(GD&TĐ) - Báo Giáo dục & Thời đại tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu của độc giả là các nhà quản lý giáo dục, nhà giáo. Những ý kiến trên đều xuất phát từ thực tế, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao với sự nghiệp chung.
Có cần hạ điểm sàn để tăng nguồn tuyển?
Ông Doãn Văn Toàn – Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, TP. Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh): Căn nguyên của việc thiếu nguồn tuyển không hẳn là do nguồn tuyển từ điểm sàn trở lên ngày càng cạn kiệt, hay do nhiều trường đại học công lập xác định điểm chuẩn vào trường sát điểm sàn của Bộ. Về sâu xa, các đại học cần phải tự nâng cao uy tín của mình, có thế mới tạo được sức hút đối với người học.
Ông Hoàng Thế Vinh – Hiệu trưởng Trường THPT Hòn Gai, TP. Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh):
Để giải bài toán thu hút thí sinh cho các nhà trường, không phải là hạ điểm sàn, thay vào đó cần nâng cao chất lượng đào tạo của các trường ĐH, đóng cửa các trường yếu kém. Còn về vấn đề kỹ thuật, điểm sàn nên xác định riêng cho từng khối ngành để đảm bảo điều tiết được nhu cầu học của thí sinh, ví dụ chia ra các nhóm kỹ thuật, nông lâm, sư phạm, y dược, kinh tế. Những ngành có số đông thí sinh thì xác định điểm sàn cao lên, và điểm sàn thấp đi ở những ngành học có ít người đăng ký.
Chỉ có uy tín là cách tốt nhất các trường kéo người học về với mình |
Ông Phan Thanh Nhuận - Phó hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (tỉnh Quảng Nam): Việc hạ chuẩn đầu vào ĐH, CĐ vô cùng nguy hại trong điều kiện Việt Nam đang thừa thầy thiếu thợ nhiều năm qua. Nếu Bộ thật sự muốn ưu tiên cho học sinh các vùng khó khăn, nên đầu tư nhiều hơn nữa cho giáo dục phổ thông ở những địa phương đó, hỗ trợ để giảm cách biệt chất lượng giáo dục phổ thông các địa phương. Hiện nay chưa có được cơ chế này, chúng ta không nên hạ sàn. Mặt khác, nếu muốn mở rộng đầu vào ĐH, CĐ ta có thể tham khảo mô hình trường cộng đồng ở các nước, tức là tạo điều kiện dễ dàng ở đầu vào ĐH, CĐ nhưng phải đảm bảo chất lượng đầu ra. Nếu lỏng đầu vào, quá trình đào tạo cũng lỏng tất sẽ cho ra một nguồn nhân lực yếu thì nguy hại cho xã hội.
Điểm sàn là ngưỡng an toàn cần được bảo đảm
Ông Bùi Đức Hiền - Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Điện lực: Không nên bỏ điểm sàn, điểm sàn là ngưỡng thí sinh phải đạt đươc để bảo đảm rằng họ đủ trình độ tối thiểu để học một cấp học nào đó bậc cao đẳng hay đại học. Các trường có uy tín thường lấy điểm chuẩn cao hơn nhiều so với điểm sàn, vì vậy điểm sàn chỉ liên quan đến các trường khó tuyển sinh. Không nên vì phải tuyển sinh cho đủ số lượng mà bất chấp chất lượng đầu vào. Bỏ điểm sàn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục đại học. Bởi vậy chỉ nên quan tâm đến việc phải xác định điểm sàn thế nào cho hợp lý. Điều này phụ thuộc nhiều vào kết cấu đề thi. Đề thi phải phân loại được trình độ của người dự thi.
Mấy năm vừa qua đề thi đại học phân loại thí sinh dự thi khá tốt. Tuy nhiên, đề thi hơi khó so với mặt bằng kiến thức phổ thông hiện nay. Kiến thức của các em thu nạp trong 3 năm học đã có, kỳ thi chỉ đánh giá chứ không thay đổi được nó. Bởi vậy đề thi nên ra thế nào để điểm sàn là 15 (trung bình mỗi môn thi 5 điểm) và với mức này thì đủ số lượng chỉ tiêu tuyển sinh của tất cả các trường trên toàn quốc.
Ông Lê Trọng Thắng - Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Mỏ Địa chất: Việc xây dựng điểm sàn cho kỳ thi đại học cao đẳng hàng năm là việc làm cần thiết, nhằm bảo đảm yêu cầu chất lượng đầu vào tương thích với chỉ tiêu tuyển sinh và phù hợp với mức độ khó dễ của đề thi đại học hàng năm. Cách xây dựng điểm sàn phù hợp nhất phải đáp ứng được các mục tiêu đặt ra cũng như phù hợp với các chính sách xét tuyển hiện nay của Nhà nước đối với các đối tượng ưu tiên và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở đào tạo tuyển đủ các chỉ tiêu đã dự kiến, nhất là các cơ sở đào tạo hiện còn gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh.
Có thể xây dựng điểm sàn bằng cách: Xác định danh sách thí sinh có tổng điểm thi đại học của các môn theo khối thi đã được quy định cả điểm ưu tiên và xếp theo thứ tự từ cao đến thấp. Dựa vào chỉ tiêu dự kiến của các khối thi đã được xác định từng năm để làm cơ sở xác định giới hạn điểm sàn. Chỉ tiêu tuyển sinh này có thể được xem xét để nhân với hệ số dự phòng nhằm bảo đảm cho việc xử lý các tình huống phát sinh. Hệ số này (nếu có), được xác định cụ thể theo số liệu thống kê tuyển sinh hàng năm trước đây và có thể được điều chỉnh theo thực tế hàng năm cho phù hợp.
Giải pháp nào để tăng nguồn tuyển?
Ông Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng Đại học FPT: Trường công lập chiếm 86% trên tổng số sinh viên trong khi hơn 80 trường ngoài công lập chỉ đào tạo 14% sinh viên. Nếu các trường công lập tăng 10% chỉ tiêu mỗi năm thì trường ngoài công lập sẽ mất đi 50% nguồn tuyển. Vì vậy, chỉ cần Bộ GD&ĐT giảm chỉ tiêu các trường công lập, quản lý chặt chẽ tổng chỉ tiêu các hệ tại chức, văn bằng 2 theo lộ trình cụ thể thì trường ngoài công lập sẽ “có đất dụng võ”.
Ông Nguyễn Văn Phúc - Hiệu trưởng Đại học Quốc tế Miền Đông: Các trường đại học công lập và ngoài công lập đều bị ràng buộc về chỉ tiêu và điểm sàn như nhau nhưng một bên được “nuôi dưỡng” còn một bên “tự chiến đấu” trong một luật chơi chung, sự thắng thua đã quá rõ. Các trường đại học nước ngoài đầu tư (như RMIT, Quốc tế Sài Gòn…) lại có phương thức tuyển sinh riêng, không phụ thuộc chỉ tiêu của Bộ GD&ĐT, không chịu sự khống chế điểm sàn nên đại học ngoài công lập lại thua một lần nữa. Các trường ngoài công lập chỉ mong được hưởng quyền lợi như các trường nước ngoài đầu tư.
Ông Hứa Minh Tuấn - Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Tài chính – Marketing: Có ý kiến đề xuất nên xác định điểm sàn riêng cho từng môn thi, tôi nghĩ là không nên vì sẽ gây rối. Hơn nữa, nếu làm vậy thì kỳ thi 3 chung sẽ không còn đúng bản chất, mà sẽ chỉ còn 2,5 chung thôi.
Tôi cho rằng, việc xác định điểm sàn theo cách làm hiện nay về cơ bản vẫn phù hợp. Thực chất, điểm sàn chỉ ảnh hưởng đến một số ngành nghề khó tuyển ở các trường công lập và nhiều trường ngoài công lập chứ không hề tác động đến nhóm các trường có điểm trúng tuyển cao. Như vậy, nếu điều chỉnh điểm sàn thì chỉ cần ưu tiên theo khu vực và nhóm ngành. Cụ thể, có thể xác định một mức điểm thấp hơn so với điểm sàn chung cho những khu vực khó khăn, một số nhóm ngành khó tuyển nhưng cần tuyển như công nghệ kỹ thuật, nông lâm… Riêng với ngành sư phạm, dù khó tuyển cũng không được hạ điểm sàn vì đây là ngành “máy cái” của các ngành, cần có chính sách khác để thu hút học sinh giỏi.
Từ ngày 02/3, Báo Giáo dục & Thời đại (gdtd.vn) và Báo Dân trí (dantri.vn) mở diễn đàn “Hiến kế xây dựng phương án điểm sàn mùa tuyển sinh 2013”. Các phương án của bạn đọc đề xuất sẽ được đăng tải trên Báo để trao đổi, tranh luận. Mọi ý kiến tham gia diễn đàn xin gửi về email: diemsan2013@gmail.com. |
Ngọc Dư