánh học sinh, mà lại thỏa thuận với phụ huynh cho phép đánh học sinh là hoàn toàn sai.

Nhân đây, cũng mong những bậc phụ huynh đồng tình với lối hành xử dạy con, phạt con theo cách "yêu cho roi cho vọt" hãy sát sao đến con em mình, chủ động liên lạc với giáo viên, nhà trường để biết tình hình con ở trường, lớp và cùng xã hội lên án mạnh mẽ hành động bạo lực.

Qua những hiện tượng nêu trên, nhà trường cần quản lý chặt chẽ giáo viên, cơ sở đào tạo sư phạm cần tăng cường giáo dục đạo đức cho sinh viên và cả giáo viên. Thầy cô giáo cần nhớ hậu quả của những hình phạt không chỉ là chuyện bạo hành thân thể mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý các em.

Đừng để những bức xúc trong công việc hàng ngày của từng cá nhân làm mất đi tấm gương sáng là thầy cô.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ