(GD&TĐ) - Nhiễm HIV từ người thân, bạn tình là cú sốc tinh thần lớn với nhiều người. Nhưng điều khiến những người sống chung với HIV lo lắng nhất là sự kỳ thị của mọi người xung quanh, không tìm được việc làm khiến cuộc sống bấp bênh trong khi sức khỏe ngày càng giảm sút.
Người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV luôn mong muốn được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trợ giúp pháp lý để có cuộc sống tốt hơn. |
Vẫn tự mình bảo vệ mình là chính
Ngô Thị M. L (quận 3, TPHCM) bị mất việc ngay sau khi chủ cơ sở biết công việc tiếp cận cộng đồng mà cô làm được đăng tin trên báo. L tâm sự: “Tôi bất ngờ khi nhận thông báo mình bị đuổi việc mà còn thất vọng hơn khi các đồng nghiệp kỳ thị, nói sau lưng về việc tôi nhiễm HIV”.
Sau cú sốc đó, L mất nhiều thời gian để đòi lại công lý cho mình và may mắn khi L gặp được luật sư tư vấn về quyền và nghĩa vụ của người nhiễm HIV. Luật sư đã giúp L thảo 3 đơn gửi Hội Liên hiệp Phụ nữ quận, Phòng Lao động quận và chủ cơ sở nơi L từng làm việc.
“Hai đơn vị đầu có thư phúc đáp ngay nhưng cơ sở nơi tôi làm việc phải gửi đơn đến 2 lần họ mới chịu bồi thường 3 tháng lương, tiếp tục nhận vào làm việc. Riêng yêu cầu xin lỗi công khai thì họ chần chừ mãi không làm…” - L trao đổi.
Theo điều phối viên thực địa hai quận Đống Đa, Hai Bà Trưng (Hà Nội) Phạm Thị Minh, L là một trong số rất ít những người nhiễm HIV dám đứng lên đấu tranh để đòi quyền lợi cho mình. Chị Minh cho biết: Tình trạng phổ biến ở nước ta là những người nhiễm HIV, người sống chung với HIV phải chịu sự phân biệt kỳ thị nhưng lại không nhận được sự hỗ trợ, tư vấn pháp lý cũng như cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn. “Nhiều chị em dù có chồng sử dụng ma túy nhưng không hề biết cách tự phòng bệnh cho mình. Họ cũng không biết cách phải tìm đến đâu để được hỗ trợ vốn làm ăn…” - Chị Minh chia sẻ.
Tư vấn để có cuộc sống tốt hơn
BS Nguyễn Văn Định - Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Nghệ An - cho biết: Những người sống chung với HIV là nhóm đối tượng dễ bị bỏ quên nhất. Đó là những người vợ, con của người có H luôn phải sống trong sự kỳ thị, không có cơ hội tìm việc làm, không được đến trường…
Để người nhiễm HIV và sống chung với HIV được đối xử công bằng hơn, Dự án Sáng kiến chính sách y tế Việt Nam (USAID/HPI) đã thành lập các trung tâm trợ giúp pháp lý để tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho những người nhiễm và/hoặc người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và gia đình của họ ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Theo BS Định, trung tâm trợ giúp pháp lý tại Nghệ An được chuyển tới Đại học Vinh và các hoạt động của trung tâm do Khoa Luật quản lý. Với sự tham gia của các sinh viên khoa Luật năm cuối, việc hỗ trợ pháp lý cho người nhiễm HIV, ảnh hưởng bởi HIV đã đem lại kết quả khả quan.
Nguyễn Thị Vân Anh - Sinh viên khoa Luật - trao đổi: "Ban đầu tôi rất sợ bị lây nhiễm HIV từ khách hàng nhưng sau khi tham gia các khóa tập huấn do Dự án USAID/HPI và qua làm việc với các nhóm tự lực cũng như với các khách hàng khác, tôi không còn cảm thấy sợ nữa và cảm thấy thoải mái khi làm việc cùng với những người có hoặc người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS”.
Theo bạn Ngô Thị M. L, cần mở rộng mô hình trợ giúp pháp lý để người có H hiểu quyền - nghĩa vụ của mình. Bên cạnh đó cũng cần cung cấp dịch vụ tư vấn về sức khỏe sinh sản, an toàn tình dục để người có H, người sống chung với H chủ động bảo vệ sức khỏe của mình.
Còn theo Vân Anh, tiếp cận với đối tượng có nguy cơ cao (tiêm chích ma túy, nhiễm HIV) không chỉ tạo cơ hội cho đối tượng trên biết quyền - nghĩa vụ của mình mà bản thân các sinh viên cũng tiếp cận với thông tin để nâng cao kiến thức cho bản thân trong việc phòng chống bệnh lây truyền qua đường tình dục. Ngoài ra, việc áp dụng kiến thức được học vào thực tế khi còn ngồi trên ghế nhà trường cũng là hành trang tốt để sinh viên khoa Luật vững tin phát triển nghề nghiệp trong tương lai.
Hoài Thu