Điểm 0 của cô

Điểm 0 của cô

(GD&TĐ) - Thời học sinh, ai cũng có những kỉ niệm gắn liền với mái trường, bạn bè, thầy cô. Tôi cũng thế. Trong các môn học, tôi học tốt nhất là môn Văn. Nhưng khi nghe các anh, chị khóa trước kháo nhau rằng cô Thảo - người sẽ dạy môn Văn lớp tôi - rất khó tính, tôi có chút lo lắng.

 

Các thầy cô trong trường và học sinh phải thừa nhận cô Thảo dạy Văn rất hay và cũng rất khó tính, nhưng những học trò "nhất quỷ nhì ma" như chúng tôi thì không xem trọng điều đó lắm. Cô dạy theo phương pháp mới là lấy học sinh làm trung tâm và cô chỉ là người dẫn dắt, gợi mở kiến thức. Tuy nhiên, học sinh chúng tôi đã quen học theo lối “đọc – chép” nên rất khó bắt kịp cách dạy của cô.

Quả thật cô rất khắt khe, nhất là với những học sinh lười học bài và không nghiêm túc trong giờ học. Cô dành nhiều thời gian, thậm chí là cả tiết học để kiểm tra bài cũ. Chính vì thế, điểm kiểm tra miệng lớp tôi luôn "lập kỷ lục" điểm 0, ngay cả điểm kiểm tra 15 phút, 1 tiết đều rất yếu. Trong lớp vốn dĩ không ai thích môn Văn, giờ với "kỉ lục" như vậy lại càng "ngán ngẩm" hơn.

Trong lớp học, tôi là người học giỏi môn Văn nhất và là "học trò cưng" của cô nên có phần chủ quan và kiêu ngạo. Tôi cho rằng mình giỏi thì không cần phải học bài nhiều. Hơn nữa tôi nghĩ mình là “học trò cưng” nên cô sẽ không quan tâm đến việc kiểm tra bài cũ; Vì vậy càng ngày tôi càng lơ là việc học bài và soạn bài.

Ngày hôm đó, cô lên lớp và kiểm tra bài cũ như mọi khi, nhưng khác với mọi hôm, cô thường chú tâm đến những bạn lười học thì hôm nay cô lại gọi tôi lên bảng kiểm tra. Tôi đã giật bắn người khi câu hỏi cô đặt ra là câu hỏi thuộc bài. Cô yêu cầu tôi "trình bày vài nét về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Du”.

Giờ đứng trước lớp, tôi không còn sự tự tin của một học sinh giỏi Văn nữa, mồ hôi tôi đổ ra, tâm trí tôi bấn loạn, miệng không mở được lời nào. Tôi bị hai điểm 0 cùng lúc vì không soạn bài và không thuộc bài. Đây là những điểm 0 đầu tiên môn Văn sau 10 năm học của tôi. Ban đầu tôi giận cô lắm, nhưng sau đó thì thấy xấu hổ.

Cô nhìn tôi và lắc đầu vẻ thất vọng. Những ngày sau đó, tôi bắt đầu nhìn lại mình và cách học của mình. Và tôi đã thấy rằng để học tốt không chỉ có sự thông minh và năng khiếu bẩm sinh là đủ, mà sự cần thiết phải có sự trau dồi, rèn luyện và học hỏi. Từ đó tôi đã không còn giận cô và càng quyết tâm học hơn. Vì vậy cũng năm đó, tôi đã đạt được giải nhì học sinh giỏi Văn cấp tỉnh.

Ngày 20/11 hằng năm, lớp tôi tụ họp và rủ nhau đến thăm các thầy cô giáo. Khi nhắc tới cô Thảo các bạn thường trêu nhau: "Không biết bọn mình nhớ cô hay nhớ điểm 0 của cô nhỉ?”.

Vậy đấy, sẽ chẳng có người thầy nào giỏi khi học trò không muốn học và cũng chẳng có trái ngọt nào mà không được ươm mầm từ sự cố gắng. Chúng ta vẫn thường đổ lỗi cho người khác khi không đạt kết quả như ý. Nhưng có khi nào ta tự hỏi: "Mình đã hết mình với công việc ấy chưa?". Và giờ đây tôi đã trở thành một cô giáo dạy Văn cấp III. Tôi cũng rất nghiêm khắc với học sinh trong việc kiểm tra bài cũ và cũng rất nhiệt tình chăm chút, uốn nắn từng học sinh của mình.

Cảm ơn cô giáo của tôi! Cảm ơn cô vì tất cả!

Mã số: 1097

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ