Điện ảnh Việt cần sự hội nhập và hợp tác quốc tế

GD&TĐ - Điện ảnh Việt vài năm trở lại đây đã có sự thay đổi về diện mạo một cách rõ rệt. Bên cạnh sự xuất hiện của những đạo diễn trẻ tâm huyết, có năng lực thì đội ngũ những đạo diễn từ nước ngoài trở về đã tạo nên những cú bứt phá chuyên nghiệp cho phim trường Việt Nam. Rõ ràng đang có sự cạnh tranh lành mạnh trong thị trường điện ảnh.

Điện ảnh Việt cần sự hội nhập và hợp tác quốc tế

Sự trở về ngoạn mục

Bộ phim Dòng máu anh hùng (năm 2006) của đạo diễn Charlie Nguyễn là khởi đầu đánh dấu sự trở về của những đạo diễn Việt Kiều. Cơ chế điện ảnh ở Việt Nam rộng cửa chào đón những luồng gió mới bên ngoài chính là cơ hội để các đạo diễn gốc Việt tìm về quê hương thử sức. Bộ phim đã giúp đạo diễn này giành giải Bông Sen bạc tại LHP Việt Nam lần thứ 15 và nhiều giải thưởng danh giá khác. Có được động lực, đạo diễn Charlie Nguyễn tiếp tục gây ấn tượng với loạt phim bom tấn có doanh thu khủng như: Tèo em (80 tỷ), Long ruồi (42 tỷ), Cưới ngay kẻo lỡ (34 tỷ)… Trong đó, Để mai tính 2 đã đạt doanh thu phòng vé kỷ lục (trên 100 tỷ).

Tiếp đến là sự góp mặt đáng nể của đạo diễn Victor Vũ. Bằng sự đầu tư công phu, nghiêm túc cùng với một cách nhìn khác thấm đẫm nội tâm của một người con từng xa xứ đã tạo nên cơn sốt cho điện ảnh Việt trong năm qua. Những bộ phim Scandal; Chuyện tình xa xứ; Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh... mang đến những góc nhìn khác nhau về cuộc đời với những góc khuất không dễ thấy.

Có khi là một xã hội thu nhỏ với sự cạnh tranh khốc liệt trong thế giới ngầm (Scandal) hay là sự đồng vọng về tuổi thơ dung dị mà thấm đẫm tình nhân văn đáng quý (Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh). Đạo diễn Victor Vũ chia sẻ: Anh lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống, thường xuyên được nhắc nhở về cội nguồn Việt Nam nên tất cả những sản phẩm anh làm đều lấy chủ đề Việt Nam: “Quyết định làm phim tại Việt Nam là tôi đi theo sự mách bảo của trái tim và trí óc, muốn trở lại quê hương”.

Năm 2015, có tới 40 phim điện ảnh Việt ra lò, song các phim tạo được dấu ấn trong công chúng hầu hết là những phim của các đạo diễn Việt Kiều. Tiêu biểu là các bộ phim Ngày nảy ngày nay (đạo diễn Ngô Thanh Vân), Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (đạo diễn Victor Vũ), Trúng số (đạo diễn Dustin Nguyễn)… với những con số doanh thu ngất ngưởng từ 40 - 80 tỷ. Những đạo diễn trong nước có tên tuổi như như Vũ Ngọc Đãng, Phan Quang Bình hay Lưu Huỳnh năm qua lại không mấy may mắn lấy được cảm tình của khán giả.

Phim được đảm bảo với thương hiệu quốc tế

Sự cạnh tranh của thị trường điện ảnh hiện nay khiến cho các nhà sản xuất, các đạo diễn trong nước cũng phải tính toán một cách kỹ càng. Vì vậy nhiều nhà sản xuất đã mạnh dạn tìm kiếm sự hợp tác từ nước ngoài. Theo họ với ê kíp chuyên nghiệp trong nước cộng với sự hợp tác của những nhà làm phim quốc tế có kinh nghiệm sẽ là sự đảm bảo thành công cho bộ phim.

Diễn viên Trương Ngọc Ánh, kiêm nhà sản xuất của Truy sát từng cho biết: Làm bộ phim này, e kíp cũng nhắm đến thị trường quốc tế nên việc mời một đạo diễn võ thuật từ nước ngoài tham gia là lựa chọn tối ưu. Một triệu USD kinh phí sản xuất là một bài toán kinh tế nên việc tìm kiếm người đáng tin cậy để giao trọng trách này là điều dễ hiểu.

Theo diễn viên Trương Ngọc Ánh, nếu Trung Lý là một trong những chuyên gia chỉ đạo võ thuật xuất sắc nhất của điện ảnh Úc, từng giành được nhiều giải thưởng danh giá qua các phim của Hollywood hay các kênh truyền hình nổi tiếng của Úc, thì Ross Clarkson có hơn 20 năm kinh nghiệm làm phim hành động ở Mỹ và Hồng Kông. Ông được xem là bậc thầy cân chỉnh màu sắc, ánh sáng, khuôn hình. Sự hợp tác của Trung Lý và Ross Clarkson đã tạo nên những thước phim thực sự kịch tính, những trường đoạn hồi hộp đúng nghĩa phim hành động chuẩn mực.

Rõ ràng điện ảnh Việt đang thật sự cần những chuyên gia có tay nghề của thế giới tham gia nhiều hơn trong các khâu sáng tác. Điều này không những làm tăng chất lượng cho những bộ phim Việt khi được đầu tư kinh phí xứng đáng. Mà chắc chắn những đạo diễn cũng như ê kíp làm phim sẽ học tập được ở họ công nghệ và những kỹ xảo điện ảnh hiện đại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ