Dịch bệnh phá làng nghề

Dịch bệnh phá làng nghề
Bác sĩ thú y đang kiểm tra chất thải của chim cút để kịp thời phát hiện bệnh trắng trứng
Bác sĩ thú y đang kiểm tra chất thải của chim cút để kịp thời phát hiện bệnh trắng trứng 
 

(GD&TĐ) - Nhắc tới thôn Mạch Lũng, xã Đại Mạch (Đông Anh, Hà Nội), những người trong giới buôn trứng cút không ai là không biết. Đây là một trong những cơ sở cung cấp trứng cút cho toàn thủ đô Hà Nội.

Nơi đây đã được người dân biết đến với tên gọi “làng nghề nuôi chim cút”. Nhờ đó, từ một thôn nghèo nàn, lạc hậu mà giờ Mạch Lũng nhà cửa khang trang, thu nhập cao, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm hộ dân. Tuy nhiên, làng nghề “chim cút” Mạch Lũng đang đối mặt với vô vàn khó khăn bởi bệnh trứng trắng quái ác đang làm những đàn chim cho trứng trở thành chim thịt bất đắc dĩ. 

Không vỡ nợ là may

Theo hướng dẫn của người dân, chúng tôi tìm về thôn Mạch Lũng vào một ngày đầu tháng 11. Đây là thôn có quy mô nuôi chim cút lớn nhất xã Đại Mạch với hơn 100 hộ gia đình nuôi vào khoảng gần 4 triệu chim. 

Ông Nguyễn Văn Thực, chủ một trang trại cho biết: Nghề nuôi chim cút mới có khoảng hơn 20 năm, phát triển mạnh từ 10 năm trở lại đây. Nhiều hộ gia đình đã phất lên nhanh chóng nhờ nuôi chim cút, giờ cả thôn có đến 90% sống bằng nghề nuôi chim. Trứng cút lộn được biết đến là một món ăn “bình dân, ngon, bổ, rẻ” đối với những người có thu nhập thấp và sinh viên, học sinh tại địa bàn thủ đô. 

“Nuôi chim cút cách đây vài năm thì thu nhập cao và ổn định, giờ kém đi nhiều rồi các cô chú ạ. Giá trứng giờ chỉ được 3.300 – 3.400 đồng/ 1 chục trứng thì lỗ vốn chứ lãi ở đâu ra.

Trước giá còn được 3.900 - 4.000 đồng/ 1 chục trứng có lúc cao nhất cũng lên được 5.200 – 5.300 đồng/ 1 chục trứng; trứng cút lộn thì giá bình ổn hơn luôn ở mức 6.400 – 6.500 đồng/1 chục trứng thu nhập mỗi ngày cũng được dăm bảy trăm nghìn đồng, đến phân chim hay người dân ở đây còn gọi bằng cái tên quen thuộc là “tôm” (ý chỉ đắt như tôm tươi), còn bán được giá 3.000 - 40.000 đồng/ 1 bao cho các vùng trồng hoa ở Mê Linh, Từ Liêm… còn giờ thì nuôi chim mà như đi câu, cả đêm cả ngày lo chim của nhà dính bệnh” - Ông Thực bộc bạch.

Quan sát quanh làng, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, nhưng xen kẽ đó là những căn nhà chưa hoàn chỉnh. Được biết, nó còn dở dang là do mấy năm gần đây, giá trứng bất ổn định, thu nhập chi để cầm cự, nhà nào không vỡ nợ là còn may. Hỏi ra mới biết nguyên nhân là do một loại bệnh xuất hiện ở chim cút mà chưa có vắc-xin điều trị.

Ông Nguyễn Văn Thực chăm sóc đàn chim
Ông Nguyễn Văn Thực chăm sóc đàn chim
 

Mỏi mòn chờ thuốc đặc trị

Chim cút đẻ trứng trắng gây thiệt hại đáng kể cho người chăn nuôi. Trong thời gian chim đẻ trứng trắng, sức khỏe của chim bị suy giảm nghiêm trọng, người chăn nuôi cũng thiệt hại nhiều do không có nguồn thu nhập từ trứng.

Ông Lê Hữu Nam, chủ một trong những trang trại lớn nhất thôn Mạch Lũng chia sẻ: “Cái bệnh trứng trắng này ở chim cút không biết đã làm thiệt hại bao nhiêu tiền của cho người chăn nuôi. Nhà nào nuôi ít thì thiệt ít, nuôi nhiều thiệt nhiều. Mỗi năm gặp một lần thôi cũng trắng tay”. 

Dịch bệnh trứng trắng đang làm cả một làng nghề ven đô từng giàu lên từ công việc nuôi chim cút xuống dốc không phanh. Đem thắc mắc về căn bệnh quái ác này hỏi bác sĩ thú ý trong xã thì được biết: Đây là căn bệnh ở chim cút mới xuất hiện mấy năm tại vùng chăn nuôi tập trung này, đến nay vẫn chưa có nghiên cứu đầy đủ để tìm ra thuốc đặc trị…  

Theo anh Nguyễn Đình Phương, chủ đại lý thuốc thú y Phương Thảo tại xã Đại Mạch, nơi chuyên cung cấp thuốc và cám cho các hộ chăn nuôi ở Mạch Lũng: Mỗi lần bệnh trứng trắng bùng phát, bà con đến hỏi mua thuốc và mời về tư vấn phòng, chữa bệnh, anh rất trăn trở.

Chứng kiến nhiều lần dịch bệnh bùng phát trên những đàn chim đang cho trứng của các hộ chăn nuôi, anh Phương cũng lực bất tòng tâm vì hiện nay chưa có thuốc chữa trị, chỉ còn cách phòng ngừa từ xa và chờ nghiên cứu tìm ra thuốc đặc trị mà thôi.

Thị trường chịu chung hậu quả

Giờ đây, không ít hộ nuôi chim cút lấy trứng ở Mạch Lũng đang loay hoay tìm hướng đi mới cho đàn chim từng “hái ra tiền” của gia đình mình. Ông Hải, chủ một khu chăn nuôi nằm phía sâu trong làng bật mí với chúng tôi: Gia đình ông hiện giờ tạm dừng công việc nuôi chim lấy trứng để tập trung vào việc vỗ béo rồi thải lứa này làm chim thịt bán ra thị trường để thu hồi vốn.

Theo một số thương lái, dòng chim cút già được vỗ béo thành chim thịt này đang là đặc sản được tiêu thụ mạnh tại các chợ và nhà hàng trong nội thành.

Ông Hải cũng cho biết loại chim cút này được các thương lái thu mua rất nhanh và chủ yếu cung cấp cho các nhà hàng hoặc cơ sở giết mổ chim cút chế thành chim ngói, chim rừng... Người không sành ăn thì rất khó phân biệt được thật – giả.

Thế mới biết, vì sao mà những xiên chim sẻ vàng ruộm được bày bán dọc vỉa hè nội thành lại chỉ có giá ưu đãi: 3.000 đồng/con. Còn người chăn nuôi ở Mạch Lũng vẫn đang mòn mỏi chờ đợi một liều thuốc đặc trị cho căn bệnh trứng trắng quái ác để cứu lấy một làng nghề đầy tiềm năng nơi đây. 

Thanh Tâm

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ