Đích hướng đến là chất lượng

GD&TĐ - Đến thời điểm này, đánh giá của nhiều giáo viên và người dân, có thể điểm thi sẽ làm các trường ĐH, CĐ vất vả hơn trong việc xét tuyển, nhưng đích đến quan trọng nhất của kỳ thi đã đạt được đó là chất lượng thật.

Đích hướng đến là chất lượng

Đích hướng đến là chất lượng

Nhận định về điểm thi năm nay, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, Bộ GD&ĐT đang tổng hợp, phân tích dữ liệu nên chưa nói được chính xác kết quả thi của thí sinh.

Tuy nhiên, với cấu trúc đề thi nhằm 2 mục đích như năm nay, có thể nói một cách khái quát điểm thi của thí sinh sẽ thấp hơn điểm thi tốt nghiệp THPT nhưng cao hơn điểm thi tuyển sinh ĐH năm ngoái.

Điểm xét tuyển vào các trường tốp giữa có thể tăng nhưng những trường tốp trên có thể không thay đổi nhiều so với những năm trước.

Những cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì có thể kết quả thi sẽ thấp hơn các cụm thi do các trường đại học chủ trì, tỉ lệ thí sinh tốt nghiệp năm nay có thể giảm đi ít nhiều so với năm ngoái.

Một kỳ thi đích hướng đến chất lượng là điều mà nhiều giáo viên và các nhà giáo dục cùng chung nhận định. Như ở môn Lịch sử được cho là học sinh còn yếu thì trong tổng số gần 1.950 bài thi môn lịch sử của cụm thi ĐHQG TPHCM cũng có 3 bài thi đạt điểm 10 và gần 60 bài đạt từ 9 điểm trở lên.

Theo nhận định của cán bộ chấm thi, trong 3 bài thi đạt điểm 10, thí sinh không chỉ thuộc sự kiện mà còn có khả năng tư duy vận dụng cao những điều đã học.

Điều đặc biệt mới là tổ thư ký chấm thi thông tin về các điểm 10 này không có bài nào phải chấm lần 3, tức là không chênh lệch giữa hai vòng chấm độc lập và chấm kiểm tra cũng không chênh lệch.

Hội đồng thi này cũng ghi nhận không thấy bài viết lung tung. Nhiều thí sinh thể hiện những kiến thức không có trong sách giáo khoa, như ở câu 3 là dạng câu mở phải vận dụng thì “95% trở lên em nào cũng nói được việc bảo vệ chủ quyền hoàn toàn đáp ứng đúng yêu cầu”.

Mong muốn kỳ thi THPT quốc gia với những mục đích tốt đẹp giảm chi phí cho xã hội, đồng thời hướng đến chất lượng hơn là động lực để các trương ĐH, CĐ cùng cố gắng thực hiện, cho dù có không ít khó khăn.

Nói như NGƯT.PGS.TS Triệu Văn Cường – Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội: Không quá khó để có thể hình dung ra bức tranh tuyển sinh cho năm học này, điểm chuẩn của các trường tốp đầu sẽ lại tiếp tục có khoảng cách khá xa với mức điểm ngưỡng mà Bộ GD&ĐT sẽ đưa ra.

Những trường ở tốp giữa sẽ lấy thí sinh có điểm thi ở mức khá giỏi, trường tốp dưới sẽ tiếp tục lấy thí sinh ở mức điểm thấp hơn.

Năm nay, do thí sinh được tới 16 nguyện vọng đăng ký xét tuyển nên việc chọn trường, chọn ngành sẽ sinh động hơn, điểm thi của thí sinh ở khoảng từ 6 – 8 sẽ nhiều hơn, có thể các trường vất vả hơn nhưng cần phải nhìn vào toàn cục, các nhà trường sẽ vất vả hơn trong tuyển sinh nhưng người học và xã hội được lợi, và quan trọng hơn nữa là chúng ta hướng đến một kỳ thi không chỉ đảm bảo chất lượng mà còn đỡ vất vả tốn kém hơn rất nhiều cho xã hội.

Thay đổi xét tuyển

Để tạo thuận lợi cho thí sinh, các trường cũng cần phân tích, đưa ra dự báo trước về ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển phù hợp cho mình.

Đặc biệt với các trường có hàng năm cao, càng nên công bố ngưỡng nhận hồ sơ xét, tránh đưa ra mức xét tuyển thấp (để đảm bảo an toàn nguồn tuyển cho trường mình), làm như vậy cũng là thể hiện tinh thần trách nhiệm của nhà trường đối với thí sinh và xã hội.

Để đảm bảo ngưỡng chất lượng đầu vào, nhiều trường đã thay đổi, bổ sung phương án xét tuyển. Như ở Đại học Kinh tế quốc dân, trường này đã bổ sung tiêu chí xét tuyển phụ.

Theo đó, trong trường hợp tại mức điểm xét tuyển nhất định, số lượng thí sinh trúng tuyển nhiều hơn chỉ tiêu và nếu lấy tăng lên 0,25 điểm thì số thí sinh trúng tuyển lại thiếu so với chỉ tiêu, Trường sử dụng tiêu chí xét tuyển phụ như sau: Tiêu chí phụ 1, của chương trình Ngôn ngữ Anh và POHE, điểm môn chính là môn Tiếng Anh.

Các ngành còn lại, tiêu chí phụ là điểm môn Toán. Sau khi sử dụng tiêu chí phụ 1, số thí sinh trúng tuyển vẫn còn vẫn còn cao hơn so với chỉ tiêu quá 5% (nếu chỉ tiêu > 200) hoặc 8% nếu chỉ tiêu = hoặc <200, Trường sử dụng tiêu chí phụ 2.

Còn Trường Đại học Y Hà Nội quy định thời gian nhận hồ sơ xét tuyển từ ngày 1 - 20/8, ngoài việc Trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia kết hợp với điều kiện đăng ký xét tuyển để xét tuyển vào từng ngành đào tạo của Trường.

Môn thi dùng để xét tuyển là Toán học, Sinh học, Hóa học – không nhân hệ số. Điều kiện để được đăng ký xét tuyển vào trường, đối với hệ Bác sỹ (Y Đa khoa, Răng hàm mặt, Y học Cổ truyền, Y học dự phòng, thí sinh phải có tổng điểm trung bình 3 môn Toán học, Sinh học, Hóa học từ 21 điểm trở lên ở 6 học kỳ THPT (kể cả thí sinh đã tốt nghiệp các năm trước).

Đối với hệ Cử nhân (Điều dưỡng, Dinh dưỡng, Y tế Công cộng, Xét nghiệm Y học, Cử nhân Khúc xạ): Thí sinh phải có tổng điểm trung bình 3 môn Toán học, Sinh học, Hóa học từ 18 điểm trở lên ở 6 học kỳ THPT (kể cả thí sinh đã tốt nghiệp các năm trước). Sau khi có danh sách trúng tuyển, trường này sẽ kiểm tra hồ sơ, học bạ để công nhận trúng tuyển.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia tuyển sinh, việc thay đổi của các trường tốp trên (nếu có) cũng là điều hoàn toàn bình thường vì dù thế nào những trường này cũng tuyển chọn những thí sinh có lực học xuất sắc nhất, số này không nhiều, hơn nữa tiêu chí ngành nghề các bạn cũng đã đặt sẵn nên chắc chắn không có xáo trộn gì đáng kể.

Điểm xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ phụ thuộc vào phân bố phổ điểm kết quả thi của thí sinh. Năm nay dự báo kết quả thi của thí sinh sẽ tập trung cao ở vùng điểm 5 - 6 điểm nhưng vùng điểm cao 9 -10 điểm có thể ít.

Do đó điểm xét tuyển vào các trường tốp giữa có thể tăng nhưng những trường tốp trên có thể không thay đổi nhiều so với những năm trước.

Để tạo thuận lợi cho thí sinh, về phía các trường cũng cần có trách nhiệm phân tích, dự báo kết quả để công bố ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển phù hợp.

Các trường có sức hút thí sinh cao mà công bố ngưỡng nhận hồ sơ xét tuyển thấp (để đảm bảo an toàn nguồn tuyển cho trường mình) sẽ khiến nhiều thí sinh nộp hồ sơ rồi phải rút ra, gây khó khăn, vất vả cho thí sinh, đặc biệt đối với những thí sinh ở xa.

Việc công bố ngưỡng xét tuyển phù hợp, một mặt khẳng định được uy tín của nhà trường và mặt khác thể hiện tinh thần trách nhiệm của nhà trường đối với thí sinh và xã hội.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ