Dịch cúm A – H7N9: Không hoang mang nhưng không thể thờ ơ

Dịch cúm A – H7N9: Không hoang mang nhưng không thể thờ ơ

(GD&TĐ) - Đó là khuyến cáo của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long với người dân trước thông tin virus cúm A/H7N9 tại Trung Quốc có thể xâm nhập vào Việt Nam. Theo ông, chỉ cần người dân áp dụng các biện pháp phòng chống cúm thông thường là có thể  phòng được dịch.

Thứ trưởng nhận định thế nào về khả năng  xâm nhập của virus H7N9?

- Theo thông tin của Tổ chức Y tế thế giới, số người mắc và tử vong ở Trung Quốc liên tục gia tăng. Trước bối cảnh đó, tôi cho rằng nguy cơ xâm nhập của virus trên vào Việt Nam  là rất lớn bởi Trung Quốc cận kề nước ta với đường biên giới kéo dài, việc lưu thông đi lại của người dân 2 nước rất thuận lợi qua đường bộ, hàng không, tàu liên vận. Bên cạnh đó, cho đến thời điểm hiện nay vẫn chưa xác định được nguồn lây. Đây là sự quan ngại về việc lan tràn hay xâm nhập vào Việt Nam.

Ngành Y tế đã triển khai những biện pháp gì để đối phó với dịch trên?

- Đến thời điểm này ngành Y tế đã triển khai đồng loạt các biện pháp:  Giám sát phát hiện sớm các ca bệnh, cụ thể là với các cơ quan cửa khẩu cần tăng cường giám sát lượng hành khách nhập cảnh vào Việt Nam bằng cách  tầm soát thân nhiệt. Đối với những người nhập cảnh có thân nhiệt cao hơn thì lập tức  có biện pháp xử lý về mặt chuyên môn để có thể cách ly, điều trị kịp thời. Song song với đó là  giao cho cơ quan giám sát để tiến hành lấy mẫu làm xét nghiệm để chẩn đoán những trường hợp này. Bộ Y tế cũng đã có văn bản đề nghị Bộ NN&PTNT, Công thương tăng cường kiểm soát gia cầm nhập lậu, gia cầm không rõ nguồn gốc và khuyến cáo người dân không sử dụng loại gia cầm không qua kiểm dịch.

Cần ngăn chặn tối đa tình trạng vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc Ảnh: Thái Hòa
Cần ngăn chặn tối đa tình trạng vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc    Ảnh: Thái Hòa

Việt Nam đã có kinh nghiệm trong việc phòng chống, điều trị SARS, H5N1, vậy với H7N9 thì sao?

- Trải qua nhiều đại dịch, điển hình nhất là đại dịch SARS năm 2003, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới đã phòng chống SARS thành công. Đây là bài học quan trọng và từ đó đến nay đã trải qua nhiều đại dịch như H1N1, H3N2, H5N1 và chúng ta đã có tất cả những kinh nghiệm cần thiết để phòng chống những dịch đã xuất hiện cũng như virus mới như H7N9 hay bất cứ virus gây bệnh truyễn nhiễm khác.

Sau 10 năm thành công trong phòng chống dịch SARS cũng như nhiều dịch bệnh khác, kinh nghiệm  đầu tiên là sự quan tâm của các cấp chính quyền, cấp ủy đảng, cơ quan liên quan trong vấn  đề phòng chống dịch bệnh bởi tính liên ngành của phòng chống dịch bệnh hết sức quan trọng.Tiếp đó là sự ứng phó, sẵn sàng của cơ quan y tế, bao gồm cả lực lượng về giám sát cũng như chẩn đoán, điều trị.  Việc tăng cường giáo dục truyền thông nâng cao hiểu biết của người dân đối  với tất cả căn bệnh trong nhiều năm qua… là những bài học, kinh nghiệm đã trải qua, thực hành và đem lại kết quả tốt giúp cho việc phòng chống dịch bệnh có nhiều kết quả khả quan.

Trước  nguy cơ virus H7N9 xâm nhập, theo Thứ trưởng, người dân phải làm gì để bảo vệ sức khỏe của mình?

- Theo tôi, người dân không nên hoang mang trước thông tin về dịch cúm A/H7N9. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta thờ ơ, không quan tâm gì đến dịch bệnh. Trong thời điểm này, người dân có thể áp dụng những biện pháp dự phòng thông thường có hiệu quả. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, biện pháp đơn giản nhất là rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, trước khi chuẩn bị đồ ăn và sau khi tiếp xúc với thịt gia cầm, thịt động vật. Biện pháp thứ 2 là đeo khẩu trang trong trường hợp chúng ta ho, hắt hơi, xổ mũi. Nếu như xuất hiện các triệu chứng như cúm, ho, sốt, sổ mũi, nhức đầu, người dân hãy đến cơ quan y tế để được kịp thời khám, chẩn đoán, điều trị.

Với các địa phương, đặc biệt là tỉnh, thành phố có cửa khẩu với Trung Quốc cần phải gia tăng việc kiểm tra kiểm soát và ngăn chặn không cho gia cầm nhập lậu, gia cầm chưa qua kiểm dịch nhập khẩu vào nội địa. Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân không nên sử dụng gia cầm nhập lậu và gia cầm không rõ nguồn gốc,  chưa qua kiểm dịch. Trong chế biến thức ăn, nên ăn chín, uống sôi để vừa phòng cúm và bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, đặc biệt là phải loại trừ món tiết canh ra khỏi thực đơn hàng ngày…

Minh Ngọc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ