(GD&TĐ) – Bày tỏ quan điểm đồng tình với quy định điểm sàn của Bộ Giáo dục & Đào tạo, nhiều ý kiến cho rằng, quy định này của Bộ là hợp lý và cần tiếp tục duy trì.
|
Ảnh minh họa |
Ông Nguyễn Trọng Tài, Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Nghệ An: Việc quy định điểm sàn của Bộ GD&ĐT là hợp lý, thậm chí có thể nâng điểm sàn cao hơn một ít nữa cũng được. Bởi việc quy định điểm sàn chính là giải pháp bảo đảm cho chất lượng đầu vào, bảo đảm cho quá trình đào tạo cũng như chất lượng đầu ra. Vì nếu không có điểm sàn, việc giải bài toán chất lượng đào sẽ hết sức khó khăn.
Ông Nguyễn Trọng Bé, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Viết Thuật (Nghệ An): Việc Bộ GD&ĐT quy định điểm sàn là đúng và cần tiếp tục duy trì. Không những thế mà cần quy định mức điểm sàn của các môn thi trắc nghiệm (không nên đánh đồng điểm các môn thi tự luận với điểm các môn thi trắc nghiệm).
Nếu bỏ điểm sàn, các trường sẽ tự do tuyển sinh theo ý mình, lúc đó chất lượng đầu vào sẽ rất thấp. Mà chất lượng đầu vào thấp thì chất lượng đầu ra không thể cao. Trong khi đó, chất lượng đào tạo hiện nay của các trường đại học, cao đẳng đang bất cập, không đáp ứng được đòi hỏi của thực tế cuộc sống, bị dư luận phàn nàn nhiều.
Ông Phạm Minh Trung - Người dân ở phường Hưng Phúc (thành phố Vinh, Nghệ An): Tôi có hai con đã tốt nghiệp đại học, một học hệ chính quy và một học hệ không chính quy. Tôi cho rằng việc Bộ GD&ĐT quy định điểm sàn như mấy năm vừa qua là chủ trương hết sức đúng, mức điểm sàn thực tế từng năm không cao.
13 điểm – chưa đạt bình quân 5 điểm cho mỗi môn thi đã được xét vào học đại học, tôi cho là còn đang thấp, Bộ nên nâng lên. Không có điểm sàn, không thể nào kiểm soát được chất lượng tuyển sinh, mà không kiểm soát được chất lượng tuyển sinh thì khó mà kiểm soát được chất lượng đào tạo, chất lượng đầu ra của các trường trong tình hình hiện nay.
Đọc báo, thấy một số lãnh đạo nhà trường phản đối chủ trương quy định điểm sàn của Bộ GD&ĐT, tôi thật sự buồn, buồn hơn là trong số đó có nhiều người từng làm lãnh đạo ở các cơ quan quản lý giáo dục. Dưới 10 điểm tổng của 3 môn thi thì khó lòng mà tiếp thu nổi kiến thức trong quá trình được đào tạo để ra trường có chất lượng trung bình thực sự chứ chưa nói là có chất lượng khá và giỏi (tất nhiên không loại trừ một số trường hợp hết sức cá biệt).
Các trường đừng vì mình, đừng vì lợi ích nhóm mà hãy vì sinh viên. Đào tạo ra nhiều mà không có chất lượng, sinh viên ra trường không có việc làm thì đào tạo ra làm gì, chỉ làm tốn tiền của và công sức của sinh viên, của cha mẹ sinh viên mà thôi. Truyền thông đưa tin Nghệ An có 12.000, Đà nẵng có 18.000 người có bằng tốt nghiệp từ trung cấp lên đến thạc sĩ chưa có việc làm. Một sự thiệt hại cả về kinh tế lẫn tinh thần không hề nhỏ.
Nhưng tôi cũng xin nói thêm, Bộ GD&ĐT quy định điểm sàn là đúng, nhưng Bộ đồng thời phải siết chặt việc đào tạo liên thông. Tình trạng bất cập hiện nay là không đủ điểm sàn đại học thì xuống học cao đẳng, không đủ điểm sàn cao đẳng thì xuống học trung cấp; học xong lại học liên thông lên cao đẳng, lên đại học. Mà các trường, nhất là hệ cao đẳng, hệ trung cấp trong các trường đại học, tất cả đều sẵn lòng tạo điều kiện để học sinh, sinh viên được học liên thông.
Từ ngày 02/3, Báo Giáo dục & Thời đại (gdtd.vn) và Báo Dân trí (dantri.vn) mở diễn đàn “Hiến kế xây dựng phương án điểm sàn mùa tuyển sinh 2013”. Các phương án của bạn đọc đề xuất sẽ được đăng tải trên Báo để trao đổi, tranh luận. Mọi ý kiến tham gia diễn đàn xin gửi về email: diemsan2013@gmail.com. |
Minh Đức thực hiện