Dịch sốt xuất huyết gia tăng ở Đồng bằng sông Cửu Long: Phòng bệnh là chính

GD&TĐ - Diễn biến thời tiết và triều cường tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, khiến bệnh sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng. Việc phòng chống dịch sốt xuất huyết hiện cần được triển khai tích cực và rốt ráo.

Bệnh nhân sốt xuất huyết gia tăng tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ.	Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bệnh nhân sốt xuất huyết gia tăng tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Dịch bệnh gia tăng

Theo dõi bản đồ dịch bệnh. Ảnh: M. Nguyễn
 Theo dõi bản đồ dịch bệnh. Ảnh: M. Nguyễn

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang vào cao điểm của mùa mưa, thêm vào đó hiện tượng triều cường tại một số tỉnh cũng tạo điều kiện cho bọ gậy, muỗi sinh sôi, phát triển. Đây chính là nguyên nhân làm bùng phát dịch sốt xuất huyết (SXH). Mặc dù ngành chức năng đã sớm có những dự báo, nhưng đến nay số ca mắc SXH ở một số địa phương vẫn tăng đột biến.

Theo thống kê, dịch SXH rất đáng báo động ở các địa phương với hàng nghìn ca bệnh. Tại TP. Cần Thơ, trong 9 tháng năm 2019, đã có 1.149 ca mắc, tăng 473 ca so với cùng kỳ năm ngoái. Đến hết tháng 8/2019, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã có hơn 1.300 người mắc bệnh SXH, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2018. Vùng có số ca mắc bệnh SXH nhiều nhất trong 8 tháng qua là huyện Trà Cú.

Tỉnh Tiền Giang đã phát hiện  hơn 2.400 ca bệnh SXH, trong đó có 2 ca tử vong tại TP. Mỹ Tho và huyện Chợ Gạo. Bến Tre cũng phát hiện hơn 900 ca mắc bệnh SXH, tăng 148% so với cùng kỳ năm ngoái. Bệnh xảy ra ở 9/9 huyện, thành phố trên địa bàn. Trong đó, huyện Ba Tri có số ca mắc SXH cao nhất với  hơn 170 ca, kế đến là huyện Mỏ Cày Nam và Châu Thành… Ngay tỉnh Vĩnh Long, trong 6 tháng đầu năm đã phát hiện hơn 830 ca bệnh SXH, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Do bệnh có chiều hướng gia tăng, cộng thêm những diễn biến phức tạp nên trong những tháng mùa mưa, hầu hết tại các bệnh viện tuyến huyện đều quá tải. Tại Bệnh viện Nhi Cần Thơ, bệnh SXH có chiều hướng gia tăng. Trong tháng 6 số bệnh nhân mắc bệnh này đã gấp đôi cùng kỳ năm 2018, riêng từ tháng 7 đã tăng gấp 5 lần. Trong các tháng cuối năm, số lượng bệnh nhân mắc SXH nhập viện cũng tăng cao.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng TP. Cần Thơ, số lượng bệnh nhân nhập viện do SXH gia tăng nên có hiện tượng quá tải bệnh nhân, một giường có tới hai, ba trẻ nằm ghép. Theo các bác sĩ, những năm gần đây, bệnh nhân mắc SXH nghiêng về trẻ từ 5 tuổi trở lên. Tình trạng triệu chứng nặng tập trung ở trẻ từ 8 - 15 tuổi.

Kiểm tra tình hình bệnh dịch, BS.CKI Huỳnh Văn Nhanh, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ lưu ý và đề nghị các quận, huyện trên địa bàn toàn thành phố tiếp tục giám sát chặt chẽ các ca bệnh SXH, giám sát véc tơ SXH, chỉ số lăng quăng, xử lý triệt để ổ dịch nhỏ không để lan ra cộng đồng… Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh, phối hợp với đài truyền thanh quận, huyện và các ban ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng.
Bệnh SXH hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Để đối phó với dịch bệnh, các địa phương tiếp tục quyết liệt triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh. Không có bọ gậy, muỗi thì không có SXH. 

Tăng cường phòng dịch là chính

Để chủ động phòng chống bệnh SXH, ngăn chặn nguy cơ bệnh bùng phát thành dịch, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Cần Thơ đã phối hợp với Sở TT&TT, Đài Phát thanh và Truyền hình và các ban ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh cho người dân.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Cần Thơ cũng chỉ đạo Trung tâm Y tế các quận, huyện đẩy mạnh truyền thông phòng, chống dịch bệnh SXH bằng nhiều hình thức; Đề phòng, ngăn ngừa bệnh SXH với việc làm sạch môi trường vào chiều cuối tuần…

Ngoài ra, trung tâm tiếp tục tăng cường giám sát ca bệnh, véc tơ, huyết thanh… phát hiện sớm vùng nguy cơ, bao vây và dập tắt dịch kịp thời không để dịch bùng phát. Điều tra ca bệnh tại bệnh viện và cập nhật thông tin chính xác trên phần mềm, thông tin phản hồi kịp thời giữa các tuyến và xử lý theo đúng quy định. Tổ chức các chiến dịch diệt lăng quăng phòng chống SXH dựa vào cộng đồng; chiến dịch tổng vệ sinh làm sạch môi trường...

Bác sĩ Trần Văn Tuấn, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Kiểm dịch Y tế Quốc tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ cho biết: Thời gian qua, khi đi kiểm tra thực tế một số quận, huyện vẫn thấy vật phế thải xung quanh nhà dân còn nhiều, ứ đọng nước mưa, không gian ẩm thấp tạo điều kiện cho muỗi trú ẩn và phát triển gây bệnh. Những nền nhà, khu đất trống để hoang, nước đọng, cỏ dại mọc nhiều có nhiều ổ lăng quăng, muỗi… cũng là những yếu tố thuận lợi tạo điều kiện cho côn trùng trú ẩn và phát triển gây bệnh.

Theo bác sĩ Trần Văn Tuấn, khi trẻ có bị bệnh, cần theo dõi nhiệt độ cơ thể của trẻ thường xuyên: Nếu sốt cao trên 38,5 độ C cần hạ sốt bằng thuốc theo chỉ định của thầy thuốc, nằm chỗ thoáng, chườm mát cho người bệnh. Bên cạnh đó, cần cặp nhiệt độ mỗi 4 - 6 giờ một lần, nếu còn sốt cao thì tiếp tục cho người bệnh uống thuốc hạ sốt. Đặc biệt, chú ý không được dùng thuốc hạ nhiệt aspirin, analgin, ibuprofen vì có thể gây tác dụng phụ như xuất huyết. Cho trẻ nghỉ ngơi, uống nhiều nước có chất điện giải hoặc nước trái cây như cam, chanh, nước dừa. Nên ăn đồ loãng như cháo, súp, sữa. Nếu trẻ có nôn khi uống, cần cho uống lượng nhỏ và nhiều lần.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ