“Điểm sàn” và bức tranh giáo dục đại học

GD&TĐ - “Điểm sàn” của trường đại học cao, thấp luôn là đề tài giáo dục “nóng” trong mỗi mùa tuyển sinh.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Năm nay, Bộ GD&ĐT ban hành ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào với tuyển sinh trình độ ĐH hệ chính quy nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề và với tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy, làm căn cứ cho các cơ sở đào tạo có liên quan thực hiện việc xét tuyển.

Qua mức “sàn” xét tuyển các trường nói trên công bố công khai, tất cả đều tuân thủ quy định của Bộ GD&ĐT. Theo đó, trường khối sức khỏe nhận hồ sơ xét tuyển từ 18 - 21 điểm tùy ngành theo quy định; trường đại học sư phạm lấy “sàn” là 18, cao đẳng sư phạm lấy “sàn” là 16 và trung cấp sư phạm lấy “sàn” 14 điểm.

Đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên và cán bộ y tế, Bộ GD&ĐT cho rằng, mức sàn từ 18 - 21 điểm cho trình độ đại học là kết quả của việc cân nhắc kỹ lưỡng các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo của các trường thuộc 2 khối ngành và hài hòa giữa sự phát triển của các đại học với yêu cầu bảo đảm chất lượng đào tạo và nhu cầu của thị trường lao động y dược, sư phạm. Kiên quyết không vì tuyển đủ chỉ tiêu mà hạ “điểm sàn” quá thấp, không đánh đổi chất lượng lấy số lượng.

Ngoài 2 khối ngành trên, các trường được tự chủ xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào. Trường lấy “điểm sàn” thấp để vơ vét thí sinh đồng nghĩa với việc tự xác định vị thế chất lượng của mình trong hệ thống. Xã hội, người học hoàn toàn có thể đánh giá được điều này. Bộ GD&ĐT cũng khuyến cáo các trường không nên xem chỉ tiêu tuyển sinh là căn cứ để xác định “điểm sàn”, dẫn tới việc xác định “điểm sàn” quá thấp không bảo đảm chất lượng.

Hiện một số trường lấy “sàn” thấp đã được báo chí “điểm mặt”. Nhưng chắc chắn đây chỉ là một số lượng nhỏ, không thể hiện bức tranh chung của tuyển sinh đại học năm nay. Bởi hầu hết các trường đại học muốn khẳng định mình bằng chất lượng, chắc chắn sẽ không hạ “sàn”; không vì muốn thêm một số lượng sinh viên nhất định mà đánh đổi thương hiệu, vị thế của nhà trường.

Nhưng đáng buồn là vẫn có ý kiến cực đoan đánh đồng một số trường lấy điểm sàn thấp với chân dung giáo dục đại học. Đánh giá chủ quan này, cũng giống như thông tin thiếu chính xác về số lượng sinh viên ra trường không có việc làm, liệu có làm giảm tỷ lệ học đại học của Việt Nam - hiện đang thua nhiều nước trong khu vực chứ chưa nói so với các nước phát triển?

Hiện nay, dân số Việt Nam trong độ tuổi 18 khoảng 1,7 triệu (thông tin đưa ra trong một hội thảo); số thí sinh thi THPT quốc gia hàng năm khoảng gần 900.000, vào đại học hàng năm khoảng từ 350 - 380 nghìn. Số này khoảng bằng 20% số người trong độ tuổi và bằng khoảng 40% số người dự thi THPT quốc gia, thua quá xa so với Malaysia, Philippines, Thái Lan, Trung Quốc....

Số liệu của Ngân hàng Thế giới năm 2016 cho biết: Tỷ lệ sinh viên đại học trong độ tuổi của Việt Nam là 28,3%; trong khi tỷ lệ này ở Thái Lan là 49,3; Nhật là 63,3; Malaysia là 44,1; Singapore là 83,9; Trung Quốc là 48,4; Hoa Kỳ là 88,8; Pháp: 64,4; Đức: 68,3; Anh: 59,4.

Tình hình việc làm của người lao động ở trình độ đại học trở lên cũng được nêu rõ trong bản tin cập nhật thị trường lao động hằng quý do Tổng cục Thống kê phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát hành. Theo số liệu này, quý 4 năm 2018, Việt Nam có 55,64 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên; trong đó 5,43 triệu có trình độ đại học trở lên tham gia thị trường lao động. Số lao động có trình độ đại học trở lên không có việc làm trong độ tuổi lao động (từ 15 - 60) là 135,8 nghìn; tương đương tỷ lệ thất nghiệp lao động của trình độ đại học trở lên trong độ tuổi lao động chỉ chiếm 2,57%.

Vẫn biết rằng, giáo dục đại học cần phải tiếp tục nỗ lực nâng cao chất lượng, không hạ “sàn” xét tuyển. Nhưng chắc chắn một điều là chúng ta không nên định hướng dư luận theo hướng giảm số lượng người học, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Trong những năm gần đây, nhiều bài báo căn cứ vào số lượng người chưa có việc làm của lao động trình độ đại học, trong độ tuổi lao động (từ 15 - 60) để đưa ra định kiến về sinh viên ra trường không có việc làm, làm giảm tỷ lệ học đại học thì chúng ta sẽ ra sao trong bối cảnh cần nhân lực chất lượng cao như hiện nay?

Nhận thức và hành động vì điều này, đó không chỉ là trách nhiệm với ngành Giáo dục mà còn là trách nhiệm với tương lai của đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ