Diễn đàn bảo tồn thiên nhiên và văn hóa vì sự phát triển bền vững ĐBSCL lần thứ 5

Diễn đàn bảo tồn thiên nhiên và văn hóa vì sự phát triển bền vững ĐBSCL lần thứ 5
(GD&TĐ) - Bộ Tài nguyên và môi trường vừa phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau, Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tổ chức diễn đàn Bảo tồn thiên nhiên và văn hóa vì sự phát triển bền vững BĐSCL lần thứ 5.
Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội nghị
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Thế Đồng - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên & Môi trường) nhấn mạnh: "Bảo tồn thiên nhiên và văn hóa vì sự phát triển bền vững BĐSCL" là một sáng kiến của WWF nhằm tạo cơ hội giao lưu và chia sẽ kinh nghiệm giữa các nhà hoạch định chính sách, tổ chức chuyên gia về phát triển bền vững và bảo tồn thiên nhiên văn hóa của BĐSCL.
Tham dự diễn đàn, các đại biểu, nhà khoa học đã tập trung thảo luận về giá trị và tầm quan trọng của việc duy trì các dịch vụ hệ sinh thái tại BĐSCL trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Các đại biểu đã chia sẻ, sông Cửu Long là một trong những con sông rộng lớn nhất thế giới và có mức đa dạng sinh học cao.
Do đó, BĐSCL đã cung cấp nguồn lợi thủy sản, hoa trái, bồi đắp phù sa tạo nên một đồng bằng phì nhiêu, màu mỡ cho việc canh tác nông nghiệp đồng thời cũng mang lại an toàn cho con người và môi trường trong việc bảo vệ bờ biển, chống xói mòn, điều chỉnh dòng chảy, điều hòa khí hậu.
Vì thế cần có nhiều giải pháp hữu hiệu để các hệ sinh thái này là nơi nuôi dưỡng và đảm bảo đa dạng sinh học của khu vực, là nơi cư trú của nhiều động vật, thực vật quý hiếm - đặc biệt là các loài chim cá.
Tuy nhiên, hiện nay sự phát triển kinh tế và gia tăng dân số luôn là áp lực lớn đối với các hệ sinh thái, cùng với những tác động do biến đổi khí hậu đã làm thay đổi các chức năng hệ sinh thái và chất lượng của các dịch vụ hệ sinh thái.
Việc sử dụng các dịch vụ hệ sinh thái không hợp lý hoặc không có quy hoạch phù hợp đã khiến cho nhiều hệ sinh thái đồng bằng hiện nay bị suy yếu hoặc bị phá hủy, các hệ sinh thái đang bị giảm về diện tích, cô lập và thiếu tính liên kết do các hoạt động phát triển kinh tế như chặt phá rừng để nuôi trồng thủy sản, chuyển đổi nước thải sinh hoạt.
Việc xây dựng đập thủy điện ở thượng nguồn sẽ làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của dòng sông, mất phù sa bồi đắp cho đồng bằng hàng năm, giảm độ phì nhiêu của đất và làm cho ĐBSCL càng dễ thay đổi dưới tác động của biến đổi khí hậu.
Trước những ảnh hưởng ngày càng rõ rệt của biến đổi khí hậu đối với vùng ĐBSCL. Bà Huỳnh Thị Mai -Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn và đa dạng sinh học - chia sẻ: Việc bảo vệ, phục hồi và duy trì sự khỏe mạnh của các hệ sinh thái có vai trò rất quan trọng và mang tính chiến lược.
Được sự hỗ trợ của WWF và các tổ chức, cá nhân khác Quy hoạch tổng thể đầu tiên về bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước tại đây đang trong quá trính soạn thảo. Qua diễn đàn này các tỉnh thành phố vùng ĐBSCL sẽ hiểu rõ hơn về các hệ sinh thái và quy trình phát triển tự nhiên để có những chuẩn bị tốt nhất trong việc xây dựng và thực thi Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học khi được Chính phủ phê duyệt.
Qua diễn đàn, các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp ý kiến, việc phục hồi và duy trì các hệ sinh thái cũng như dịch vụ hệ sinh thái mà chúng mang lại đòi hỏi phải có những chính sách đồng bộ của các địa phương, đặc biệt là những chính sách liên quan đến quản lý tài nguyên thiên nhiên, nhằm đảm bảo đời sống lâu dài cho người dân, những người trồng lúa và nuôi trồng thủy sản. Thực hiện tốt công tác giáo dục trong nhà trường, gia đình và xã hội để giảm những hoạt động tiêu cực đến sự khỏe mạnh của các hệ sinh thái.
Nguyễn Thị Minh Hoạt

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ