(GD&TĐ) - Với cách tiếp cận hoàn toàn mới, dựa vào chất lượng và khả năng học sinh có thể học được ở bậc ĐH, CĐ; điểm sàn năm nay được xác định dựa trên tổng điểm bình quân. Cách xác định khoa học này đã được 100% các thành viên của Hội đồng điểm sàn nhất trí biểu quyết, thông qua.
Ngay sau khi họp Hội đồng điểm sàn kết thúc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga - Chủ tịch Hội đồng điểm sàn - đã trao đổi với báo chí về nội dung này.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga. Ảnh: gdtd.vn |
Cải tiến cách tính điểm sàn
Điểm sàn ĐH khối A, A1: 13 điểm; khối B, C: 14 điểm; khối D1: 13,5 điểm. Đối với bậc CĐ, khối A, A1: 10 điểm; khối B, C: 11 điểm; khối D1: 10 điểm. |
- Năm nay, phương pháp xác định điểm sàn có gì khác biệt so với những năm trước, thưa Thứ trưởng?
- Kể từ khi có Thông tư 57, các trường được tự xác định chỉ tiêu trên cơ sở các tiêu chí đảm bảo chất lượng. Điều đó có nghĩa, chỉ tiêu tuyển sinh mỗi trường sẽ không phải là chỉ tiêu pháp lệnh, mà là năng lực tối đa của các trường có thể đào tạo.
Vì vậy, cách xác định điểm sàn cũng phải thay đổi cho phù hợp với cách xác định chỉ tiêu này. Sáng nay Hội đồng điểm sàn do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thành lập đã họp rất nghiêm túc, trao đổi rất thẳng thắn để chọn ra cách tính điểm sàn phù hợp. Hội đồng điểm sàn đã phân tích 4 phương án: phương án thứ nhất dựa trên tổng bình quân của các điểm thi; phương án 2 dựa trên bình quân tổng điểm; phương án 3 là điểm cực đại của phổ điểm và phương án 4 là phương án truyền thống chúng ta đã làm 8 năm nay.
Sau khi phân tích các phương án, Hội đồng thấy rằng phương án tổng điểm bình quân là phù hợp, vừa đảm bảo được nguồn tuyển dồi dào cho các trường vừa đảm bảo được chất lượng. Từ phương án này, điểm sàn ĐH, CĐ 2013 đã được xác định và nhận được 100% ý kiến nhất trí từ các thành viên Hội đồng.
Như vậy, năm nay, Bộ GD&ĐT đã cải tiến trong cách tính điểm sàn. Nếu trước đây, chúng ta dựa chủ yếu vào chỉ tiêu, mà chỉ tiêu khi đó do Bộ GD&ĐT giao cho các trường, đó là chỉ tiêu pháp lệnh. Sau khi có Thông tư 57, chỉ tiêu trên không còn là pháp lệnh nữa. Do chỉ tiêu được xác định dựa trên cơ sở các tiêu chí đảm bảo chất lượng nên đó cũng là năng lực đào tạo tối đa của các trường, có nghĩa các trường không được vượt chỉ tiêu này.
Bộ GD&ĐT sẽ công bố công khai phổ điểm, từ đó, bất cứ ai cũng có thể tính được điểm sàn; như vậy, ai cũng có thể giám sát được. Các thành viên hội đồng cũng rất hài lòng về phương án điểm sàn mới. Và có thể, từ nay chúng ta sẽ sử dụng nguyên tắc này để tính toán điểm sàn cho những năm sau.
- Một trong những điểm mới của kỳ tuyển sinh năm nay là có thêm đối tượng thí sinh dự thi liên thông, vậy điểm sàn của các đối tượng này sẽ được tính như thế nào?.
- Kỳ thi tuyển sinh năm nay có 16.000 thí sinh liên thông cùng thi “3 chung”. Sáng nay, Hội đồng điểm sàn cũng bàn về xác định điểm sàn của các thí sinh thi liên thông; nhất trí điểm sàn của liên thông bằng điểm sàn ĐH tương ứng đối với từng khối thi. Và, việc chọn điểm chuẩn vào các ngành của học sinh liên thông do hiệu trưởng các trường quyết định, Bộ GD&ĐT không quy định nhất nhất phải bằng điểm chuẩn vào ngành đối với hệ chính quy.
Vì vậy, sau khi có quyết định này, các trường sẽ xem xét, quyết định mức điểm chuẩn vào trường, vào các ngành cho phù hợp cho đối tượng thí sinh này.
Phổ điểm chứng minh đề thi hợp lý, có tính phân loại cao
Không phải tất cả các thí sinh trên sàn đều vào học ĐH, CĐ mà các trường sẽ tuyển từ trên xuống dưới. Các trường tùy theo sức hút, uy tín của mình để tuyển học sinh có chất lượng cao hay thấp. Thứ trưởng Bùi Văn Ga |
- Năm nay là năm đầu tiên điểm sàn được tính dựa vào phổ điểm và Bộ GD&ĐT cũng cho biết sẽ công bố phổ điểm này. Vậy, dựa trên phổ điểm năm nay, Thứ trưởng nhận định thế nào về kết quả điểm thi của thí sinh?
- Kết quả điểm năm nay của thí sinh tốt hơn, ở chỗ phổ điểm dịch chuyển về phía bên tay phải. Đỉnh phổ điểm dịch chuyển dần về phía điểm cao cũng có nghĩa nhiều thí sinh làm bài tốt hơn. Phổ điểm năm nay rải đều từ thấp đến cao, giúp các trường dễ dàng hơn trong việc định các mức điểm chuẩn vào từng ngành phù hợp. (Xem chi tiết phổ điểm tại đây)
Tuy nhiên, vẫn có nhiều thí sinh làm bài kết quả thấp, chỉ đạt 1 - 2 điểm, thậm chí 0 điểm. Như vậy, cũng không phải là đề thi ĐH, CĐ năm nay dễ mà là có tính phân loại cao. Phổ điểm chứng minh đề thi hợp lý, phù hợp với năng lực làm bài của học sinh. Những kinh nghiệm ra đề thi như vậy sẽ tiếp tục được Bộ GD&ĐT áp dụng cho những năm tới.
- Nguyên nhân nào dẫn đến kết quả tốt như vậy, thưa Thứ trưởng?
- Năm nay, nhiều trường điểm trúng tuyển tăng lên đáng kể. Điều đó, một phần do đề thi tương đối phù hợp hơn với năng lực làm bài của thí sinh, thể hiện tính phân loại của đề thi. Cũng phải kể đến sự quyết tâm nỗ lực của thí sinh, thể hiện qua việc rất ít thí sinh bỏ làm bài trước khi kết thúc môn thi; các em đã rất quyết tâm để đạt được kết quả tối đa. Nguyên nhân tiếp theo là nhờ nỗ lực của toàn ngành và chất lượng phổ thông những năm gần đây được cải thiện.
Thí sinh thi ĐH 2013. Ảnh: gdtd.vn |
Đảm bảo cả nguồn tuyển và chất lượng đầu vào
- Với mức điểm sàn năm nay, Thứ trưởng đánh giá thế nào về cơ hội của các trường, đặc biệt là các trường top dưới, trường ngoài công lập?
- Năm nay, Hội đồng điểm sàn vẫn căn cứ vào chỉ tiêu nhưng đó không phải là thông số duy nhất. Bên cạnh đó còn căn cứ vào ngưỡng tối thiểu mà thí sinh có thể học tập được ở ĐH, CĐ.
Sau đó, Hội đồng điểm sàn cân nhắc, điều chỉnh lên chút ít, ví dụ tăng nửa điểm, hoặc giảm nửa điểm để làm sao số lượng thí sinh trên sàn đảm bảo giúp các trường có nguồn tuyển.
Cụ thể, với mức điểm sàn như năm nay, đối với bậc ĐH dư đến 238.768 em trên sàn, trong khi đó, năm ngoái chúng ta chỉ dư 141.000 thí sinh. Nên, nguồn dư năm nay rất lớn, sẽ giúp cho các trường có cái nguồn tuyển dồi dào hơn.
Năm nay Bộ GD&ĐT quy định điểm trúng tuyển nguyện vọng sau không được thấp hơn nguyện vọng trước. Điều này cũng tạo rào cản không cho trường tốp trên hạ điểm chuẩn, để đảm bảo nguồn tuyển cho các trường tốp dưới. Với những quy định như thế, hy vọng năm nay, các trường khó tuyển sẽ được cải thiện trong công tác tuyển sinh của mình.
Phạt nặng trường tuyển vượt chỉ tiêu - Những năm trước, còn tồn tại hiện tượng các trường tuyển vượt chỉ tiêu và Bộ GD&ĐT cũng đã mạnh tay xử lý. Chủ trương này có được tiếp tục ở kỳ tuyển sinh năm nay? |
Hiếu Nguyễn ghi
TIN LIÊN QUAN |
---|