Dịch sởi bùng phát do tin giả trên mạng xã hội

GD&TĐ - 20 năm qua lần đầu tiên dịch sởi đã bùng phát ở Mỹ. Các nhà chuyên môn nhận định chính tin giả do những kẻ chống tiêm vắc xin tung ra là nguyên nhân hàng đầu.

Những biển cảnh báo có ở nhiều nơi tại Mỹ
Những biển cảnh báo có ở nhiều nơi tại Mỹ

Ca tử vong đầu tiên

Tờ Guardian của Anh hôm 10/7 đăng tải cuộc phỏng vấn độc quyền với mẹ của bệnh nhân sởi đầu tiên tử vong ở Mỹ 20 năm qua. Đó là cô gái Catherine Montantes (mất năm 2015), một sinh viên 28 tuổi gốc Mexico, gia đình ở bang Alaska. Mặc dù đã được tiêm phòng sởi, Montantes vẫn không qua khỏi 3 tháng sau đó, vào ngày 15/4/2015, bởi hệ miễn dịch của cô bị vô hiệu hóa do thuốc kiểm soát viêm da cơ địa gây rối loạn tự miễn.

Montantes là nạn nhân đầu tiên tử vong vì sởi ở Mỹ kể từ năm 2003. Cái chết của Montantes cho thấy, một căn bệnh lẽ ra có thể ngăn chặn được, lại tàn phá các gia đình, vượt khỏi phạm vi cộng đồng, do nhiều người quyết định trì hoãn hoặc từ chối tiêm vắc xin.

“Bạn không có quyền đùa với số phận người khác như vậy. Bạn sẽ khiến họ phơi nhiễm một thứ virus chết người mà cơ thể họ không thể chống nổi" - Ralphenia Knudson, mẹ của Montantes nói với tờ Guardian. Bà Knudson cho biết, bà hiểu tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin và đã tiêm cho cả 3 đứa con.

Từ khi Montantes qua đời, ít nhất 1.655 người đã mắc sởi với hàng loạt ổ dịch bùng nổ ở 28 bang của Mỹ, nhiều nhất tại các bang New York, Washington và California. Tổ chức Y tế Thế giới đã coi việc e ngại tiêm vắc xin là một trong 10 mối đe dọa về sức khỏe toàn cầu của năm 2019. Tính đến tháng Tư vừa qua, số ca mắc sởi đã tăng 300%. WHO cho rằng sự gia tăng của virus sởi một phần là do mọi người từ chối hoặc trì hoãn tiêm vắc xin mặc dù thuốc có sẵn.

Tin giả lộ mặt

Lý do không tiêm rất đa dạng. Nhưng ở Mỹ, một trong những nguyên nhân hàng đầu là sự lây lan những thông tin không chính xác trên mạng xã hội do những người chống vắc xin phát tán. Chính điều này đã làm bùng nổ dịch sởi tồi tệ nhất trong gần một thập kỷ qua.

Trẻ em không được tiêm vắc xin cùng những người có hệ miễn dịch bị ức chế như Montantes là người dễ bị tổn thương với bệnh sởi nhất. Tỷ lệ tử vong do bệnh sởi là 1 - 2 người trong số 1.000 người nhiễm bệnh. Virus cũng có thể gây ra viêm não và tổn thương não vĩnh viễn với tỷ lệ tương tự. Năm 2017, bệnh sởi đã làm chết 110.000 người, chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi - theo con số của WHO.

Ngược lại, có thể - dù chưa được chứng minh - thành phần virus sởi trong vắc xin MMR có thể dẫn tới bệnh viêm não với tỷ lệ chưa đến 1 người trong 1 triệu liều. Nói cách khác, vắc xin có nguy cơ ít hơn ít nhất 1.000 lần so với việc không tiêm vắc xin - WHO cho biết.

“Tiếp xúc với bệnh sởi rất nguy hiểm, đặc biệt với những người không có hệ thống miễn dịch do bị ức chế bởi thuốc” - bà Knudson nói – “Luật quy định rằng bạn phải cho con đi tiêm. Nếu bạn không tuân thủ thì sẽ có hậu quả”.

Montantes được chẩn đoán viêm da dị ứng chỉ vài tháng trước khi cô bị nhiễm sởi. Tháng 11/2014, Montantes đang theo học tại Đại học Peninsula ở Port Angeles, với hy vọng đổi nghề từ chuyên gia vệ sinh răng miệng thành nhân viên tuần tra biên giới. Trong tháng 11 đó, cô đi theo mẹ - một người lái xe bán tải đường dài. Chuyến đi khiến hai mẹ con rất gần gũi với nhau, họ cùng nhau tìm kiếm những ký ức tuổi thơ của Montantes. Đến một trung tâm chuyển phát nhanh của Fedex ở St Paul, bang Minnesota, thì cô gái trẻ bắt đầu cảm thấy không khỏe. Montantes tới Bệnh viện St John"s, cô thấy khó thở. Ở viện, người ta không tìm ra tại sao cô lại mệt đến thế - người mẹ nhớ lại. Rồi các bác sĩ lấy mẫu mô ở tay trái của cô và họ tìm ra cô bị rối loạn hệ miễn dịch.

Vào tháng Một, trong khi thuốc ức chế hệ miễn dịch thường được sử dụng để điều trị viêm da cơ địa, Montantes đã tới Bệnh viện Lower Elwha ở Port Angeles và tiếp xúc với bệnh sởi từ một bệnh nhân nam 52 tuổi, vào viện trước cô chỉ vài giờ. Mãi đến một nă sau khi Montantes mất, tờ Seattle Times mới tiết lộ danh tính cô. Cơ quan y tế không bao giờ công bố tên của người đàn ông 52 tuổi bị mắc sởi đầu tiên và gây ra dịch.

Dịch không dừng ở Bệnh viện Lower Elwha. Người đàn ông 52 tuổi có thể đã tiếp xúc với 149 người khác, trong đó có một bé gái 5 tuổi, và cô bé bị nhiễm sởi, rồi lại gây nhiễm ở trường học khiến trường phải đóng cửa. Trường này có 115 học sinh theo học, trong đó có 18 em không được tiêm vắc xin. Bà Hiệu trưởng Tiffany Gillespie cho biết, ở trường vẫn có những bậc cha mẹ không tin vào việc miễn dịch. Theo bà, họ tin vào những lời nói dối rất phổ biến do những kẻ chống vắc xin gieo rắc, kể cả những thông tin giả như vắc xin “có thể liên quan đến việc mất khả năng học, và không có đủ nghiên cứu về việc vắc xin không liên quan đến bệnh tự kỷ hay những dạng tàn tật khác”.

Mạng xã hội hành động

Tuần trước, Trung tâm Phòng chống Dịch bệnh Mỹ cho biết, số ca sởi ở Mỹ trong năm 2019 đã lên tới 1.109 ca ở 28 bang tính đến ngày 8/7, tăng 14 ca so với tuần trước. Số ca bệnh ít hơn so với mùa xuân, nhưng có thể đến mùa thu sẽ lại gia tăng. Năm nay, Mỹ có nhiều ca mắc sởi nhất kể từ năm 1992, và kể từ khi virus sởi được xóa ở Mỹ năm 2000. CNN dẫn lời bác sĩ Peter Hotez, Hiệu trưởng Trường Y khoa Nhiệt đới Quốc gia thuộc Đại học Y Baylor ở Houston, kiêm Giám đốc Trung tâm Phát triển Vắc xin ở Bệnh viện Nhi Texas cho biết, ở Mỹ chưa từng có dịch sởi suốt 20 năm qua.

Một số nền tảng mạng xã hội ở Mỹ đã phải kiềm chế những nội dung nhất định được cho là gieo rắc tin giả về vắc xin. Chẳng hạn Facebook đã thay đổi hệ thống xếp hạng của họ để thể hiện ít hơn các tin đăng sai lệch về sức khỏe. YouTube đã bỏ quảng cáo khỏi các video họ cho là gieo rắc tin giả. Amazon rút các phim tài liệu chống vắc xin khỏi dịch vụ phát video Amazon Prime Video của họ. Tuy nhiên bác sĩ Hotez cho rằng, những hành động này không đủ, rằng các nỗ lực của các mạng xã hội, các công ty thương mại điện tử cho đến giờ vẫn chỉ mang tính bề mặt. Nhiều nền tảng xã hội khác vẫn chưa tích cực trong việc gỡ bỏ thông tin sai lệch về vắc xin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ