(GD&TĐ) - Ngày 22/11/2010, tại Quyết định số 2123/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010 - 2015 (Đề án 2123). Có thể khẳng định, đây là sự quan tâm rất lớn của Nhà nước đến phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người (RIN), góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo cho vùng có đồng bào dân tộc RIN.
Nhiều khó khăn
Học sinh người dân tộc Bố Y trong lớp học MN 5 tuổi xã Quyết Tiến (Quản Bạ, Hà Giang) |
Đề án 2123 nhằm mục tiêu ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục có HS dân tộc RIN; có chế độ, chính sách đặc thù, tạo cơ hội cho trẻ em, HSSV dân tộc RIN được học tập, đảm bảo thực hiện công bằng trong giáo dục. Song song với đó là nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý; đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng HS dân tộc RIN; nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc RIN...
Trên thực tế triển khai thực hiện, Đề án 2123 đã phát huy hiệu quả cao trong việc hỗ trợ, giảm bớt khó khăn trong sinh hoạt, học tập, ăn ở cho các đối tượng HS. Hà Giang là địa phương điển hình về những khó khăn trong việc duy trì sĩ số, tỷ lệ chuyên cần giữ vững kết quả phổ cập GD và nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc, miền núi. Quyết Tiến (Quản Bạ, Hà Giang) là xã có địa bàn rộng trên 60km2 chia làm 13 thôn bản khác nhau, dân cư thưa thớt. Hiện xã có 13 dân tộc anh em sinh sống, trong đó có dân tộc Bố Y thuộc đối tượng của Đề án 2123.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quyết Tiến Đinh Loan Vân cho biết, hiện trường có 3 HS là người Bố Y. Đề án 2123 là nguồn động viên rất lớn để các HS là dân tộc RIN đến trường, giúp các em có động lực hơn trong học tập. Đối với các hộ gia đình trong xã, diện hộ nghèo phải hỗ trợ sinh hoạt, đời sống chiếm đến quá nửa thì các khoản chi phí học tập của Đề án 2123 hỗ trợ đáng kể với các gia đình để đưa con đến trường. Hiện trường có 187 em thuộc diện hỗ trợ tiền theo QĐ số 85 dành cho HS bán trú, 74 em thuộc diện chính sách hỗ trợ của ngân sách tỉnh và 3 HS thuộc Đề án 2123.
Hiệu trưởng Vân chia sẻ, tuy số lượng HS được hưởng chính sách quá bán (trên 50%) nhưng huyện chưa thành lập được trường bán trú tại đây. Bởi hiện nhà trường không có nhà lưu trú cho HS xa trường. Sinh hoạt bán trú của HS tại trường quá vất vả. Nhà công vụ của các thầy cô giáo cũng không có, nhiều thầy cô phải đi thuê nhà ở hoặc ở nhờ nhà người dân quanh trường - cô Vân chia sẻ. Hiện trường vẫn thiếu nhà ăn, 10 phòng lưu trú cho HS, 10 nhà ở công vụ cho giáo viên. Các phòng học chủ yếu là nhà cấp 4 xuống cấp.
Lớp học theo mô hình trường học mới (VNEN) tại Trường Tiểu học Quyết Tiến (Quản Bạ, Hà Giang) |
Phát huy hiệu quả Đề án 2123
Mục tiêu trong giai đoạn 2010-2012 của Đề án là: Hoàn thiện cơ sở vật chất trường, lớp tại các thôn bản có HS dân tộc rất ít người; Xây mới đủ số phòng học, cấp đủ thiết bị, đồ dùng dạy học cho các điểm trường tiểu học có HS dân tộc RIN; Năm 2011, trường được xây dựng 3 phòng học và đầu năm học 2012-2013 khánh thành đưa vào sử dụng đã giúp cho nhà trường có thêm điều kiện để đổi mới phương pháp dạy và học.
Giáo viên Trần Thị Hiền, dạy lớp 3 Trường Tiểu học Quyết Tiến cho biết: Năm nay, nhà trường giảng dạy theo mô hình trường học mới (VNEN); theo đó, HS được tự học, tự khám phá, tìm tòi kiến thức; HS đã mạnh dạn trao đổi với nhau và với thầy cô giáo hơn, khác hẳn với những biểu hiện rụt rè trong giao tiếp trên lớp thường thấy ở HS là người dân tộc. Tuy rằng vốn tiếng Việt của HS các dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc RIN nói riêng còn hạn chế, nhưng theo phương pháp dạy học này thì HS được chủ động trao đổi với nhau nhiều hơn, hiểu bài hơn.
Để chuẩn bị dạy và học theo VNEN, cô giáo Hiền cùng các cô khác trong trường được tập huấn rất kĩ càng. Cô Hiền chia sẻ, lúc mới áp dụng dạy và học theo mô hình này, cũng rất khó khăn. Bởi bản tính của HS người dân tộc rất ít nói, ngại giao tiếp. Sau một thời gian kiên trì, lớp học của mình cũng đi vào nề nếp. HS hiểu bài nhanh hơn và chất lượng các tiết học được nâng lên rõ rệt.
Tại Hà Giang, trong những năm qua, mạng lưới trường, lớp học đã được đầu tư xây dựng phủ khắp tới tận thôn, bản. Tuy nhiên hiện trạng trường, lớp học ở những điểm trường có HS dân tộc RIN phổ biến vẫn thiếu và phòng học tạm. Trang thiết bị dạy và học còn thiếu so với yêu cầu tối thiểu.
Được hưởng lợi từ Đề án 2123, từ năm 2011 đến nay, tỉnh Hà Giang đã đầu tư xây dựng 25 phòng học, 16 phòng nhà ở công vụ trên phạm vi toàn tỉnh với tổng kinh phí 10,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, là cung cấp, trang bị bàn ghế HS, giáo viên, bảng chống lóa, máy vi tính, tivi, đài catset, đầu đĩa... cho các trường học có HS người dân tộc RIN; đồng thời chú trọng công tác tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên dạy HS dân tộc RIN.
Hiện toàn tỉnh có 3 dân tộc thuộc đối tượng của Đề án 2123 là Cờ Lao, Bố Y và Pu Péo. Năm học 2012 - 2013, số HS dân tộc RIN là 1.064 em rải rác ở các trường mầm non, phổ thông đại trà và trường PTDTNT khác nhau trong tỉnh. Cũng từ khi Đề án 2123 được ban hành, 3 năm nay, tỉnh Hà Giang đã nỗ lực huy động tối đa số trẻ thuộc đối tượng này ra lớp. Theo báo cáo, hầu như không có HS dân tộc RIN bỏ học hoặc bị lưu ban. Tỷ lệ chuyên cần của các HS này cũng được nâng lên đáng kể; qua đó giúp cho tỷ lệ HS khá giỏi tăng lên, tỷ lệ HS yếu kém giảm xuống.
Bá Hải