(GD&TĐ)-Thí sinh lưu ý, để được phúc khảo bài thi tốt nghiệp THPT, điểm bài thi của thí sinh phải thấp hơn điểm trung bình cả năm của môn học đó là 1,0 điểm.
Bên cạnh đó, thí sinh phải nộp đơn phúc khảo trong thời hạn quy định tại lịch làm việc. Điều chỉnh điểm của bài thi chấm lại chênh lệch so với điểm chấm lần trước từ 1,0 điểm trở lên đối với môn Ngữ văn và 0,5 điểm trở lên đối với các môn khác.
Thí sinh phải có đơn xin phúc khảo bài thi trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày niêm yết công khai kết quả của kỳ thi. Sở GD&ĐT sở tại có trách nhiệm tiếp nhận và chuyển đến Hội đồng phúc khảo của tỉnh mình toàn bộ danh sách và đơn xin phúc khảo bài thi trắc nghiệm của thí sinh; chuyển đến Hội đồng phúc khảo của tỉnh đã chấm bài tự luận toàn bộ danh sách thí sinh xin phúc khảo bài thi tự luận.
Bộ GD&ĐT quy định, các đơn vị tổ chức việc phúc khảo bài thi theo quy chế sau khi công bố kết quả tạm thời của kỳ thi. Trong đó, lưu ý, trường phổ thông nhận đơn xin phúc khảo của thí sinh và lập danh sách đề nghị phúc khảo bài thi trắc nghiệm, bài thi tự luận gửi sở GD&ĐT sở tại. Giám đốc sở GD&ĐT thành lập một Hội đồng phúc khảo để phúc khảo các bài thi trắc nghiệm và tự luận mà Hội đồng chấm thi của tỉnh đã chấm.
Riêng với việc phúc khảo bài thi tự luận theo danh sách do sở GD&ĐT tỉnh khác chuyển đến, phải đảm bảo đúng nguyên tắc 2 giám khảo chấm độc lập trên một bài thi. Tổ chức đối thoại giữa cặp chấm của Hội đồng chấm thi và cặp chấm của Hội đồng phúc khảo nếu điểm bài thi tự luận chênh lệch nhau từ 2,0 điểm trở lên.
Trước đó, Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ đã có đề nghị: Mọi thí sinh đều có quyền xin phúc khảo bài thi tốt nghiệp THPT nếu cho rằng điểm chấm bài thi không phản ánh đúng kết quả làm bài của mình. Thêm nữa, điểm trung bình cả năm của môn học mà thí sinh đã thi và xin phúc khảo không thể là tiêu chuẩn đáng giá chất lượng bài thi của thí sinh tại kỳ thi tốt nghiệp THPT. Chất lượng bài thi đó phải được đánh giá trên chính kết quả làm bài của thí sinh bởi kết quả đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như trình độ người học, nội dung đề thi, tâm lý thi và kết quả ôn tập của thí sinh. Kết quả học tập và kết quả bài thi xét về mặt lý thuyết tuy có logic với nhau nhưng đối với một kỳ thi thì đó lại là 2 lĩnh vực hoàn toàn độc lập. Vì vậy, nếu lấy điểm trung bình cả năm của môn học để làm căn cứ xin phúc khảo là không thuyết phục và đi ngược lại quy định về quyền của thí sinh được xem xét phúc khảo bài thi của mình. |
Hiếu Nguyễn