Dịch bùng phát do lây lan từ nước ngoài

Tốc độ lây lan nhanh

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 mới đây, GS.TS Nguyễn Thanh Long - quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, virus ở bệnh nhân mắc Covid-19 tại Đà Nẵng là chủng mới và xâm nhập từ bên ngoài. Dịch có thể bắt đầu từ đầu tháng 7/2020 và tới nay, Đà Nẵng đã trải qua 4 chu kỳ lây nhiễm.

GS.TS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhận định, chủng virus SARS-CoV-2 mới vừa được phát hiện tại Đà Nẵng có tốc độ lây lan nhanh hơn gấp nhiều lần. Tuy nhiên, độc lực không thay đổi so với chủng cũ. Theo GS Kính, virus SARS-CoV-2 có những biến đổi liên tục trong quá trình lây lan ra thế giới. Hiện tại, virus này có tới 99 chủng đã được biết. Tại Việt Nam đã ghi nhận 6 chủng của virus.

"Điều này lý giải tại sao gần đây, thế giới ghi nhận tới 1 triệu ca mắc mới trong 3 ngày. Trong khi trước đây khoảng 1 tuần mới lên tới con số này. Tuy nhiên, độc lực của virus chủng mới không tăng lên so với ban đầu. Bằng chứng là hiện nay thế giới đã cán mốc hơn 16,8 triệu người mắc Covid-19, nhưng số ca tử vong đang dần được kiểm soát. Việc nắm rõ về tốc độ lây lan, độc lực của chủng SARS-CoV-2 mới sẽ giúp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh một cách hiệu quả", GS.TS Nguyễn Văn Kính lý giải.

Đến 6 giờ ngày 29/7, Việt Nam có tổng cộng 446 ca mắc Covid-19, trong đó 276 trường hợp được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe là 16.248.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, đây là thời điểm bước vào cuộc sống bình thường trong giai đoạn rất mới. Trước bối cảnh nhiều ca nhiễm Covid-19 tại Đà Nẵng được ghi nhận, bác sĩ Khanh cho rằng, việc tăng cường xét nghiệm để tìm ra F0 trong bệnh viện và cộng đồng là điều vô cùng cần thiết. Bên cạnh đó, phương pháp xét nghiệm cũng sẽ cho ra các trường hợp F1 âm tính sớm.

Theo bác sĩ Khanh, ngoài việc xét nghiệm diện rộng, cần chú ý tới khu vực chợ đầu mối tại Đà Nẵng. Chuyên gia cho rằng, không khu vực nào là an toàn 100% ở hiện tại. Bác sĩ này cảnh báo, người mới có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19, nhưng những ngày sau do không chịu phòng bệnh hay đang ủ bệnh vẫn có thể phát tán virus. Ngoài ra, người chưa đến nơi có dịch, đang khỏe mạnh nhưng chưa xét nghiệm cũng có thể đang và sẽ phát tán virus.

Dù không an toàn, dù không biết người đối diện thế nào, người dân vẫn phải làm việc, đi lại khi cần thiết.

"Nếu cần đi thì mang theo "vũ khí" khẩu trang. Đeo khẩu trang đúng cách khi cần thiết, rửa tay, hạn chế đưa bàn tay lên vùng mũi, miệng... Tất cả cùng làm đúng thì mới hạn chế lây lan và bệnh sẽ tự tiêu. Người không làm đúng thì sẽ hại bản thân và người nhà, đồng nghiệp và cộng đồng", bác sĩ Khanh nhấn mạnh.

Hàng rào kiểm dịch y tế bị… qua mặt

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, việc xuất hiện nhiều ca lây nhiễm mới trong cộng đồng và không tìm được F0 là một điều không vui, nhưng không hề bất ngờ. Theo PGS Nga, hiện tại, dịch bệnh đang "hoành hành" tại nhiều nước trên thế giới.

"Nguyên nhân dịch bùng phát trở lại sau hơn 3 tháng chắc chắn là có sự lây lan từ nước ngoài vào", PGS.TS Nguyễn Huy Nga khẳng định.

Lý giải về việc này, chuyên gia cho biết, gần đây, có không ít người trở về từ các nước có dịch. Không ít trường hợp xâm nhập vào Việt Nam một cách kín đáo, vượt qua hàng rào kiểm dịch của ngành y tế.

"Do đó, khả năng có những người bệnh đi lại trong cộng đồng là rất cao".

Ngày 27/7, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố có liên quan khuyến cáo người dân đến thành phố Đà Nẵng và trở về địa phương trong khoảng thời gian từ ngày 8/7 đến nay thực hiện khai báo y tế điện tử, tự theo dõi sức khoẻ. Người có biểu hiện ho, sốt hoặc đã đến các khu vực có nguy cơ cao bị cách ly, phong toả cần được xét nghiệm ngay.

Bên cạnh đó, chuyên gia cho rằng, người dân cũng bắt đầu chủ quan và mất cảnh giác với dịch bệnh, quên thói quen đeo khẩu trang cũng như rửa tay xà phòng. PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhận định, liệu có cách ly xã hội toàn quốc một lần nữa hay không còn phải chờ vào diễn biến dịch trong tuần này và tuần sau. Quyết định sẽ được Chính phủ đưa ra dựa trên sự hài hoà giữa sức khoẻ cộng đồng và kinh tế nước nhà.

Trả lời về biện pháp ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả khi mất dấu F0, PGS Nga cho biết, việc quan trọng là tầm soát các ca bệnh mới. Từ đó có thể kịp thời cách ly và bao vây ổ dịch. Ngoài ra, cần rà soát những người tiếp xúc gần với ca bệnh hoặc cá nhân từng tới các bệnh viện có người mắc mới.

"Covid-19 đang tiếp diễn và cán bộ y tế là một trong những người dễ bị nhiễm bệnh nhất, đặc biệt là người không làm tại các khoa truyền nhiễm. Vì thế, chúng ta cần có những biện pháp chủ động phòng dịch ngay tại các bệnh viện, không chỉ ở Đà Nẵng mà còn trên cả nước", chuyên gia nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ