Diễn biến lạ trên thị trường vàng

Diễn biến lạ trên thị trường vàng

(GD&TĐ) - Ngày 16/7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) lại bán sạch 26.000 lượng vàng chào thầu trong phiên đầu thầu bán vàng miếng lần thứ 44. Thời hạn chót thanh khoản đã qua từ lâu nhưng đơn vị trúng thầu chủ yếu vẫn là các ngân hàng và một số ít doanh nghiệp đã thiết lập quan hệ giao dịch mua, bán vàng miếng với NHNN. Càng lạ hơn khi giá trúng thầu còn cao hơn cả giá thị trường và đương nhiên bỏ xa giá thế giới.

Vẫn “khát” nguồn cung

Cụ thể giá trúng thầu cao nhất trong phiên đấu thầu vàng miếng lần thứ 44 của NHNN, sáng 16/7, là 37,31 triệu đồng/lượng, giá trúng thầu thấp nhất là 37,22 triệu đồng/lượng. Trong khi đó cùng thời điểm tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC (là loại vàng miếng mà NHNN mang đấu thầu) niêm yết phổ biến ở mức 37,2 – 37,55 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Tham khảo giá ở thị trường TPHCM mức tương ứng là 37,23 – 37,53 triệu đồng/lượng. Tại các ngân hàng thương mại, giá vàng miếng mua vào phổ biến quanh mức từ 37,2 – 37,3 triệu đồng/lượng, bán ra quanh 37,55 – 37,6 triệu đồng/lượng. Còn nếu quy đổi giá vàng thế giới, sáng 16/7 tương đương 32,8 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng trong nước gần 5 triệu đồng.

Thực tế kể từ 28/3 - 16/7, NHNN đã tổ chức 44 phiên đấu thầu bán vàng miếng với tổng khối lượng trúng thầu là 1.193.600 lượng trên tổng số 1.296.000 lượng chào thầu, trong đó hầu hết giá trúng thầu cao nhất cũng chỉ tương đương hoặc còn nhỉnh hơn so với giá mua vào của thị trường. Trước ngày 30/6, “cơn khát” vàng miếng còn có thể lý giải do các ngân hàng cần huy động để hoàn tất trạng thái vàng, do đó cũng tác động không nhỏ đến việc kéo giãn chênh lệch giữa giá thế giới với trong nước.

Tuy nhiên, thời hạn này đã qua từ lâu và từ đó tới nay, NHNN đã tổ chức tiếp 7 phiên đấu thầu vàng miếng, kết quả lần nào cũng hết sạch số lượng được chào bán. Điều đó cho thấy thị trường đang chứng tỏ một lực cầu mạnh, bất chấp giá trúng thầu trong các phiên đều cao hơn giá vàng do các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường. Rõ ràng, dự đoán của rất nhiều chuyên gia tên tuổi đã không chính xác khi cho rằng nhu cầu vàng miếng sẽ giảm sau ngày 30/6. Càng sai hơn khi cho rằng sau thời điểm này, giá thế giới và trong nước sẽ xích lại gần nhau hơn. Với chênh lệch hiện tại gần 5 triệu đồng mỗi lượng, cho thấy giá vàng trong nước thực tế vẫn chưa có dấu hiệu giảm như kỳ vọng của nhiều người trước đó.

Hàng chục tấn vàng miếng được đưa ra, thị trường vẫn “khát” nguồn cung
Hàng chục tấn vàng miếng được đưa ra, thị trường vẫn “khát” nguồn cung
 

Dấu hỏi trạng thái vàng

Điều lạ khác cũng rất đáng lo ngại là khoảng cách giữa giá mua và bán vàng cũng ở mức khá cao, từ 200 – 300 ngàn đồng mỗi lượng mua vào và bán ra. Khoảng cách này thực tế cũng không ổn định, bởi nếu so sánh với các phiên giao dịch cuối tuần đầu tiên của tháng 7, chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra lên tới 500 – 700 ngàn đồng/lượng. Điều đó cho thấy dù rất nhiều tấn vàng được đưa ra thị trường sau các phiên đấu thầu, nhưng nguồn cung vẫn rất thiếu.

Ngân hàng thương mại vẫn là thành phần chủ đạo tham gia (và thành công) trong các phiên đấu thầu vàng miếng. Hàng chục tấn vàng đã được tung ra thị trường qua các phiên đấu thầu liên tiếp của NHNN (với tần xuất trung bình 3 phiên mỗi tuần), thế nhưng thị trường vẫn thiếu nguồn cung. Những điều lạ này chỉ có thể dẫn đến một khả năng: Dù thời điểm 30/6 đã qua, nhưng thực tế nhiều ngân hàng vẫn chưa hoàn tất xong trạng thái huy động và cho vay vàng.

Còn nhớ, trong Hội nghị Tổng kết 6 tháng đầu năm về hoạt động ngân hàng do NHNN tổ chức đầu tháng 7 này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã mạnh mẽ tuyên bố ngân hàng nào sau thời điểm 30/6 vẫn còn trạng thái vàng sẽ bị xử lý nghiêm. Diễn biến của thị trường hiện nay, không thể không đặt ra nghi vấn về việc rất nhiều ngân hàng đang trong diện sẽ “bị xử lý nghiêm” của NHNN. Tất nhiên mọi chuyện đều là suy luận, bởi lẽ không quan chức nào của ngành ngân hàng thừa nhận điều này. Nhưng từ những “điều lạ” trên thị trường vàng trong nước, nếu không phải do các ngân hàng đang còn nợ trạng thái vàng thì vàng miếng cung ra đã đi đâu, vì sao thị trường vẫn “khát” vàng đến vậy?

Câu hỏi này, có lẽ chỉ riêng NHNN và các ngân hàng thương mại mới trả lời được.

Lưu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ